Ba mẹ là đôi chân của con

28/06/2017 - 06:30

PNO - Mọi người ở Ấp Ràng, Trung Lập Thượng, Củ chi, gọi Huỳnh Thanh Thảo là “Thiên thần không đôi chân”. Nhưng Thảo lại nói rằng, chị rất trọn vẹn vì đã có ba mẹ là đôi chân của mình.

Ngày hè, thư viện Mini Cô Ba của Thảo càng đông các em nhỏ tụ tập vui chơi, học hành. Các em rất mê cô Thảo vì cô dạy cho các em đọc sách.

“Thiên thần không đôi chân” sinh năm 1986, trong một gia đình cha mẹ là những người làm nông, cực khổ và khó khăn để kiếm miếng cơm manh áo lo cho con cái. Thời chiến tranh, cha của Thảo làm giao liên phục vụ cho cách mạng. Chiến tranh kết thúc, người cha về với gia đình, cùng vợ chăm sóc các con.

Ba me la doi chan cua con
Thảo và mẹ

Mẹ Thảo sinh người con đầu là con gái, hoàn toàn khỏe mạnh. Chính vì vậy, nên nỗi áp lực sẽ được dồn lên đứa con thứ hai. Ai ai trong gia đình cũng đều hi vọng đứa bé này sẽ là con trai, vì “ba Thảo là con trai cả của gia đình có 10 anh chị em, nên ai cũng muốn mẹ Thảo đẻ con trai để nối dõi tông đường”.

Đến lúc biết đứa con thứ hai là con gái, không được như ý, thế nhưng ba mẹ Thảo vẫn quyết giữ lại con. Thời xưa, phụ nữ mang thai không được siêu âm như bây giờ, nên lúc sinh ra, chân Thảo hơi cong, đơn giản thời xưa người ta nghĩ là chân kiềng mà thôi. Bà mụ chỉ dám nói: “Đứa nhỏ này sẽ bị lùn”, chứ không dám nói nhiều sợ người mẹ suy nghĩ.

Không giống như những đứa trẻ khác, mỗi lần tắm xong được hơ, xoa tay chân, mặc áo quần Thảo đều khóc ré lên. Mỗi lần đi chích ngừa, tay chân Thảo đều bị sưng to lên. Linh tính, giác quan của một người mẹ, bà hiểu rằng con mình là người khuyết tật.

Ba me la doi chan cua con
Thảo và cha

Mang căn bệnh nhiễm chất độc da cam và xương thủy tinh, đến tuổi đi học, nhìn bạn bè nô nức tay trong tay đến trường, Thảo rất tủi thân. “Ba mẹ không muốn tôi đến trường vì chẳng trường nào chịu nhận người khuyết tật, ba mẹ còn sợ tôi đi học bị bạn bè trêu chọc”. Đến năm 9 tuổi, Thảo mới biết những nét chữ, con số do chính bố mẹ chỉ dạy.

Nuôi một đứa con lành lặn đã không hề dễ dàng, nuôi một đứa trẻ khuyết tật lại khó hơn bội phần. Việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh, trấn an nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn cho con trẻ là điều không phải ai cũng có thể làm được.

Là một người khuyết tật nhưng chưa bao giờ Thảo tự ti về điều đó, vì chị có trái tim, có khối óc để giúp ích cho đời.

Thảo đã từng thắc mắc “Ai sinh con ra cũng lành lặn, khỏe mạnh, vậy sao mẹ sinh mình ra là một người khuyết tật?”. Thảo đã từng đặt câu hỏi “Tại sao mình như vậy ba mẹ lại không bỏ mình”. Nhưng cuối cùng Thảo nhận ra đó chính là tình mẫu tử, đó chính là gia đình của mình.

Thảo rất tự hào về cha mẹ: “Cha mẹ tôi là những người nông dân, họ không lời lẽ để dỗ dành con, khuyên nhủ con. Nhưng chính tôi tự nhận ra được hành động, ánh mắt, biểu lộ của cha mẹ là tình yêu để tôi cố gắng. Mẹ tôi là một người phụ nữ vô cùng mạnh mẽ, kiên cường, những công việc đàn ông có thể làm mẹ đều làm được cả. Mẹ là tấm gương, là thần tượng để tôi tăng thêm niềm tin cho mình. Sự hi sinh của cha mẹ là động lực cho tôi sống có ích và hạnh phúc".

Được cha mẹ dạy đọc và viết, sau khi nhận được mặt chữ, Thảo tự học xếp vần và học tính toán. Thảo xin mẹ mở cửa hàng tạp hóa nhỏ.  Thương những đứa trẻ nghèo khó, đến năm 2000, Thảo dùng cửa hàng của mình mở lớp để dạy chữ miễn phí cho các em. Rồi Thảo tạo ra một thư viện nhỏ. Số sách và tài liệu được các mạnh thường quân quyên góp, ủng hộ. Trẻ trong vùng gọi là thư viện Cô Ba, nơi tụ tập của niềm đam mê đọc sách.

Ba me la doi chan cua con
Thư viện của Thảo

Thảo tâm sự: “Đa số giới trẻ hiện nay thường chăm sóc các mối quan hệ bên cạnh mình hơn là để ý đến gia đình. Vì đơn giản, họ nghĩ rằng những mối quan hệ ấy sẽ làm họ vui, nhưng gia đình thì không bao giờ bỏ rơi bạn. Cho dù con cái, chị em có vấp ngã có lầm lỗi đến mức nào đi chăng nữa, gia đình vẫn dang rộng vòng tay che chở, đón chào. Đó là gia đình. 

Có thể đôi khi vô tình các bạn không nhận ra nhưng thật sự nơi an yên nhất của cuộc đời này chính là còn ba mẹ để yêu thương, một nơi chốn để quay về. Có thể ba mẹ các bạn không hoàn hảo trong cách thể hiện yêu thương, nhưng mình tin rằng họ là người yêu thương các bạn thật lòng và thủy chung nhất. Hãy thể hiện lòng hiếu thuận của mình không chỉ là ly trà, chén cháo hay tiền lương hàng tháng mà hãy thể hiện trực tiếp bằng hành động sống tốt, trân trọng bản thân và trở thành một người tử tế”.

Lê Thị Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI