Tổ tự quản văn minh đô thị

28/05/2016 - 07:11

PNO - Dì nói, từ ngày có 16 máy camera tới giờ, tổ tự quản văn minh đô thị của Chi hội phụ nữ (PN) KP.1 hoạt động hiệu quả hơn hẳn.

Vừa nhìn vào màn hình camera trên tường ban điều hành khu phố (KP), dì Nguyễn Thị Út, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ KP.1, P.7, Q.3, TP.HCM vừa gật gù: “Đó, bà B. bữa nay giỏi nhe, bỏ rác gọn ơ vô trong thùng rồi, hết bị văng ra tùm lum. Coi kìa, con nít nhà ai chạy xe đạp mà dàn hàng, lấn tuyến vậy? Đúng rồi, mấy đứa nhỏ đó bữa gặp ở dưới tổ, để lát Út ghé nhà nhắc tụi nó…”.

Dì Út tâm đắc với cái màn hình camera này lắm. Dì nói, từ ngày có 16 máy camera tới giờ, tổ tự quản văn minh đô thị của Chi hội phụ nữ (PN) KP.1 hoạt động hiệu quả hơn hẳn. Nhưng để các camera này có mặt, làm “tai mắt” an ninh cho KP, dì Út và các cán bộ chi hội PN và ban điều hành KP cũng trầy trật lắm.

Dì Út kể, ban đầu, khi nghe tổ trưởng KP đề xuất lắp camera, người dân ưng lắm, nhưng khi nghe báo chi phí 130 triệu đồng, nhiều gia đình từ chối đóng góp. Các tổ trưởng, tổ phó phải đến từng nhà vận động, nói rõ ích lợi của việc gắn camera; với những hộ khó khăn, sẽ giảm tiền hoặc miễn hẳn. Với chi phí đóng góp của 800 hộ gia đình (117.000đ/ hộ) cùng sự hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, hệ thống camera đã đi vào hoạt động.

To tu quan van minh do thi
Dì Nguyễn Thị Út theo dõi tình hình an ninh khu phố qua camera

Trong một buổi ngồi trực camera tại trụ sở KP, dì Út phát hiện hai đối tượng lạ mặt ra vào hẻm nhiều lần, dì chạy ra xem, chủ động hỏi thăm, hai ngườ i này ú ớ một hồi rồi bỏ đi. “Nhờ quan sát camera, chúng tôi đã ngăn chặn được các vụ trộm xe, giật đồ, gây lo lắng cho người dân”, dì Út chia sẻ.

Mô hình “Tổ tự quản văn minh đô thị” mà chi hội PN của dì Út đang thực hiện còn được gọi là “Tổ tự quản năm nóc gia liền kề” do Hội LHPN Q.3, TP.HCM triển khai trong năm 2015 và đã có mặt tại 14 phường trên địa bàn quận. Mô hình đã góp phần kiểm soát, hạn chế các tệ nạn xã hội, tình trạng mất trật tự an ninh tại khu dân cư.

Ở P.7, Q.3, trong mỗi tổ dân phố, cứ năm nhà liền kề lập thành một tổ tự quản. Các thành viên có nhiệm vụ nhắc nhở nhau nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn trật tự, không vi phạm pháp luật, bảo vệ môi trường. Cô Phan Thị Lai, Chi hội trưởng Chi hội PN KP.3 cho hay: “Trước ngôi chùa Candaransi có mảng xanh rất đẹp, nhiều người thườ ng tụ tập ăn nhậu, đánh bài gây mất trật tự. Các chị em trong tổ tự quản đã đề xuất với chính quyền xử lý kịp thời, trả lại mảng xanh cho người dân”.

Nhân tiện khi đi chợ, làm công tác Hội, cô Lai tranh thủ “dòm ngó” khắp KP, nhắc nhở bà con không phơi quần áo, để đồ dùng sinh hoạt ở mặt tiền nhà; vận động các hộ dân buôn bán, giữ xe không lấn chiếm lòng lề đường. Cũng nhờ chị em trong các tổ tự quản “rỉ tai” hàng ngày, KP lúc nào cũng thông thoáng, sạch đẹp. Cô Lai cho biết: “Trước đây, khi chưa có hệ thống theo dõi, tổ tự quản rất vất vả trong việc phát hiện các điểm tụ tập đánh bạc, đá gà vì các chị dẹp được chỗ này, họ liền dọn sang chỗ khác, tổ khác. Từ khi có camera và màn hình theo dõi, nơi đâu có tụ tập đông người, các thành viên liền tỏa ra nắm tình hình”.

Dì Trần Thị Hồng Hoa, Chi hội trưởng Chi hội PN KP.4B, P.8, Q.3 kể một ngày nọ, trời vừa hửng sáng, trong lúc tập thể dục gần chân cầu, dì thấy nhóm đông trai gái trạc 15-16 tuổi tụ tập. Sinh nghi, dì nép vào bụi hoa gần đó quan sát, giật mình thấy tụi nhỏ đang hít keo. Trong đám đông, dì thấy cháu K.L. Dì viện cớ đi ngang vừa hỏi thăm K.L. vừa để tụi nhỏ thấy có người mà giải tán.

Dì vừa thông báo tình trạng để công an “dòm chừng” khu vực này, vừa đến nhà K.L. tìm hiểu, biết được gia cảnh em khó khăn, mẹ em phải đi bán xôi, khoai lang để có tiền nuôi ba đứa con. K.L. nghỉ học từ năm lớp 9, không công việc lại chán nản nên thường tụ tập với thanh niên nơi khác. Sau lần đó, dì Hoa đã báo cáo với Hội PN phường để có biện pháp hỗ trợ gia đình K.L. thoát nghèo.

To tu quan van minh do thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI