Thu hút hội viên nhờ “dân vận khéo”

14/02/2017 - 17:42

PNO - Nhiều chi hội phụ nữ ở Q.Tân Bình, TP.HCM đã thực hiện mô hình "Chi hội chủ động công tác", mang lại hiệu quả tốt.

Thu hut hoi vien nho “dan van kheo”
Các chi hội trưởng góp ý về giải pháp nâng cao chất lượng mô hình "Chi hội chủ động công tác".

Với thâm niên 30 năm làm công tác Hội, dì Vũ Thị Vinh, 62 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội  PN khu phố 2, P.12, Q.Tân Bình là gương cán bộ Hội “dân vận khéo”. Ở khu phố, dì có uy tín bởi sự khéo léo, mềm mỏng trong vận động quần chúng và hiệu quả đạt được trong công việc. Dì thuộc lòng những con hẻm, từng hoàn cảnh hội viên, từ đó giúp họ vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội, dì nói không có công thức chung, mà quan trọng là phải yêu thích, coi công tác Hội như hơi thở của mình. “Muốn vận động đối tượng nào thì phải hiểu tâm tư nguyện vọng, gần gũi với họ. Khu phố có nhiều PN theo đạo Công giáo, khi tiếp xúc, phải nhẹ nhàng, khi họp phải nói ngắn gọn, đi vào trọng tâm vấn đề, tránh nói tràn lan hay báo cáo kết quả khô cứng” - dì Vinh chia sẻ.Nhờ gắn mô hình “Chi hội chủ động công tác” với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, nhiều chi hội phụ nữ (PN) cơ sở thuộc Hội LHPN Q.Tân Bình (TP.HCM) đã chủ động xây dựng mô hình phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và thu hút ngày càng đông PN các tầng lớp đến với tổ chức Hội.

Phường 15 là địa bàn có lượng người nhập cư, tạm cư chiếm hơn 50% dân số của phường. Để tập hợp được hội viên (HV), các chi hội trưởng đã sâu sát, bền bỉ vận động các chủ nhà trọ, đặc biệt là nữ công nhân thuê trọ để họ biết đến tổ chức Hội, tham gia hoạt động Hội. Tại Chi hội PN khu phố 10, nơi có nhiều nhà trọ cho công nhân thuê, các cán bộ Hội đã tiếp xúc, vận động các nữ chủ nhà trọ không tăng giá điện, nước và tích cực chăm lo cho người thuê trọ những dịp lễ tết. Chi hội đã thành lập tổ nữ chủ nhà trọ và hai tổ nữ lao động tạm cư. Để có điều kiện chăm lo cho những PN tạm cư và con em họ, Hội đã đứng ra vận động tặng sách giáo khoa, tặng tập vở, học bổng. Chi hội PN ở đây cũng đã tổ chức dịch vụ nấu tiệc để có kinh phí chăm lo cho HV.

Hội LHPN P.4, Q.Tân Bình cũng là đơn vị tích cực trong việc vận động, tập hợp PN nhập cư vào Hội. Chị Trần Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN P.4 cho biết, phường có 10 khu phố với rất đông người lao động nhập cư, làm đủ nghề khác nhau nên việc vận động chị em tham gia sinh hoạt Hội khá khó khăn. Tuy nhiên, các cán bộ Hội LHPN phường và các chi hội đã chủ động, từng bước tạo các hoạt động hấp dẫn để thu hút HV. “Khá đông người lao động nghèo ở các khu phố 1, 2, 3, 4. Chúng tôi đã tìm cách tiếp cận, tìm hiểu tâm tư, giúp họ tiếp cận các nguồn vốn vay và vận động họ tham gia các sinh hoạt Hội. Thấy hoạt động Hội bổ ích, chị em đã tự nguyện gia nhập tổ chức Hội” - chị Ngân nói về kinh nghiệm phát triển HV. 

Bà Phạm Thị Thành, Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình cho biết, cách đây trên 5 năm, khi phát động thực hiện mô hình “Chi hội chủ động công tác”, Hội LHPN Q.Tân Bình đã chỉ đạo gắn việc thực hiện mô hình này với phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm phát huy vai trò của chi hội trong việc huy động mọi nguồn lực tham gia giải quyết khó khăn, hỗ trợ HV, PN, đặc biệt là PN nghèo.

Thông qua mô hình trên, hiện đã có 100% chi, tổ hội đăng ký thực hiện từng nội dung cụ thể hàng năm. Nhờ sự đổi mới nội dung, cách thức vận động, các chi hội đã có nhiều mô hình hay như mô hình “Ba tiết kiệm - ba vận động”, “Nhịp cầu HV”, từng bước đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của HV, nhờ đó đã thu hút ngày càng đông PN tham gia tổ chức Hội.

Tại buổi tọa đàm về giải pháp nâng cao chất lượng mô hình “Chi hội chủ động công tác” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2017 do Hội LHPN Q.Tân Bình tổ chức mới đây, bên cạnh việc chia sẻ những cách làm hay, cũng có nhiều ý kiến chỉ ra những hạn chế khi thực hiện mô hình này như: kinh phí hoạt động của chi hội còn hạn chế; một số nơi chưa đảm bảo chất lượng HV; việc tập hợp thu hút lực lượng nữ thanh, nữ cán bộ công chức, viên chức, nữ doanh nghiệp, nữ trí thức trên địa bàn còn hạn chế, số người vào Hội chủ yếu vẫn là cán bộ hưu trí, PN lớn tuổi, người nội trợ. Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cán bộ Hội, đặc biệt là chủ tịch Hội PN cơ sở thường xuyên biến động do luân chuyển công tác.

“Quận Hội sẽ đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo lực lượng cán bộ Hội cơ sở kế thừa, tăng cường đào tạo kỹ năng mềm cho cán bộ Hội các cấp, phát huy tinh thần trách nhiệm, tính gương mẫu, tiên phong của cán bộ Hội để đáp ứng các yêu cầu đổi mới của công tác Hội” - bà Phạm Thị Thành cho biết.

 Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI