Bao lâu rồi bạn chưa nói chuyện với cha, chưa nhìn vào mắt mẹ?

24/03/2017 - 06:30

PNO - Câu chuyện mẹ kể ngày bạn chào đời, những lần bạn ốm, những chuyện vui, chuyện buồn ngày thơ ấu… bạn đã nghe từ rất lâu rồi, hay mới nghe mẹ kể lại?

Ngay từ ngày còn nhỏ, bất cứ ai cũng được cha mẹ và nhà trường dạy rằng, bổn phận làm con phải có hiếu, biết thương yêu và hết lòng chăm sóc cha mẹ. Thật ra ít cha mẹ nào nuôi con lớn mong đến ngày con cái làm tròn chữ hiếu, cha mẹ còn sức giúp được gì cho con thì giúp, miễn con cái sống tốt, vững vàng, có công ăn việc làm tử tế là cha mẹ đã mãn nguyện lắm rồi.

Bao lau roi ban chua noi chuyen voi cha, chua nhin vao mat me?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nói đến chữ hiếu và đạo làm con thì sách xưa không thiếu những tấm gương để lại cho hậu thế từ vị vua anh minh, đến nhà nho, hòa thượng hay chú bé chăn trâu… Có hiếu với mẹ cha là một trong những bài học được học đi học lại nhiều năm ở cấp học phổ thông.

Như thế, theo lý thuyết, có hiếu không phải là việc gì… khó làm, đó là bổn phận của con cái đối vối cha mẹ, một phản xạ tốt tự nhiên của con người với con người, như hơi thở, như những hành động khác trong cuộc sống.

Trong cuộc sống ngày nay, có hiếu có đúng là như vậy? Ở đây không đặt vấn đề con cái đối xử không tốt với cha mẹ mà xin kể những câu chuyện, người ngoài cuộc nhìn vào thấy rõ ràng đó là tấm gương rất có hiếu, vậy mà người trong cuộc lại lắc đầu: ‘làm tròn chữ hiếu – không dễ!’

Chị là con gái đầu trong gia đình có ba anh em. Anh trai và em gái ở xa, vợ chồng chị sống với cha mẹ già năm nay tám mươi tuổi. Tính chị hiền lành, thùy mị không chỉ gia đình yêu quý mà hàng xóm ai cũng thương. Chị sống rất có hiếu với cha mẹ. Trông cách chị chăm sóc ông bà thì hiểu được ý nghĩa hai từ có hiếu. Sớm khuya, chị lo cho cha mẹ từ miếng ăn đến giấc ngủ và cả đưa ông bà đi chơi. Không chỉ mình chị đối xử tốt với cha mẹ mà chồng chị và con cái  trong nhà cũng kính trọng ông bà.

Chị dạy con từ khi còn nhỏ và luôn làm gương cho con cái noi theo. Vậy mà, khi bạn bè gặp nhau, mọi người khen chị có hiếu với cha mẹ, chị lại lắc đầu: ‘Có hiếu khó lắm. Mình chưa làm tròn được chữ hiếu đâu. Người có hiếu lấy việc chăm sóc cha mẹ làm vui, không được biểu lộ hành động khó chịu dù chỉ là trên nét mặt. Mình chưa làm được điều đó, đôi khi cuộc sống bận rộn và mỏi mệt, nhiều lúc mình cũng cáu với ông bà, nói lời hơi nặng làm ông bà buồn. Như vậy mình cũng chưa có hiếu!’

Một gia đình khác có chị chưa lập gia đình, sống với mẹ năm nay trên 80 tuổi nhưng trông bà vẫn còn khỏe mạnh. Anh chị em trong nhà đều có vợ chồng ra ở riêng hết, nên coi như chỉ mình chị chăm mẹ. Tánh mẹ chị khó không chỉ trong cách ở mà còn trong chuyện ăn uống. Nhà chỉ có hai mẹ con mà lúc nào trông chị cũng như có con mọn. Nay mẹ đòi ăn món này, mai đòi món khác. Cỡ nào chị cũng chiều.

Bạn bè rủ đi đâu chị cũng không dám đi vì sợ không ai lo cho mẹ ăn uống. Riết rồi, ngày qua ngày. Tuổi xuân của chị qua nhanh. Vì quen có người hầu hạ nên mẹ rất sợ chị đi lấy chồng.

Giờ đây, chị đã qua tuổi bốn mươi rồi mà mẹ chị vẫn giữ riệt con gái trong nhà. Ai điện thọai đến bà cũng thắc mắc, chị đi đâu bà cũng tìm cách ngăn, thậm chí chị may cái áo đẹp bà cũng chê! Nói đến mẹ, chị lại thở dài: ‘Mẹ khó quá, nhiều khi chiều không nổi. Có lúc mình bức bách lắm, nói điều to tiếng với mẹ. Có hiếu chẳng dễ chút nào!’.

Một chị khác tuy là ở riêng, nhưng lo cho mẹ rất chu đáo. Ngày chủ nhật nấu món ngon, chị múc ra gà-mên sai con xách qua cho ngoại. Nửa đêm mẹ muốn ăn tô phở, gọi điện chị chạy mua ngay. Ngày nào đi làm về chị cũng tạt qua nhà mẹ mua cho bà cái gì đó, ngồi lại tán chuyện hồi lâu mới về nhà.

Vậy mà, khi mọi người ở cơ quan khen chị có hiếu với mẹ, chị lắc đầu: ‘Nửa đêm xách xe đi mua tô phở cho mẹ mình vẫn cằn nhằn bà trái tính, cứ thích ăn khuya. Mình tự thấy chưa hết lòng với mẹ, đôi lúc phục vụ mẹ mà không lấy làm vui!’.

Không chỉ con gái mà nhiều người con trai đối xử với cha mẹ rất tốt, chu toàn bổn phận làm con. Cha mất từ khi anh còn nhỏ, mẹ ở vậy nuôi anh ăn học thành tài. Anh rất thương mẹ do đó kén chọn mãi năm ba mươi bảy tuổi anh mới cưới cô vợ đạt tiêu chuẩn đặt ra là phải thương mẹ anh trước hết.

Bao lau roi ban chua noi chuyen voi cha, chua nhin vao mat me?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Mấy năm sau này, mẹ anh bị tai biến, phải ngồi xe lăn. Sáng sớm anh đẩy xe đưa mẹ ra công viên hít thở khí trời khoảng 1 tiếng rồi đưa mẹ về cho mẹ ăn sáng xong xuôi anh mới đi làm. Vậy mà, khi bạn bè khen anh có hiếu, anh nói: ‘Mình chưa hết lòng với cụ đâu. Có hôm thức khuya mệt mỏi, sáng sớm cụ đòi đưa đi mình cũng nói nặng lời với cụ làm cụ buồn, rồi giận lẫy’.

Buổi sáng trong công viên không thiếu cảnh con cái đã ở tuổi trung niên đẩy xe đưa cha hay mẹ đi hít thở khí trời. Có người con chịu khó vừa đi vừa nói chuyện với mẹ. Đó là những hình ảnh đẹp quý giá trong cuộc sống đời thường khi mà giờ đây trong cái vòng áo cơm xoay tít mù không phải ai cũng có điều kiện giúp đỡ cha mẹ già yếu.

Người xưa định nghĩa về tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái gói gọn trong cụm từ ‘nước mắt chảy xuôi’ - trên thương xuống là quy luật của muôn đời, nước mắt không bao giờ chảy ngược do đó phải chăng việc dưới thương lên, có hiếu với mẹ cha vẫn là việc rất khó?

Bạn có nghĩ như vậy không? Có bao giờ bạn nhìn mẹ từ phía sau, hay lần cuối bạn nhìn vào mắt mẹ là khi nào? Bạn còn được bao nhiêu lần ngồi lại bên mẹ/cha với  những lời thăm hỏi? Câu chuyện mẹ kể ngày bạn chào đời, những lần bạn ốm, những chuyện vui, chuyện buồn ngày thơ ấu… bạn đã nghe từ rất lâu rồi, hay mới nghe mẹ kể lại? Có lẽ bạn không nhớ nhưng đoan chắc mẹ bạn nhớ rất rõ.

Bao lâu rồi bạn chưa nói chuyện với cha? Và bao nhiêu lần bạn gắt gỏng sao bố lẩm cẩm thế? Bạn đã lần nào mặt nặng mày nhẹ khi món canh mẹ lỡ nêm quá tay hay nồi cơm mẹ nấu bị nhão? Và bạn có bao giờ nghĩ đến mâm cơm ngày xưa của mẹ ngon biết chừng nào để thấy thương mẹ bắt đầu già, quên trước, quên sau?

Phải chăng, không có gì là muộn cả nếu chúng ta biết nghĩ lại?

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI