19 ngày sau đám cưới đã bị chồng đánh tới mụ mị

01/09/2019 - 11:30

PNO - Bao lần nhìn cảnh cha đánh đập hành hạ mẹ, vết thương trong lòng con không bao giờ lành miệng. Con trở nên nhạy cảm hơn, thu mình lại và cũng cực đoan hơn.

Coi cái clip trên mạng vụ người vợ bị chồng, một võ sư, đánh, những ký ức buồn của cuộc đời tôi lại ùa về, đau đớn đến tận cùng.

Có một thời rất xa, tôi cũng đã như người phụ nữ ấy, từng chịu những cơn cuồng nộ, đòn roi từ người đàn ông đầu ấp tay gối. Bảy năm, mình không nhớ được đã trải qua bao nhiêu trận đòn. Bảy năm, biết bao vết thương, từ tinh thần đến thể xác. 

Nhiều người bạn sau này hỏi, vì sao mình lại có thể chịu đựng được quãng thời gian dài đến vậy. Chỉ một lý do: vì con! Và cũng vì những trận đòn khiến mình mụ mị, chẳng còn ý chí phản kháng.

Nhiều người hỏi, sao không bỏ đi, ở với một người hành hạ mình như vậy để làm gì? Sau này khi đã qua hết những cung bậc trầm luân của cuộc hôn nhân cũ, tôi cũng tự hỏi mình, ngày đó, vì điều gì mà mình đã chịu đựng?

Còn nhớ, trận đòn đầu tiên tôi hứng chịu từ chồng là 19 ngày sau đám cưới, chỉ vì một lý do rất cỏn con. Trận đòn tối tăm mặt mũi khiến tôi không thể hình dung nó bắt đầu như thế nào. Và sau đó, dù ấm ức, dù đau đớn cả tâm hồn lẫn thể xác, tôi vẫn không dám bỏ chồng mà đi. Tôi sợ, sợ cha mẹ buồn, sợ xấu hổ với mọi người, sợ bị nhìn nhận như một kẻ thất bại. Và tôi đã chấp nhận nhanh chóng câu xin lỗi của anh ta, để rồi bắt đầu chuỗi ngày buồn nhiều hơn vui, nước mắt nhiều hơn nụ cười.

19 ngay sau dam cuoi da bi chong danh toi mu mi
Tôi bị thuần hoá bởi những cái tát như người ta thuần hoá nô lệ. Ảnh minh hoạ

Chồng tôi khi đó, tướng thư sinh ốm yếu, cũng chẳng ăn to nói lớn nên hiển nhiên nhìn vào không ai nghĩ đó là kẻ vũ phu. Không ai có thể hình dung tôi ăn đòn vì bất cứ lý do gì, dù lớn hay nhỏ, đến nỗi chẳng còn biết nên đề phòng thế nào. 

Khi bạn bị tát một cái, bạn rất dễ dàng phản kháng. Nhưng khi bạn bị đánh đến mụ mị cả người, thì bạn sẽ bị triệt tiêu ý chí phản kháng. Đấy chính là cách ngày xưa người ta thuần hóa nô lệ. Và tôi đã từng bị thuần hóa như thế, đến mức một cái lừ mắt của chồng cũng khiến tôi rúm ró. Tôi nói dối mọi người về những vết thương trên mặt, trên người chỉ vì sợ, bởi nếu để ai đó biết, tôi có thể sẽ bị đánh nhiều hơn.

Hằng ngày, hai con người song song tồn tại trong tôi. Khi ra ngoài xã hội, tôi năng động mạnh mẽ bao nhiêu, viết những bài viết sắc sảo bao nhiêu, thì về nhà, tôi là người đàn bà đã được thuần hóa, ngoan ngoãn đến lạ kỳ.

Đàn bà, khi bị vùi dập đến tận cùng, sẽ nảy sinh hai phản ứng trái ngược. Hoặc sẽ vùng lên kiểu một mất một còn, hoặc sẽ hủy hoại bản thân. 

Ngày đó, tôi không có can đảm để "một mất một còn" với người đàn ông mình gọi bằng chồng. Rất nhiều lần tôi đã nghĩ đến việc hủy hoại bản thân để giải thoát. Cho đến trận đòn sau cuối, tôi không nhớ làm sao có thể sống sót sau cơn cuồng nộ đó của người ta. Chỉ biết rằng sáng ra, bản năng sinh tồn khiến tôi lê bước trốn khỏi nhà với một bộ đồ trên người, tôi chỉ còn kịp nghĩ, nếu không trốn nhanh, anh ta dậy, thấy tôi là sẽ đánh thêm trận nữa, làm sao tôi sống nổi. Thế rồi cũng thoát.

Người đàn ông, đánh được một lần sẽ có lần thứ hai. Phụ nữ chịu đựng bỏ qua một lần sẽ có thêm nhiều lần tặc lưỡi. Họ vẫn có thể sống bên nhau trong những cơn ồn ào náo động, trong những cái vung tay, trong đọa đày nước mắt. Chỉ có những đứa con là nạn nhân đau khổ nhất. Ám ảnh trẻ thơ theo con đến hết cuộc đời. 

19 ngay sau dam cuoi da bi chong danh toi mu mi
Tôi mụ mị đi sau những trận đòn của chồng. Hình minh hoạ.

Hỏi, tôi ân hận nhất điều gì? Không phải vì đã kết hôn với người đàn ông đó, vì mình kết hôn là tự nguyện mà. Tôi ân hận vì đã không thể quyết định sớm hơn, không thể dứt áo ra đi khi con chưa cảm nhận được bạo lực, để giữ cho con một ký ức tuổi thơ êm đềm.

17 năm rồi từ ngày buông bỏ, mới cách đây mấy ngày, tôi nghe con kể với mấy cô bạn mà đau thắt ruột: con nhớ hết những lần ba đánh mẹ, có lần ba tưởng con ngủ rồi chứ thực ra con hé mắt thấy hết... 

Ôi con tôi! Những tưởng ngày cũ, sự chịu đựng của mình là vì con, là để cho con có một gia đình trọn vẹn, nhưng tất cả đã cướp mất tuổi thơ của con. 

Bao lần nhìn cảnh cha đánh đập hành hạ mẹ, vết thương trong lòng con không bao giờ lành miệng. Con trở nên nhạy cảm hơn, thu mình lại và cũng cực đoan hơn. 17 năm, thời gian tưởng đã có thể xóa nhòa bao hình bóng đau buồn ngày cũ, nhưng với con, chúng vẫn hiển hiện đâu đây. 

Con trở nên đa nghi, không tin vào tình yêu, cố thu mình lại, biến thành một người khác để tự bảo vệ mình. Và con cũng nhạy cảm hơn với những buồn đau của mẹ. Có cảm giác, đôi lúc con đang cố gồng lên chỉ để mẹ vui.

Nhắc lại chuyện này không phải để đào bới quá khứ, vì sau thời gian tôi và cha của con cũng đã có thể nói chuyện bình thường với nhau và giờ đây ai cũng đã có cuộc sống riêng. 

Tôi nhắc lại như một bài học, mong những người phụ nữ xung quanh mình đừng bao giờ thỏa hiệp, dù chỉ một lần cho những hành động vũ phu, bạo lực. Và không chỉ bạo lực về thể xác, bạo lực tinh thần cũng là thứ không được phép tồn tại trong bất cứ mối quan hệ nào. Phụ nữ sinh ra là để được yêu thương tôn trọng, nền tảng hạnh phúc phải được đặt để trên điều căn bản đó. Không thể nhân danh bất cứ điều gì để biện hộ cho những hành vi bạo lực, dù nó bắt nguồn từ đâu.

Đàn bà, trước hết hãy yêu bản thân mình. Yêu chồng thương con thì vẫn phải đặt bản thân mình lên trước. Mình có hạnh phúc thì mới mong con mình hạnh phúc, bởi mình đã và đang là tấm gương phản chiếu để con nhìn vào và noi theo. 

Sau tất cả, tôi dạy con sống ích kỷ hơn mẹ một chút, biết yêu bản thân mình hơn mẹ một chút, và đừng vội hy sinh vì bất cứ người đàn ông nào. Trong một mối quan hệ, dù chỉ là bạn bè, người yêu hay vợ chồng, khi không còn niềm vui, không còn hạnh phúc thì cũng nên dứt khoát ra đi, đừng vì bất cứ lý do gì khác mà ở lại. Nhất là đừng vì con mà chịu đựng nhau. Vì sau cùng, con không bao giờ có thể hạnh phúc nếu cha mẹ chúng không hạnh phúc. 

Đan Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI