Trao quà, trao tình cảm và niềm tin

20/09/2019 - 06:52

PNO - 'Ở mỗi nơi khi đến, các chị đều ân cần thăm hỏi, chia sẻ, động viên. Đó không chỉ là quà của tình hữu nghị, đoàn kết mà còn là tấm lòng bao dung, đẹp đẽ mà chỉ ở chị em phụ nữ mới có'.

Chuyến đi khép lại, nhưng ân tình thì còn mãi trong lòng các thành viên. Bà Vatsana Silima - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Champasak, Lào - xúc động: “Ở mỗi nơi khi đến, các chị đều ân cần thăm hỏi, chia sẻ, động viên. Đó không chỉ là quà của tình hữu nghị, đoàn kết mà còn là tấm lòng bao dung, đẹp đẽ mà chỉ ở chị em phụ nữ mới có”. 

Chị em sẽ có cơ may để vượt khó

Ngày 17/9, khi đoàn công tác của Hội LHPN TP.HCM đến tỉnh Champasak (Lào) thì cơn lũ lịch sử đã đi qua, nhưng dấu vết của nó thì vẫn còn in lại trên những bức tường. Theo lời kể của các cô giáo trường mẫu giáo tỉnh, nơi đoàn công tác ghé thăm chiều 18/9, mấy ngày qua, mỗi ngày các cô phải đến trường sớm hơn một giờ để cọ rửa các mảng tường vôi, dọn dẹp sân trường, làm lại đồ dùng dạy học hầu khắc phục phần nào hậu quả của trận lũ. Không chỉ ở trường mẫu giáo tỉnh mà khắp các cơ quan, công sở, trường học và ở từng ngôi nhà, ai nấy đều tranh thủ xóa đi sự “đổ nát” để tìm lại chính mình. 

Trao qua, trao tinh cam va niem tin
Các học viên háo hức trong buổi đầu ở lớp dạy nghề cắt may của thầy giáo Võ Thành Phương

Sáng 18/9, cùng dự lễ khánh thành công trình Nhà lưu trú và khai giảng hai lớp đào tạo nghề do Hội LHPN TP.HCM và Hội LHPN tỉnh Champasak tổ chức, ông Sỉ Thôn Kẻo Thu Vông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh - cho biết: “Trận lũ lịch sử ở Champasak những ngày đầu tháng Chín vừa qua đã cuốn trôi hoa màu và tài sản của 4.200 hộ dân, khiến họ rơi vào cảnh lao đao. Nhiều trụ sở cơ quan, trường học, bệnh viện cũng bị mất mát, hư hao. Trong hoàn cảnh đó, những ngày qua người dân Champasak đã đón bốn đoàn công tác từ các tỉnh, thành của Việt Nam sang cứu trợ và chia sẻ. Đó là sự động viên thiết thực giúp vực dậy Champasak sau thảm họa”. 

Về sự kiện khánh thành công trình Nhà lưu trú cho học viên và khai giảng các lớp đào tạo nghề do Hội LHPN hai địa phương tổ chức để đào tạo giáo viên dạy nghề cho tỉnh nhà, ông Sỉ Thôn Kẻo Thu Vông nói: “Sự hỗ trợ này vừa kịp thời, vừa đúng lúc. Tôi có một niềm tin, chị em phụ nữ Champasak, đặc biệt là những chị em ở huyện xa xôi, khó khăn, bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cơn lũ, sẽ có cơ may để vượt khó”.

Sau khi nghe bà Nguyễn Thị Ngọc Bích - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - nói về hoạt động hỗ trợ phụ nữ học nghề, tìm cơ hội nghề nghiệp và khởi nghiệp, bà Vatsana Silima - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Champasak - xúc động: “Cảm ơn về những kinh nghiệm quý. Các chị không chỉ trao quà, hỗ trợ đào tạo nghề, mà còn giúp chúng tôi một hướng nghĩ, cách làm lâu dài cho việc giúp phụ nữ vươn lên, làm chủ cuộc đời”.

Món quà đẹp tựa giấc mơ!

Ngay sau lễ khánh thành và khai giảng, hai lớp nghề do hai giáo viên Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM phụ trách đã bắt đầu buổi học đầu tiên. Ở lớp cắt, uốn và nhuộm tóc, 15 chị em xoay quanh xem thầy Nguyễn Phú Thạch thao tác và hướng dẫn về tạo mẫu tóc, bài học khởi đầu.

Cùng thời điểm ấy, ở hội trường chính của trung tâm dạy nghề, 15 chị em lớp cắt may veste nam và nữ đã ngồi vào 15 chiếc máy may, háo hức lắng nghe thầy Võ Thành Phương trao đổi về quy chế, chương trình học tập. “Chúng tôi rất mong đợi. Học xong khóa học này, chúng tôi sẽ trở thành những người dạy nghề lại cho chị em, giúp chị em có nghề nghiệp hữu dụng” - chị Somdi một học viên của lớp hân hoan.

Bà Vatsana Silima - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Champasak - cho biết: “Trông thì đơn giản, nhưng hành trình để đến hôm nay vô cùng khó khăn. Dãy phòng học này ngày xưa vách gỗ, mái tôn cũ kỹ, mưa thì lầy lội, nắng như xuyên thủng mái tôn... Rất may là nhiều người cùng chung tay giúp đỡ chúng tôi tổ chức các lớp dạy nghề. Từng dãy phòng học, từng trang thiết bị ở trung tâm được thay đổi diện mạo từng ngày đều nhờ vào tấm lòng của chị em phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk và TP.HCM. Các chị cứ yêu thương, gom góp, trao tặng, hỗ trợ cho chúng tôi từng phần quà nho nhỏ. Nói không quá lời, câu chuyện này đẹp tựa giấc mơ”.

Trao qua, trao tinh cam va niem tin
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích (thứ ba từ phải qua) - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cùng các vị lãnh đạo tỉnh bạn cắt băng khánh thành công trình Nhà lưu trú

Và hôm nay, món quà lớn: khu nhà lưu trú cho chị em từ khắp nơi trong tỉnh Champasak về trung tâm học nghề trở nên vô cùng ý nghĩa. Nhiều chị em ở xa đến hơn 50km, riêng đi và về đã mất nửa ngày. Một học viên lớp uốn tóc đến từ huyện Bachieng Chaleunsouk nói: “Sau khóa học, vững nghề, chúng tôi có thể tự làm nghề để kiếm sống. Nếu được dạy lại nghề cho những chị em khác thì còn gì vui sướng hơn”. 

Đồng cảm với niềm vui của các bạn Lào, bà Ngọc Bích bày tỏ hy vọng: “Khi thuận tiện hơn trong việc tham gia học tập, các chị sẽ toàn tâm toàn ý, dốc sức học hành để có một nghề nghiệp vững vàng trong tương lai”.

Tình hữu nghị, đoàn kết và tấm lòng bao dung, đẹp đẽ

Sáng 18/9, Hội LHPN TP.HCM và Hội LHPN tỉnh Champasak đã tổ chức lễ khánh thành Nhà lưu trú cho học viên theo học các lớp nghề tại tỉnh Champasak. Công trình Nhà lưu trú nằm trên tuyến đường 16A tại bản Phonhsavanh, huyện Phonhthong, tỉnh Champasak, bắt đầu xây dựng từ tháng 2/2019 với tổng kinh phí thực hiện là 500 triệu đồng do Hội LHPN TP.HCM vận động hội viên, phụ nữ ủng hộ. Dụng cụ học tập và giảng viên hai lớp nghề (kéo dài liên tục suốt một tháng) do Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM hỗ trợ. Công trình là một trong những nội dung của biên bản ghi nhớ giữa Hội LHPN hai địa phương ký kết giai đoạn 2018-2022. 

Tuy nhiên, tình cảm và sự sẻ chia thì chưa dừng lại. Trong dịp khánh thành công trình Hội LHPN TP.HCM cũng đã trao tặng cho Hội LHPN tỉnh Champasak một dàn máy in và máy vi tính. Khi tận mắt chứng kiến khó khăn ở những lớp mầm non trường mẫu giáo tỉnh, đại diện 24 quận huyện và Nhà văn hóa Phụ nữ đã trao 15 triệu đồng để trang bị thêm đồ chơi và đồ dùng học tập cho các cháu. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI