Anh em như... kẻ thù

15/12/2017 - 13:34

PNO - Thuở bé, mẹ la em Cà Chua là Cà Rốt xúi: “Mẹ đánh nó luôn đi”, xong le te chạy đi lấy roi cho mẹ, hân hoan như thể Cà Chua mà ăn đòn thì Cà Rốt mới hả dạ.

 1. Chị đồng nghiệp kể về hai đứa con trai cách nhau năm tuổi. Thằng anh ngậm ngùi bảo: “Anh hay trêu mày nhưng anh thương mày thật, mày xin gì anh sẵn sàng chia ngay. Mình hay đánh nhau, nhưng cũng toàn là giả thôi, ai ngờ mày lại ghét anh thật”. Số là thằng anh xin em đồ ăn. Đứa em nhất quyết không chia. Anh cứ cố lấy, thằng em hét lên, phản đối cật lực, không hề nhân nhượng. Thằng anh choáng mới cảm thán như thế.

Anh em nhu... kẻ thu
Ảnh minh họa

Trước giờ, hai anh em vẫn như chó với mèo. Trong nhà, em hay được bênh vực và cưng chiều nên anh chả ưa em mấy. Em vốn khéo léo, được lòng mọi người theo dạng “mồm miệng đỡ tay chân”, ít khi bị mắng hay ăn đòn. Thế nên hôm nay, nghe anh nói, thằng em ngạc nhiên lắm.

Nhiều trận, anh em đánh nhau chí tử. Hỏi sao thì thằng anh phân trần rất vĩ mô rằng vì thể trạng người Việt yếu ớt nên muốn em có “kỹ năng chiến đấu”. Chị cố giải thích cho con hiểu sự nguy hiểm của những màn đánh đấm mà lòng cồn cào lo, chẳng biết mai này anh em ruột thịt sẽ sống với nhau thế nào.

2. Trong gia đình bên ngoại, con gái Cà Rốt nhà tôi nổi bật như “bà chị” mát tay - luôn được các cô em họ tuổi lên năm lên bảy ưa thích. Các cậu hay dì đi đâu cũng hay gọi tôi, hỏi “mượn” Cà Rốt vài bữa để giúp trông em trong những ngày cả nhà đi du lịch, giảm tải cho bố mẹ chúng. Chỉ cần có Cà Rốt là bọn nhóc ngoan ngoãn ngay. “Có đứa con gái giỏi dỗ em, thích bày trò các kiểu, chịu nhường em như Cà Rốt, thật là được nhờ”. Câu khen ngợi của đám em khiến tôi dở khóc dở cười. Cảm thấy… tức Cà Rốt không để đâu cho hết. Nhiều lúc bực quá, tôi nghĩ con thật khôn nhà dại chợ.

Nhà có mỗi hai chị em - Cà Rốt, Cà Chua; nhưng Cà Rốt ghét em kinh khủng - mở miệng ra là cạnh khóe, chê bai, sẵn sàng dùng nắm đấm để “nói chuyện” với em mình. Chưa bao giờ con bé tỏ ra thân thiện chứ đừng nói gì yêu thương em. Vậy mà ra ngoài, Cà Rốt rất dịu dàng với những đứa em họ, sẵn sàng chịu thiệt, nhường chúng mọi thứ. Hỏi tại sao không thể đối với em ruột mình như vậy, Cà rốt vặn ngược: “Tại sao con phải thương nó? Nó có gì dễ thương đâu”.

Sự ghét bỏ em hiện rõ trong nét mặt Cà Rốt và lớn dần lên theo thời gian, gợi nỗi bất an mơ hồ mà dai dẳng; dẫu tôi đã khuyên bảo con, cố gắng đối xử với hai đứa thật công bằng, nhiều lần xử ép Cà Chua để “lấy lòng” Cà Rốt. Tôi muốn con gái hiểu, tôi yêu cả hai con, và nếu Cà Rốt thương em một, tôi sẽ “đền” hoặc thưởng lại cho con gấp đôi. Con bé lập tức trả treo: “Nó quan trọng với mẹ dữ vậy sao?”.

3. Tôi chắc nhiều bậc cha mẹ cũng chung cảnh loay hoay phân xử giữa những đứa con. Bọn trẻ vốn ghét nhau từ trong trứng à? Không hẳn. Đứa lớn thường thích chọc ghẹo, ăn hiếp đứa nhỏ như cái thú giải trí đơn thuần của kẻ sinh ra trước. Đứa nhỏ thường vô thức được cưng chiều, ưu ái hơn, tạo cho đứa lớn cảm giác bị ra rìa, bị đối xử bất công, “tại nó mà mình bị đòn”. Chưa kể, một số bậc cha mẹ lại hay áp dụng cái chân lý không hề tồn tại trên cõi đời: “Anh/chị phải nhường em”.

Thường đứa con sau hay quan tâm tới anh, chị nhiều hơn. Đi đâu, ai cho gì cũng nhắc quà cho anh, chị. Như nhóc con chị đồng nghiệp của tôi, lúc anh bé về ngoại, bé gặng hỏi tại sao bữa nay anh không về ngủ, sao anh không ăn. Thế nhưng hễ khi chơi với nhau là chiến tranh sẽ mau chóng nổ ra, ầm ĩ, thậm chí khốc liệt. Cha mẹ lại lấy chuyện “thấy em có lòng với anh chưa” để “lên lớp” đứa lớn, khiến sự bất mãn và nỗi ghét nhau càng thêm gay gắt.

Bài toán khó bỗng trở nên đơn giản. Chị đồng nghiệp nhẹ nhõm kể khi chạm ngưỡng người lớn, con chị đã cảm nhận được tình cảm ruột thịt. Năm nay cháu 14 tuổi, bắt đầu biết thương em. Chắc vì nó hay tâm sự với ông bà, được mọi người khuyên bảo: anh em nên biết yêu thương nhau.

Tôi lạc quan nghĩ, chắc Cà Rốt nhà mình mai này cũng thế. Hy vọng thế. Tin tưởng thế đi. Tuổi thơ nào, anh em nhà nào mà chẳng có những vấn đề phiền phức riêng của chúng. Cứ dành thời gian và sự quan tâm cho con, dần dà rồi bọn trẻ cũng tự hiểu thôi. 

Thằng em ít nói, nhưng nói “có chất lượng”. Thằng anh hay nói, nhưng bô tếch bô toác. Chị khổ sở chia sẻ, có khi cùng sự việc nhưng đứa anh trước đây bị phạt, tới lượt thằng em thì được du di bỏ qua. Tất nhiên thằng anh phân bì. Chị đâu thể nói kiểu “ờ thì mỗi giai đoạn mỗi khác” hoặc “tùy cách cư xử”; cũng chẳng thể bảo vì em con khôn ngoan lanh lợi, làm sao nỡ phạt đòn khi nó nem nép xin lỗi.

Thuở bé, mẹ la em Cà Chua là Cà Rốt xúi: “Mẹ đánh nó luôn đi”, xong le te chạy đi lấy roi cho mẹ, hân hoan như thể Cà Chua mà ăn đòn thì Cà Rốt mới hả dạ.

Hải Yến

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Duongtuananh 29-06-2022 14:52:42

    Tôi cũng như trên hình ảnh đó. Tôi là em, nhưng anh tôi chưa bao giờ xem tôi là em trai trong nhà. Tôi chưa xin cha mẹ gì, nhưng anh thì có xin tiền ra mua xe. Năm 14 anh tôi có chiếc xe 50cc, sau năm 15 anh tôi có chiếc xe giá trị rất cao, nhưng vẫn ghét tôi trong khi tôi không làm gì sai cả.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI