Bần thần giữa chợ ngày sau bão

22/09/2017 - 16:30

PNO - Mỗi cơn bão đi qua, những thứ còn lại không chỉ là rác rến, những ngôi nhà chẳng còn hình thù, những mảnh đời tan hoang; mà còn làm lộ ra nhiều gam xám xịt của bức tranh cuộc sống.

Dù đã biết trước là vậy, nhưng lần nào xách giỏ lội bùn vào chợ sau những ngày bão, tôi vẫn có cảm giác như bị ai thò tay vào túi móc sạch những tờ giấy bạc cuối cùng.

Ban than giua cho ngay sau bao
 

Những người miền Trung quê tôi bao năm qua đã quen với đổ nát tan hoang sau bão, nhưng không thể nào bình tĩnh nổi với những mất mát. Ngay khi nghe tin báo bão là đàn ông lo gia cố cửa nẻo, mái nhà, đường sá và chờ tiếng kẻng báo giữa đêm, để sẵn sàng tung cửa chạy ra cứu nạn...

Những người đàn bà thì bấn lên theo chuyện tích trữ thực phẩm. Không phải những cơn bão lớn làm cách trở giao thông, thực phẩm khan hiếm, đời sống mới rơi vào cảnh ngặt nghèo; mà ngay cả những cơn bão "sơ sơ" cũng kéo theo nỗi lo "tiền đâu mua gạo?".

Thực phẩm chống bão của nhà tôi thường là một gầm giường toàn rau củ, mì gói, những vỉ trứng, một bao gạo lớn... Tất nhiên, để có được chừng ấy thứ, nhiều lúc mẹ tôi, dì tôi phải xoay xở vay mượn từ nhiều nguồn. Nhưng những ngày bão qua, khi đồ tích trữ đã cạn, nhìn những đứa trẻ đã táo bón, đã vàng vọt vì thiếu chất, mẹ tôi lại ngóng chợ họp trở lại để nhắc tôi đi mua rau xanh và cá thịt.

Ban than giua cho ngay sau bao
 

Thật đắng lòng vì cứ mưa gió bão bùng là vật giá leo thang. Những món bình thường như rau cải có lúc vọt lên đến 20.000 đồng một mớ. Nếu nói gió mưa làm rau nát, đường sá vận chuyển khó khăn thì còn hiểu được; nhưng những món hàng khô không hề bị ảnh hưởng bởi thời tiết sao cũng leo thang vô tội vạ.

Dầu ăn tăng thêm 5.000 đồng mỗi chai, một gói mì tăng giá gấp rưỡi, một hộp sữa, lon nước ngọt cũng tăng 2.000-3.000 đồng mới chịu. Hỏi thì người bán lặp lại một điệp khúc đã quá nhàm tai "do khan hiếm hàng".

Do khan hàng đâu phải là lý do giá tăng sau bão! Từ lâu, giá các nhãn hàng tiêu dùng lớn không hề thay đổi vì lý do thiên tai. Tăng giá chẳng qua là vì lòng tham của các đại lý, các cửa hàng ở quê tôi. Lúc đó, giá cao cỡ nào thì người dân chúng tôi cũng phải mua thôi. Đâu còn chọn lựa nào khác.

Ban than giua cho ngay sau bao
 

Biết rằng người kinh doanh thì bất kỳ khi nào có cơ hội sẽ tăng giá để có thêm lợi nhuận; nhưng sao nghe mấy chữ giải thích vô lý đó, nhìn lại tệp tiền lẻ trong túi, tôi thấy thật sự đắng đót. Biết mua gì, bỏ gì bây giờ?

Tiếng chào mời kéo tôi đến dãy hàng cá, các chị đon đả khuyên mùa này cá đầy đồng, ăn thịt chi cho mắc, chờ xuống giá rồi tính. Lại các chị hàng rau, mời mua rau muống đang non xanh theo nước, các loại củ quả khác giá đang trên trời. Rồi lại theo tiếng các chị đi chợ, đang phát lương thực cứu trợ trên ủy ban, nghe đâu có cả tiền giúp sửa chữa lại nhà; ngày mai có thêm đoàn khác phát tập vở cho bọn con nít…

Chợt nhớ đến món quà đầu tiên tôi nhận được sau một cơn bão thuở bé - một cuốn vở có hình con nai và dòng chữ giấy Đồng Nai, nghe cô giáo nói là do các bạn học sinh tiểu học ở miền Nam tặng. Tấm lòng ấm áp ấy đã giúp tôi như quên mất những đói khát, giá lạnh sau bão, khi nhà cửa đã tan hoang, mẹ đã không còn đồng nào đi chợ...

Thái Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI