Hơn 60 người chết trong giao tranh giữa Nagorno-Karabakh, Liên Hợp Quốc họp khẩn

29/09/2020 - 11:37

PNO - Hãng tin AP dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HDBA) sẽ tổ chức một cuộc họp kín khẩn cấp về Nagorno-Karabakh, nơi giao tranh ác liệt đã diễn ra từ cuối tuần qua.

Đức và Pháp là hai nước đề xuất cuộc họp ngày 29/9 và các thành viên khác của Hội đồng gồm Estonia, Bỉ, Vương quốc Anh cũng đồng tình ủng hộ.

Xung đột vũ trang tái leo thang tại vùng Nagorno-Karabakh ly khai của Armenia, xảy ra giữa cuộc họp Đại hội đồng LHQ và làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh quy mô lớn giữa Armenia và Azerbaijan ở nam Caucasus, nơi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang tranh giành ảnh hưởng.

Cuộc đối đầu trải dài suốt nhiều thập kỷ có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh.
Cuộc đối đầu trải dài suốt nhiều thập kỷ có nguy cơ bùng phát thành chiến tranh.

Cuộc giao tranh chết người tiếp tục vào ngày 28/9 giữa Azerbaijan - quốc gia chủ yếu là người Hồi giáo Shia trên bờ Biển Caspi - và lực lượng ly khai Armenia ở Nagorno-Karabakh. Đồng thời, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan - làm dấy lên lo ngại về sự leo thang căng thẳng sau bài phát biểu ủng hộ Baku, thủ đô Azerbaijan.

Kể từ Chủ nhật 27/9, các lực lượng của khu vực ly khai - được hỗ trợ về mặt chính trị, kinh tế và quân sự bởi Armenia, một quốc gia theo đạo Cơ đốc Chính thống - đối đầu với quân dân Azerbaijan trong những trận chiến đẫm máu nhất kể từ năm 2016. Theo đánh giá chưa đầy đủ về giao tranh, ít nhất 67 người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ.

Vùng Nagorno-Karabakh là trung tâm của mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Yerevan (thủ đô Armenia) và Baku. Nơi đây được sát nhập vào Azerbaijan bởi chính quyền Liên Xô vào năm 1921, nhưng đã đơn phương tuyên bố độc lập vào năm 1991, với sự hỗ trợ của Armenia.

Các chuyên gia lo ngại cuộc xung đột sẽ lôi kéo hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.
Các chuyên gia lo ngại cuộc xung đột sẽ lôi kéo hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tham gia.

Sau một cuộc chiến khiến 30.000 người chết và hàng trăm nghìn người tị nạn, một lệnh ngừng bắn đã được ký kết vào năm 1994 với sự phối hợp của Nga-Mỹ-Pháp - gọi là nhóm Minsk. Tuy nhiên, các cuộc giao tranh vũ trang ở đây vẫn diễn ra thường xuyên.

Vào tháng 7/2020, hai nước diễn ra các cuộc đụng độ quy mô nhỏ khiến khoảng 20 người thiệt mạng. Trận giao tranh đáng kể nhất gần đây là vào tháng 4/2016,  làm 110 người chết.

Tấn Vĩ (theo AP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI