Bác xe ôm say xỉn thích quờ tay ra sau

10/09/2019 - 11:30

PNO - Bố mẹ còn nhớ không, cách đây hơn tám năm về trước, khi con vào lớp Một, chuyện đến trường của con như một niềm vui của cả nhà. Bố và mẹ giành nhau chở con từng ngày. Cảm giác ấy thật hạnh phúc.

Con gái thương gửi bố mẹ!

Sáng nay trời thật đẹp, nhưng con không có tâm trạng để cảm nhận nó. Bố mẹ lại cãi nhau chỉ vì chuyện chở con đi học. Năm nay con lên lớp Chín, suy nghĩ chưa được thấu đáo, nhưng con vẫn mong bố mẹ sẽ hiểu con gái của mình.

Bố mẹ còn nhớ không, cách đây hơn tám năm về trước, khi con vào lớp Một, chuyện đến trường của con như một niềm vui của cả nhà. Bố và mẹ giành nhau chở con từng ngày. Cảm giác ấy thật hạnh phúc. Con đường tới lớp của con như một khoảng trời kỳ diệu. Mọi thứ đều hấp dẫn. Con không thể rời mắt khỏi thế giới xung quanh mình: “Bố ơi, vì sao trời màu xanh? Vì sao lại có ngày tựu trường hả mẹ?”. Những khoảnh khắc ngắn ngủi ấy ấm áp vô cùng.

Nhưng điều đó chỉ diễn ra cho đến khi con học hết lớp Năm. 

Bac xe om say xin thich quo tay ra sau
Ảnh minh họa

Lên lớp Sáu, trường con học không còn gần nhà nữa. Vì gia đình mình cũng chẳng khá giả gì, bố mẹ chạy ngược chạy xuôi với công việc nên đã thống nhất cho con đi học bằng xe buýt, mặc dù biết rằng con vốn bị say xe. 

Chưa đi học, nhưng cứ nghĩ tới mùi xăng, mùi hơi người, con đã thấy mình không thể nào tỉnh táo được. Bởi vậy, cứ lên xe là con phải nhắm mắt, cố tìm cách để ngủ, được đoạn nào đỡ đoạn ấy. Nhưng làm sao có thể ngủ được khi xe dừng liên tục để đón khách? Người người lên xuống, tiếng hối thúc của bác tài xế, tiếng quát tháo của người soát vé… Tất cả những âm thanh ấy cứ nhồi nhét vào đầu óc con, cùng với mùi xăng khiến con cảm thấy chẳng còn chút sức lực nào đón bài học mới.

Con được biết, ở nhiều quốc gia, học sinh đã tự đến trường mà không cần sự đưa đón của bố mẹ khi chỉ mới vào cấp I. Đối với họ, đi học bằng xe buýt là một hành trình thoải mái và thú vị chứ không phải là nỗi ám ảnh thường trực như con. 

Giáo viên đón học sinh bằng vẻ mặt niềm nở, biết ai vui, ai buồn, ai hôm qua mất ngủ… Họ liên tục chia sẻ với học sinh rất nhiều chuyện trong quá trình di chuyển tới trường. Vì vậy, học sinh không cảm thấy mệt mà rất vui. Còn trước mặt con, mọi thứ diễn ra không như bố mẹ vẫn nghĩ. Bạn của con, chỉ vì vướng víu khi xỏ chân vào giày, đã không kịp lên xe. Ngày đó, bạn ấy không được đến lớp. 

Sau hai tuần, thấy không ổn nên bố mẹ nhờ bác xe ôm gần nhà chở con đến trường. Chi phí cho việc đưa đón này tính ra đắt đỏ hơn nhiều so với việc đi bằng xe buýt, do đó, bố mẹ cũng “ngầm nhắn nhủ” với con rằng, đó là sự cố gắng của bố mẹ, nên con đừng “mắc bệnh công chúa” mà èo ọt thế này thế kia.

Nhưng bố mẹ đâu biết, người ta chạy xe rất nhanh, chắc để còn kịp chuyến khác. Nhiều lúc, con ngồi sau xe mà cảm giác như mình sắp bị rơi xuống đường. Chiều đến đón con, có những ngày người bác ấy nồng nặc mùi rượu, có hôm còn chọc ghẹo con. Dạo này bác cứ thích quờ tay ra phía sau khi đang chạy xe. Con rất sợ! 

Thực sự con không muốn ngồi sau chiếc xe ôm ấy nữa. Nhưng mỗi lần nhắc đến chuyện này, bố mẹ lại to tiếng với nhau, rồi quay sang bảo con là “con nhà lính mà tính nhà quan”. Thấy mình đang làm khó bố mẹ nên con đành im lặng và mang nỗi hoang mang về hình ảnh người tài xế ngà ngà say vào trong những giấc ngủ chập chờn. 

Tệ hơn là con đối diện với ông ấy mỗi ngày. Nhiều hôm đến trường sớm, bảo vệ chưa mở cổng, con chỉ ước sao có bố mẹ đứng cùng. Những hôm tan học, mệt đừ người, con chỉ mong được bố mẹ tới đón bởi con thèm được ngả đầu, dựa người vào nơi ấm áp, dịu êm. Đã khá lâu rồi, con không được cảm nhận điều ấy.

Một năm học mới lại bắt đầu. Trong ngày khai giảng, con đã quen nghe lời văn thầy đọc: “Buổi mai hôm ấy… Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp…”. Con hy vọng sẽ thấy bố hoặc mẹ ở cổng trường, nhìn con và nở nụ cười thân thương. Để con thấy bình an trên đường về nhà. 

Hãy chở con đi học, bố mẹ nhé!

Con của bố mẹ. 

Bé Na

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI