Tuyên truyền luật pháp bằng phiên tòa giả định

02/06/2016 - 05:54

PNO - Hội LHPN Q.Bình Thạnh (TP. HCM) vừa phối hợp Phòng Tư pháp, Hội Luật gia quận và UBND P.15 tổ chức phiên tòa giả định.

Tuyen truyen luat phap bang phien toa gia dinh
Phiên tòa giả định xét xử hành vi vô ý làm chết người do câu điện trái phép

Hội LHPN Q.Bình Thạnh (TP. HCM) vừa phối hợp Phòng Tư pháp, Hội Luật gia quận và UBND P.15 tổ chức phiên tòa giả định, xét xử hành vi vô ý làm chết người do câu điện trái phép. Phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên vụ án có thật đã thu hút khoảng 200 cán bộ, hội viên, phụ nữ, tiểu thương, lao động tự do trên địa bàn quận tham dự.

Trước khi diễn ra phiên tòa giả định, người dân chăm chú theo dõi tiểu phẩm Lỗi tại ai? minh họa hành vi vô ý làm chết người do câu điện trái phép. Trong tiểu phẩm, bà Nguyễn Thị Tư được ông Trần Văn Quý hàng xóm bày cách ăn trộm điện. Ông Quý lấy cuộn dây điện, nhờ bà Tư cầm một đầu, đầu còn lại ông nối trực tiếp vào nguồn điện đường. Trong lúc câu trộm điện, bà Tư chẳng may bị điện giật, tử vong tại chỗ.

Dự khán phiên tòa giả định, người thì cho rằng ông Quý phải ngồi tù, người khác lại nghĩ chỉ cần bồi thường cho gia đình bà Tư… Không khí buổi xét xử trở nên căng thẳng khi ông Quý ra trước vành móng ngựa. “Bị cáo” Quý cất giọng run run: “Do không được học hành nhiều, không hiểu gì về pháp luật; vì không muốn phải đóng tiền điện mỗi tháng nên đã câu móc điện trái phép. Bị cáo cũng không biết hành vi câu trộm điện là vi phạm pháp luật và chỉ muốn giúp đỡ bà Tư, nhưng không ngờ làm chết người”.

Chủ tọa phiên tòa phân tích nguyên nhân, hành vi phạm tội theo các điều khoản pháp luật quy định, luận tội ông Quý “câu móc điện trái phép gây ra tổn thất cho công ty điện lực, đồng thời vô ý làm chết người do câu điện trái phép”. Do thành khẩn nhận tội, tòa tuyên phạt bị cáo Quý ba năm tù giam về hành vi vô ý làm chết người, đồng thời phải bồi thường 40 triệu đồng cho thân nhân người bị hại.

Diễn biến, trình tự, thủ tục tố tụng, xét hỏi công khai, kết luận… đều được xây dựng bài bản, đúng với phiên tòa thực. Bà Lâm Thị Kim Hồng (hội viên PN P.24, Q.Bình Thạnh) cho biết: “Giờ tôi mới biết chủ tọa phiên tòa ngồi ở đâu, đại diện viện kiểm sát có mặt để làm gì, buổi xét xử diễn ra theo trình tự ra sao. Mọi thứ rất bổ ích”.

Phiên tòa giả định kết thúc, nhưng nhiều hội viên, PN vẫn nán lại bàn tán về “vụ án”. Dì Phạm Thị Bạch Ngọc (P.13, Q.Bình Thạnh) nhận định: “Người dân, nhất là đối tượng người lao động có hoàn cảnh khó khăn do không hiểu biết pháp luật nên mới tự ý câu điện trái phép. Cần có thêm nhiều phiên tòa giả định để không riêng họ, mà để nhiề u người cù ng nâng cao nhận thức tuân thủ pháp luật”.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Hội LHPN P.15 chia sẻ: “Để tránh việc trả tiền điện cao, hội viên, PN chúng tôi thường nhắc nhở nhau phải tiết kiệm điện bằng cách sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng, “vào mở, ra tắt” thiết bị điện sinh hoạt trong gia đình. Trách nhiệm của chị em là vận động, tuyên truyền để các gia đình không phát sinh ý định câu móc điện trái phép trên địa bàn quận”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Linh, Chủ tịch Hội LHPN Q.Bình Thạnh cho rằng: “Tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng hình thức phiên tòa giả định sinh động hơn rất nhiều so với việc tuyên truyền kiểu ngồi nghe báo cáo hay đọc tờ rơi. Phiên tòa diễn ra trước mắt người xem, các tình huống rất cụ thể nên dễ đi vào nhận thức của người dân”. Bà Linh cho biết, sắp tới, từ các sự việc, vụ án có thực xảy ra ở TP.HCM, Hội LHPN quận sẽ tiếp tục xây dựng kịch bản và tổ chức nhiều phiên tòa giả định nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật cho đông đảo người dân.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI