Tiếng chuông ngân trong ngôi nhà gác gỗ

09/10/2017 - 10:15

PNO - Chị Nhện xin được ở đâu đó cái chuông, đem về để ngay đầu nằm, cần gì thì bà lắc để khỏi mệt vì gọi nhiều. Từ hôm ấy, tiếng chuông cứ ngân vang trong ngôi nhà có gác gỗ.

Ngày 6/10, Hội LHPN Q.11 (TP.HCM) tổ chức hội nghị tuyên dương 32 gương “Người con hiếu thảo”. Là một trong ba gương hiếu thảo được mời giao lưu tại hội nghị, chị Nguyễn Thị Nhện chân tình: “Mình thương mẹ thì chăm sóc chứ biết nói gì đâu”.

Tôi đến nhà đúng vào lúc Út Nhện đang lui cui làm gì đó phía sau tấm màn. Không biết có người đến gặp mình, cuộc trò chuyện bên trong vẫn cứ tiếp diễn, bằng tiếng Hoa. Tôi không hiểu gì, nhưng qua giọng điệu, tôi nghe rất thân mật. Thấy có người đứng lâu, chị hàng xóm lên tiếng: “Tìm Út Nhện hả? Chắc đang vệ sinh cho mẹ chồng”. Tôi cười: “Chị nghe được họ nói gì không?”.

Chị hàng xóm liền nhiệt tình phiên dịch: “À, bà Quân nói “tao mỏi chân quá, làm nhanh lên Út”, còn Út Nhện thì nói: “Bữa nay “đi” nhiều lắm đó, má uống nhiều nước rồi ráng nghỉ ngơi. Mà còn đau bụng không đó? Ráng khỏe, tuần sau con về quê đám giỗ, hai ngày con lên liền”. Bà Quân hỏi: “Mày đi, ai cho tao uống thuốc?”; Út Nhện nói: “Má cứ lo, làm như nhà không có ai vậy”. 

Tieng chuong ngan trong ngoi nha gac go
Út Nhện ân cần chăm sóc mẹ chồng từ miếng ăn đến giấc ngủ

Mọi thứ trở nên lưng chừng sau một khoảng im lặng. Bà Quân lại lên tiếng: “Mà Út, mày xoa dầu vào bụng nữa”. “Trời, bụng thì má xoa được mà, sau lưng mới khó chớ”.
Xong, chị Nhện kéo tấm màn, giật mình khi có người. “Chết, em đợi chút nha! Mấy hôm nay má tiêu chảy, ngày đi mấy lần” - chị Nhện phân bua, rồi nhanh tay thu dọn mọi thứ.

Bên trong, người mẹ chồng tuổi 90 đang nằm lim dim đôi mắt: “Út, bỏ cho má cái mền. Tối ngủ lạnh mà không có mền”. “Ba cái mền bên cạnh má, sao không có?”. Vừa nói, chị Nhện vừa ghé sát bên giường, rút cái mền đặt lên bụng bà. “Ừa, tao ngủ mê, quên lấy” - bà Quân giả lả. 

Năm 23 tuổi, đang làm công nhân ở TP.HCM, chị Nguyễn Thị Nhện (SN 1966) bị ông ngoại gọi về quê gả chồng. Cũng chẳng yêu đương gì, đến tuổi thì tuân theo sự sắp đặt của gia đình, Nhện khăn gói về An Giang. Ai ngờ, câu chuyện lấy chồng bâng quơ với anh bạn người Sài Gòn lại kéo anh tìm xuống tận An Giang để đến gặp ông ngoại chị Nhện: “Ngoại à, đừng gả Nhện cho người ta…”.

Vậy rồi, sau câu nói của ông ngoại “mày muốn cưới con Nhện thì về kêu cha mẹ xuống đây”, rồi Nhện làm dâu bà Thái Quân (SN 1927) và về ở chung với bà từ đó, đến nay cũng gần 30 năm. Là con dâu út, nên bà Quân cứ gọi Út Nhện. Hàng xóm quen luôn cách gọi ấy, dù năm nay chị đã ngoài 50.

Với hàng xóm, bà Quân nổi tiếng khó tính; từ ăn uống đến đi đứng, mọi thứ phải theo cung cách của người Hoa. “Hồi xưa mẹ khó lắm, kêu là phải làm, không được cãi. Có khi, mình đang ngồi lặt rau, mẹ gọi gì đó, còn hai cọng thôi mà cũng phải để đó đứng dậy đi làm, nếu không, bà lại khó chịu” - chị vừa nhìn mẹ chồng, vừa kể chuyện những ngày mới về làm dâu.

Hỏi chị có uất không, chị cười: “Hồi chưa quen cũng tức lắm chớ. Nhưng lâu rồi, hiểu mẹ thì làm theo cho bà vui. Bù lại, mẹ thương dâu. Hồi mình mang bầu, bà đi chợ mua về đủ thứ, bắt tẩm bổ”.

Năm 2001, sau một lần té ngã, bà Quân nằm một chỗ cho đến nay, mọi sinh hoạt đều cần người giúp đỡ. Nhà có hai cô con gái và ba cô con dâu, nhưng bà chẳng chịu ai, cứ suốt ngày gọi Út; Út Nhện đành ở nhà chăm bà kiêm nội trợ từ đó. Chăm người bệnh lâu năm, người ta muốn tinh gọn mọi thứ, nhưng Út Nhện thì không, vẫn lo mỗi ngày năm bữa ăn như khi bà Quân còn khỏe mạnh.

Trước đây, bà lên thực đơn, bây giờ thì chị tự lên. Mỗi sáng, chị hỏi mẹ muốn ăn gì rồi đi chợ, mua về chế biến. Biết bà không ăn được nhiều, có khi chỉ cắn vài miếng rồi thôi, nên Út Nhện không tính phần mình, cứ phần dư trong chén mẹ, chị ăn hết.

Ngoài thời gian bếp núc, chăm sóc mẹ chồng, chị còn nấu nước sâm để bỏ mối, kiếm thêm thu nhập. Công việc bận rộn nhưng bất cứ khi nào bà Quân gọi, chị cũng có mặt. “Nhiều khi đang làm việc ở trên gác, dưới này mẹ cứ gọi “Út ơi, Út”; không xuống là bà gọi suốt. Người già nhiều khi rất trẻ con. Mẹ cũng vậy, lúc nào cũng muốn có người ngồi bên cạnh, nói này nói kia. Đôi khi, bà lười chẳng muốn nói gì, mà cứ muốn mình vẫn ở trong tầm mắt, cho có người”. 

Ở sát vách nhà Út Nhện, chị Võ Thị Sữa - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 7, khu phố 1, P.8, Q.11 - cho hay: “Nói thiệt, mình không làm được như Út Nhện, dù đó có là mẹ ruột của mình. Đang ở trên lầu hay ngoài ngõ, ban ngày hay lúc nửa đêm, cứ nghe tiếng chuông là Út Nhện có mặt bên bà. Chuyện vệ sinh hằng ngày khó khăn đã đành, lúc bà biếng ăn, Út Nhện vừa đút vừa kể chuyện, kiên nhẫn như đối với một đứa trẻ mới tập ăn”.

Chị Sữa cho biết thêm, sáng Chủ nhật nào, Út Nhện cũng cùng hội viên phụ nữ tổ 7 tham gia “30 phút vệ sinh đường phố” - một hoạt động vì môi trường do Hội LHPN P.8 phối hợp với chùa Liên Hoa thực hiện. Có những lúc đang làm, Út Nhện phải tất tả ra về, đi như chạy vì chợt nhớ đã sát giờ ăn của mẹ chồng. 

Thương mẹ chồng, trong một lần về quê, chị Nhện xin được ở đâu đó cái chuông, đem về để ngay đầu nằm, cần gì thì bà lắc để khỏi mệt vì gọi nhiều. Từ hôm ấy, tiếng chuông cứ ngân vang trong ngôi nhà có gác gỗ.

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI