Vì mẹ là mẹ của con

22/11/2017 - 15:51

PNO - Tối 21/11, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM phối hợp tổ chức lễ tuyên dương 48 gương “Người con hiếu thảo” cấp thành phố năm 2017.

Vi me la me cua con
Anh Thiện chơi đàn cho cha mẹ nghe

Một mình lo 3 người bệnh

Phải gần 22g, tôi mới gặp được chị Huỳnh Thị Lan Phương, SN 1967, ngụ tại khu phố 4, P. Linh Trung, Q. Thủ Đức. Mẹ và anh trai đã ngon giấc, chị Phương ra bàn lui cui dọn dẹp, soạn bài cho hôm sau. Ngồi bên em gái, chị Huỳnh Thị Lan Hương (SN 1960) xuýt xoa: “Tôi mắc bệnh ung thư đã 15 năm nay, không làm gì được cho em ngoài phụ nấu bữa cơm, lặt bó rau. Đời long đong quá, nhưng Phương chẳng than vãn bao giờ”. 

Sau khi sinh cô con gái Huỳnh Thị Lan Phương, bà Huỳnh Thị Hương Phấn (SN 1935) phải ra vô Bệnh viện Chợ Quán như cơm bữa. Bà trở nên nóng nảy, dễ giận, thường đập phá đồ đạc. Lan Phương lớn lên, vừa đi học, vừa chăm mẹ. Năm 1986, chị trở thành giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Văn Triết, còn chị gái Lan Hương thì dạy Trường THCS Xuân Trường (Q. Thủ Đức).

Có hôm, thấy con gái mặc áo dài, bà Phấn hỏi: “Đi đâu, làm gì mà đi suốt” rồi la chửi, quăng bể đồ đạc. Thương mẹ, Lan Phương thậm chí không dám khóc trước mặt bà. Chị nhẫn nại nhặt nhạnh từng thứ một, chờ đến khi mẹ dịu lại mới tất tả đến trường. Cách đây 10 năm, bà Phấn bỏ nhà đi lang thang khắp nơi. Trong những ngày ngược xuôi tìm, lòng chị Phương ngổn ngang, ăn một chén cơm nguội cũng quặn lòng thương mẹ. Chị tâm tình: “Giờ vẫn phập phồng lo, sợ mẹ lại lạc. Giấc ngủ mẹ chập chờn, cứ 3, 4g là bà dậy lục đục khắp, nếu nhà không có trái cây hay thức ăn ưa thích, bà sẽ giận. Mẹ tôi bệnh về tinh thần nên luôn cần có người bên cạnh”. 

Năm 1999, chỉ còn một học kỳ nữa là hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ thì anh Huỳnh Quang Hồng (SN 1963, anh thứ hai của chị Phương) phát bệnh tâm thần phân liệt. Từ đó, anh luôn trong trạng thái sợ hãi, không chịu được tiếng ồn nên cứ co ro một chỗ. Đến năm 2002, chị Lan Hương lại phát hiện bị ung thư đại tràng, viêm gan siêu vi B. Hết chở anh tới bệnh viện, đưa chị đi nội soi, xét nghiệm máu, cô giáo Lan Phương lại chạy chợ lo cơm nước cho mẹ. Bản thân cũng “gánh” đủ bệnh, từ bướu cổ, bướu sợi tuyến vú, đến u xơ tử cung, nhưng chị vẫn gồng người chống chọi, không kể lể hay tỏ thái độ buồn phiền trước mặt mẹ, anh, chị. 

Bận rộn với công việc, chuyện nhà là vậy, song với tinh thần ham học, chị Phương cũng đã hoàn thành chương trình văn bằng hai tại Trường Đại học Luật TP.HCM. Những lúc hiếm hoi tỉnh táo, bà Phấn xót con, hỏi sao Phương chịu đựng nổi những câu chửi rủa, những lần bị mẹ đánh, chị ôm chặt bà: “Vì mẹ là mẹ của con”. 

Ngày của Thiện “chuối chiên” 

Nhà anh Nguyễn Ngọc Thiện - SN 1986, Bí thư chi đoàn, Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên khu phố 1, P. Bình Trưng Tây, Q.2 - nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà khang trang bên cạnh. Trong khoảng không gian hơn 40m2, quần áo, bàn ghế chất thành đống. Đến thăm anh vào một tối đầu tuần, tôi khựng lại ngoài cửa, bởi từ trong căn nhà nhỏ ấy vọng ra tiếng ghi-ta cùng tiếng hát bài Bóng cả của nhạc sĩ Vũ Quốc Việt: “Sẽ vẫn nhớ mãi nhớ mãi lời mẹ hiền yêu dấu/ Sẽ vẫn nhớ mãi nhớ mãi lời dạy cha yêu dấu/ Vì con yêu mẹ cha nhất trên đời”.

Ngồi nghe con trai chơi đàn, gương mặt khắc khổ của ông Nguyễn Ngọc Thành (SN 1955) và bà Nguyễn Thị Lệ (SN 1958) bừng sáng, ánh mắt lấp lánh. “Xưa, gia đình tôi toàn ăn cơm trắng, lấy mì gói làm canh. Nhà cửa xập xệ, nước ngập lênh láng, may được chính quyền địa phương hỗ trợ xây nhà tình thương. Vì cảnh nhà khó khăn mà Thiện phải từ bỏ giấc mơ đại học, bôn ba làm đủ nghề để có tiền phụ tôi. Vậy mà cháu vẫn vui cười, đàn hát suốt” - bà Lệ chia sẻ. 

Thiện là anh cả, sau còn hai người em trai Nguyễn Ngọc Thắng (SN 1990), Nguyễn Ngọc Thuận (SN 1992). Rời trường phổ thông, thi đậu đại học nhưng không thể theo học chuyên ngành kinh tế như mơ ước, Thiện làm công nhân thời vụ tại một công ty mỹ phẩm, lương 22.000 đồng/ngày. Giai đoạn 2008-2010, anh đi nghĩa vụ quân sự. Sau khi ra quân, Thiện trải qua nhiều nghề, từ phụ hồ, công nhân, đến bảo vệ cảng Cát Lái, nhân viên quán cà phê. Công việc nào anh cũng tăng ca để có tiền phụ mẹ nuôi em ăn học, thuốc thang cho cha. 

Mấy mươi năm làm thợ sơn, giờ ông Thành bị đau thần kinh tọa nặng, hai mắt mờ và cứ trở trời lại đau nhức. Còn bà Lệ thì bán đủ thứ, nào chuối chiên, bánh khoai mì, trái cây, xôi... Khoảng hai, ba ngày/tuần, tầm 19-20g, Thiện chở mẹ đi chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức mua khoai mì về bào. Bào khoai nhiều quá, bàn tay anh chi chít vết thương. Ngày còn nhỏ, vì người lúc nào cũng dính bột và ngồi bán chuối chiên với mẹ nên chết danh Thiện “chuối chiên” đến tận bây giờ. 

Hiện, anh Thiện đang công tác tại Ban đại diện người cao tuổi Q.1 và là sĩ quan dự bị, cấp bậc trung úy của Quân đoàn 4. Ngoài thời gian đi làm và tham gia các khóa huấn luyện của đơn vị, Thiện ở nhà giặt giũ quần áo, nấu nướng, chơi đàn và xoa bóp tay chân cho cha mẹ đỡ mỏi, đỡ đau. Thiện nói: “Tôi luôn tâm niệm, muốn làm được việc gì ngoài xã hội thì trước hết phải kính trọng, chăm sóc thật tốt cha mẹ mình đã”. 

THANH CƯỜNG - TỪ NHÂN

Phong trào “Người con hiếu thảo” được Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Liên hiệp Thanh niên TP.HCM phát động từ năm 1995. Trước đây, các phường xã tổ chức tuyên dương mỗi năm một lần, quận huyện thì hai năm, cấp thành thì 5 năm/lần. Thực tế cho thấy, phong trào có sức lay động và đã góp phần rất lớn trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Để phong trào ngày càng lan tỏa, từ năm 2015, chúng tôi quyết định rút ngắn thời gian bình xét và tuyên dương gương “Người con hiếu thảo” cấp thành xuống còn hai năm/lần, độ tuổi cũng được điều chỉnh từ 13-45 thành 10-60 tuổi. Chúng tôi cũng làm sách về những tấm gương này để phát hành đến các khu dân cư, giới thiệu trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, trên trang web của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM và của Thành đoàn TP.HCM. 

 Bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN TP.HCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI