Tăng tuổi hưu để nữ trí thức cống hiến nhiều hơn

19/03/2016 - 16:43

PNO - Ngày 16/3, tại TP.HCM, Hội Nữ trí thức (NTT) Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học về phát huy vai trò, vị thế của đội ngũ NTT Việt Nam...

Tang tuoi huu de nu tri thuc cong hien nhieu hon
PGS-TS Đỗ Thị Thạch phát biểu để dẫn hội thảo

Góp mặt trên mọi lĩnh vực

12 tham luận của các nhà khoa học đang công tác tại Hà Nội và TP.HCM tập trung làm rõ vai trò, vị thế của NTT trong phát triển bền vững nói chung và trên một số lĩnh vực hoạt động cụ thể. Có nhiều ý kiến, số liệu cho thấy đóng góp ngày càng tăng, mang lại ý nghĩa thiết thực của NTT trên các phương diện liên quan đến phát triển bền vững, như: chính trị, kinh tế, văn hóa, gia đình, y tế, giáo dục - đào tạo, ngoại giao.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Khánh Tâm, Phó chủ tịch Thường trực Hội NTT TP.HCM, nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ (PN) TP.HCM, căn cứ vào tỷ lệ NTT khảo sát ngẫu nhiên tại sáu đơn vị (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, báo Phụ Nữ TP.HCM, Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM, Bảo tàng Phụ Nữ Nam bộ, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ) và báo cáo của văn phòng ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế) tại Việt Nam (tháng 7/2015), tỷ lệ lao động nữ làm công ăn lương ở Việt Nam có trình độ đại học là 20,3%, nam giới là 15,7%. Tại TP.HCM, từ tháng 4/1975 đến nay, đội ngũ trí thức đã tăng từ 20.000 lên một triệu người, trong đó nữ chiếm khoảng 50%.

Hiện TP.HCM có rất nhiều NTT là tuyên truyền viên, báo cáo viên của Hội LHPN và các tổ chức xã hội, làm nòng cốt tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường… Nhiều chủ doanh nghiệp tại TP.HCM xuất thân là NTT. Do ý thức được tầm quan trọng của tri thức, họ quan tâm xây dựng mô hình doanh nghiệp xã hội, không chỉ chú trọng lợi ích kinh tế mà còn tạo cơ hội hòa nhập cho các cá nhân và cộng đồng yếu thế thông qua các quỹ học bổng, đào tạo nghề, tạo việc làm…

Không ít những công trình khoa học kỹ thuật làm rạng danh nền y học, giáo dục nước nhà là do các nhà khoa học nữ, bác sĩ nữ thực hiện, như: ứng dụng phát triển điều trị vô sinh bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản, thụ tinh trong ống nghiệm của GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng và ThS-BS Vương Thị Ngọc Lan (BV Phụ sản Từ Dũ); các nghiên cứu về kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não, ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập của TS-BS Phạm Thị Ngọc Thảo (BV Chợ Rẫy); nghiên cứu và ứng dụng thành công máy cân bằng động đầu tiên tại Việt Nam của GS-TS - Nhà giáo nhân dân Ngô Kiều Nhi (Trường ĐH Bách khoa TP.HCM)…

Còn nhiều rào cản

Dù có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, song NTT vẫn còn nhiều thiệt thòi, khó khăn trong cuộc sống và công tác. Đặc biệt, vấn đề tuổi nghỉ hưu của NTT được các đại biểu tranh luận sôi nổi. TS Trần Thị Rồi, Phó trưởng khoa Khoa học cơ bản, Trường ĐH Luật TP.HCM nhấn mạnh: “Quy định tuổi nghỉ hưu là 55 gây thiệt thòi và khó khăn cho PN trong quá trình tiếp cận với cơ hội học hành, thăng tiến. Thực tế cho thấy, với công việc lao động trí óc và làm công tác quản lý, lãnh đạo, cả nam lẫn nữ ở độ tuổi 55 đều đạt độ chín về chuyên môn, nhiệt tình với công tác. Vì thế, rất cần sự bình đẳng trong quy định tuổi về hưu để PN được cống hiến nhiều hơn”.

Đồng quan điểm, ThS Nguyễn Thị Khánh Tâm đề xuất: “Trước khi muốn tạo vị thế cho NTT thì phải tạo sự bình đẳng giới trong quy định tuổi nghỉ hưu để chấm dứt tình trạng NTT luôn bị thiệt thòi trong quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm so với nam giới”.

Bên cạnh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu lên ngang bằng nam giới, các đại biểu còn trao đổi một số vấn đề về áp lực do giữ vai trò “kép” vừa là người vợ, người mẹ, vừa đảm trách công tác, về bạo lực gia đình, định kiến giới trong xã hội, cơ hội được tham gia các khóa huấn luyện chuyên sâu của NTT.

PGS-TS Đỗ Thị Thạch, Chủ nhiệm đề tài khoa học độc lập cấp nhà nước “Vai trò và vị thế của NTT Việt Nam trong phát triển bền vững” (hội thảo trên là một “hạng mục” của đề tài này) nhận định: “Không ít NTT đã phải bỏ sự nghiệp để giữ hạnh phúc gia đình, một bộ phận khác chỉ làm việc cầm chừng hoặc an phận sau lưng chồng con, dẫn đến hiện tượng lãng phí chất xám, “bạc” chất xám của nguồn nhân lực NTT. Do đó, để phát huy vai trò, vị thế của mình trong phát triển bền vững, trước hết cần sự quyết tâm, nỗ lực của chính NTT; đồng thời, các cấp quản lý, lãnh đạo cũng cần tập trung xây dựng, hoàn thiện kế hoạch phát triển đội ngũ NTT trẻ thông qua đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực này”.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI