Bạo lực học đường, không phải câu chuyện của căn phòng khóa cửa

05/11/2017 - 15:45

PNO - Bạo lực học đường chưa bao giờ là vấn đề xưa cũ. Giải pháp nào để chúng ta đồng hành cùng con trẻ lớn lên an toàn?

Hãy cùng PNCN trò chuyện với chị Võ Hồng Tâm - một chuyên viên tâm lý học đường để hiểu thêm về bạo lực học đường.

Bao luc hoc duong, khong phai cau chuyen cua can phong khoa cua
 

* Phóng viên: Có thể nói bạo lực học đường (BLHĐ) là việc mà chúng ta nhắc đi nhắc lại mãi. Với vai trò là chuyên viên tâm lý học đường, chắc chị hành động nhiều hơn là nói?

Chị Võ Hồng Tâm: Tôi tin vào hành động nhưng cũng biết sức mạnh của lời nói. Do đó tôi nghĩ, song song với lời nói là hành động. Nếu bạn chỉ hành động, và hành động một mình, bạn sẽ rất cô đơn, dễ bỏ cuộc. BLHĐ là câu chuyện không của riêng ai. Vậy tại sao chúng ta không cùng nói ra, để liên kết với nhau, để tìm thấy nhau.

Tìm được những người cùng trăn trở, cùng sự quan tâm và bắt tay hành động. Đâu đó trong những buổi tọa đàm, sẽ có một vài phụ huynh, một vài thầy cô chợt nhận ra vấn đề và họ thay đổi. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, không riêng gì BLHĐ, đối với mọi vấn đề, lời nói cần đi đôi với hành động.  

* Nhà trường cho rằng gia đình cần nỗ lực hơn. Gia đình lại quy trách nhiệm thuộc nhà trường. Xã hội dường như vẫn loay hoay tìm một giải pháp hợp lý?

Tôi không thấy vậy! Điều bạn vừa nói là những điều truyền thông hay nhắc đến, là câu chuyện bên lề của những người quan tâm nhưng chưa thật sự dấn thân. Không phải hầu hết, nhưng chúng tôi, những người làm giáo dục và cả những phụ huynh mà chúng tôi đã gặp gỡ, không đùn đẩy trách nhiệm cho ai hết. Chúng tôi và phụ huynh đều biết vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình ở đâu trong cuộc đời đứa trẻ.

Tuy nhiên, BLHĐ là vấn đề của một nhân cách, một số phận, của một hoàn cảnh ngay tại thời điểm đó nên chúng ta phải đợi chờ, kiên nhẫn với giải pháp cũng như kết quả. Không phải chuyện ngày một, ngày hai, không phải chuyện nói một câu, đánh đòn một trận, hay một buổi kỹ năng sống... là giải quyết được tất cả.

* Dạy trẻ kỹ năng sống có phải là chìa khóa để giải quyết căn nguyên vấn đề không?

Tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của kỹ năng sống. Nhưng, nếu cho rằng đây là “chìa khóa” thì có lẽ vấn đề BLHĐ đã được giải quyết. Đứa trẻ không phải là một căn phòng, BLHĐ càng không phải là câu chuyện của căn phòng đang khóa cửa, chỉ cần một cái chìa là có thể giải quyết.  

Bao luc hoc duong, khong phai cau chuyen cua can phong khoa cua
 

Với những trường hợp tôi đã gặp, BLHĐ bắt nguồn từ một trong ba nguyên nhân: Nhận thức sai lầm, không có nghị lực (yếu đuối) và thiếu tình thương. 

* “Những đứa trẻ chuyên đi bắt nạt” - chúng ta nên làm thế nào với chúng đây?

Đừng dùng bạo lực để nói về BLHĐ. Hãy dùng tình thương, sự thấu hiểu và lòng kiên nhẫn. Cảm xúc tự nhiên của chúng ta có thể là tức giận, là oán trách, muốn đẩy chúng đi xa... nhưng sau tất cả những cảm xúc đó xin hãy “lắng” lại, hãy cảm nhận sâu thẳm trong tâm hồn bạn sự đau lòng, nghẹn ngào.

Xin ngồi lại, để thấu hiểu, để yêu thương, chấp nhận và kiên nhẫn với chúng, dù bạn là cha mẹ, thầy cô hay là một người qua đường. Vì dù là ai, bạn vẫn đang có hoặc sẽ có một đứa trẻ nào đó là người thân của mình, mà đứa trẻ đó có-thể-sẽ-ở trong mắt xích nào đó của BLHĐ.

Một đứa trẻ chuyên đi bắt nạt hôm nay, ngày mai có thể là nạn nhân. Một đứa trẻ nạn nhân hôm nay, ngày mai có thể sẽ chuyên đi bắt nạt. Điều đó tùy thuộc vào cách cư xử của người lớn chúng ta và những gì đứa trẻ đã được tiếp nạp theo chiều dài năm tháng của cuộc đời chúng.

* Làm thế nào để nhận ra con mình đang là nạn nhân của BLHĐ, khi độ tuổi của các con có xu hướng giấu kín những gì mình trải qua?

Về mặt kiến thức, tôi biết chút ít lý do, nhưng tôi nghĩ bạn mong chờ một câu trả lời thực tế hơn. Trong thực tế, khi làm tư vấn, tôi được rất nhiều em tin tưởng, tâm sự tất cả những điều “không tưởng” nhất. Đây là minh chứng cụ thể cho việc đứa trẻ có thể nói ra, có thể chia sẻ. Nên “xu hướng” chỉ là “xu hướng” thôi, không phải là “chắc chắn” sẽ giấu kín.

Nếu bạn không quá bận rộn, áp lực với trẻ, không quá cầu toàn ở trẻ, bạn có thể “chấp nhận trẻ như chúng đang là… sẽ là…” thì tôi nghĩ đứa trẻ sẽ chạy đến bên bạn, vì đừng nói độ tuổi này, bất kỳ ai cũng muốn như thế. Nhưng rõ ràng, với gánh nặng cơm áo bạn rất khó để thực hiện điều đó. Vì tương lai của trẻ, người lớn chúng ta phải cố gắng, đó cũng là một trong những cách bạn rèn luyện chính mình.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị.

T.K.T. (thực hiện) 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI