Bài học giữ hạnh phúc từ góc bếp

11/07/2019 - 14:54

PNO - Tôi nhận ra rằng, dù hiện đại thế nào, dù đổi mới ra sao, thì sự ấm áp tỏa ra từ góc bếp là một hương vị không thể thiếu trong gia đình.

Gia đình tôi sinh sống ở nông thôn. Trong ký ức tuổi thơ tôi ngày ấy, những bữa cơm đều một tay mẹ chuẩn bị. Những hạt cơm dẻo thơm, tô canh nóng hổi hay món xào vừa miệng đều từ bếp lửa của mẹ.

Tôi thì ỷ lại vào sự nuông chiều của cha nên cứ lấy lý do “con bận đi học” để không phải động tay vào việc nhà, đặc biệt là cơm nước cùng mẹ. Mẹ thấy con gái lớn mà không biết việc nội trợ, nên hay nhắc: “Con chưa biết thì tranh thủ mẹ đang nấu, đứng bên cạnh quan sát một đôi hôm sẽ rành ngay thôi”.

Bai hoc giu hanh phuc tu goc bep
Góc bếp của mẹ - một trời nhung nhớ của tôi. Hình minh họa.

Với mẹ, góc bếp có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, gắn kết các thành viên với nhau. Người Việt chúng ta vẫn quan niệm, ngôi nhà có góc bếp đỏ lửa thường xuyên là một gia đình hạnh phúc. Năm nay tròn ba mươi năm cha mẹ tôi cưới nhau, và tôi chưa bao giờ thấy mẹ không nấu một bữa ăn nào, trừ những khi mẹ đi vắng. Lớp trẻ chúng tôi, cứ lao đầu vào công việc, mải mê theo đuổi đam mê mà quên những hình ảnh thân thương đã theo mình suốt cả tuổi thơ. 

Xa nhà, những bữa ăn vội vàng khiến tôi nhớ quay quắt không khí ấm áp bên mâm cơm gia đình khi còn ở với cha mẹ. Ăn ngoài hoài cũng ngán, tôi lân la vào bếp. Chưa bao giờ phải đụng tay nên mới lần đầu tiên tôi đã lãnh hậu quả khi sản phẩm ra lò là trứng cháy, canh mặn và rau luộc mềm nhũn. Tôi không nản, cứ cố gắng từng bước một. Sau một thời gian, mâm cơm cũng đã tròn vị. Dần dà việc nấu ăn không còn là thách thức nữa, mà trở thành sở thích. Và bếp cũng là nơi tôi thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhoài.

Tự lập, tôi mới thấm những lời răn dạy của mẹ dành cho con gái về việc giữ gìn bếp lửa gia đình. Thậm chí, ngoài thời gian đi công tác xa, tôi vẫn đều đặn nấu cơm cho mình. Cuối tuần, bạn bè rủ tụ tập họp nhóm, tôi lại khởi xướng luôn việc mời các bạn qua nhà và đóng vai trò là đầu bếp chính. Các anh chị ở xa lâu lâu vào Sài Gòn chơi, thay vì mời ra hàng quán ăn, tôi lại mời về nhà mình dù cơm canh đạm bạc. Tôi thèm ăn món nào mới, một là gọi điện cho mẹ hỏi cách nấu, hai là tra “gu gồ” tìm công thức. Nhiều anh mắt tròn mắt dẹt khi thấy tôi đăng hình ảnh những bữa ăn, món tráng miệng lên trang cá nhân.

Tôi học nấu ăn là bởi gặp gỡ biết bao gia đình, hoàn cảnh, tôi nhận ra rằng trong hôn nhân, phụ nữ nắm vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trước tiên, tôi muốn tự chăm sóc tốt cho chính mình và sau này không phải bỡ ngỡ khi làm vợ, làm mẹ.

Bai hoc giu hanh phuc tu goc bep
Hình minh họa

Tôi cũng hiểu vì sao, bếp điện, bếp gas đầy đủ, hiện đại nhưng hễ có thời gian rảnh, mẹ đều nhóm bếp củi để nấu. Mẹ bảo: “Ngày xưa mẹ ở với ngoại còn không có củi mà nhóm bếp, phải đi lấy rơm ngoài đồng về, nấu là ngồi canh đến chín thì thôi. Cha mẹ lấy nhau từ hai bàn tay trắng, bếp củi như một lời nhắc nhớ về lời hứa gắn kết trọn đời của cha mẹ thời khó khăn, và sau này vẫn như vậy”. Nghe vậy, tự dưng mắt tôi 
cay cay. 

Cuối tuần rồi, tranh thủ ngày nghỉ, tôi đón chuyến xe sớm về với mẹ, nhóm bếp củi để nấu chè hạt sen. Nghe mẹ kể những chuyện xưa, tôi nhận ra rằng, dù hiện đại thế nào, dù đổi mới ra sao thì sự ấm áp tỏa ra từ góc bếp là một hương vị không thể thiếu trong gia đình. Và nhìn vào góc bếp, người ta sẽ biết người phụ nữ trong gia đình như thế nào.

Cảm ơn mẹ, những bài học từ góc bếp, và bữa cơm của mẹ. 

Khả Hân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI