Tận tâm với gia đình, trọn tình với xã hội

12/09/2017 - 09:38

PNO - 15 năm vừa làm chủ cơ sở sản xuất, vừa làm công tác phụ nữ, cô Lan không chỉ tiếp nhận những người lầm lỡ vào làm việc mà còn tạo điều kiện để gia đình họ có tương lai hơn.

Từ bỏ nghề giáo, rời Hà Nội vào TP.HCM vừa kiếm việc, vừa chăm con ốm, rồi đến chăm chồng bệnh, cô Nguyễn Thị Lan - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 79, P.9, Q.6 - không chỉ chu toàn việc nhà mà còn làm chủ một cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều người lầm lỡ. Cô Lan là một trong những điển hình được Hội LHPN TP.HCM xét trao Giải thưởng Nguyễn Thị Định năm 2017. 

Bà chủ của những công nhân "đặc biệt"

Ngôi nhà cô Lan đang ở cũng là Cơ sở sản xuất dù Hồng Đức. Không khó để nhận ra nhà cô, vì đó là nơi thường xuyên có đông thanh niên đầu trọc, mình xăm chằng chịt mà nếu “có gặp ở đâu đó ngoài đường, chắc không dám bắt chuyện”, như lời người dân ở đây mô tả.

Tan tam voi gia dinh, tron tinh voi xa hoi
Cô Lan thường xuyên tổ chức đám cưới cho công nhân không có điều kiện

Anh Đ. - một công nhân lâu năm của cơ sở này - kể, anh có một quá khứ tù tội do trộm cắp, hút chích, đánh người nên không xưởng nào dám nhận. Thế nhưng, cô Lan không truy hỏi lai lịch mà chỉ nhẹ nhàng: “Làm việc với cô thì phải chăm chỉ con nha. Anh em hòa đồng, đoàn kết thì tập thể mới mạnh được”. 

15 năm vừa làm chủ cơ sở sản xuất, vừa làm công tác phụ nữ, cô Lan không chỉ tiếp nhận những người lầm lỡ vào làm việc mà còn tạo điều kiện để gia đình họ có tương lai hơn. Hiện nay, ánh sáng đã trở lại trong ngôi nhà chị T. khi chồng có việc làm ổn định trong cơ sở của cô Lan, còn chị T. vừa làm chủ một quán giải khát, vừa tham gia tích cực công tác xã hội. Trước đó, chồng nghiện ma túy, chị T. sống lay lắt qua ngày bằng “nghề” ghi số đề.

Để kéo gia đình chị ra khỏi bóng tối, cô Lan đã mạnh dạn đề cử chị T. làm tổ trưởng tổ dân phố. Từ chối mãi do mặc cảm, nhưng vì niềm tin và lời động viên của cô Lan, chị T. đồng ý. Không ngờ chính công việc đòi hỏi phải gương mẫu đã khiến chị cũng như người chồng phải suy nghĩ lại cách sống. Họ xa dần tệ nạn, chí thú làm ăn, dành dụm xây được một căn nhà cấp 4 khang trang trên nền ngôi nhà xuống cấp, ọp ẹp.

Chia sẻ về điều này, cô Lan cho biết, khi còn làm giáo viên, cô đặc biệt chú ý đến những học sinh cá biệt, nên khi gặp những đối tượng lầm lỡ, tù tội, có một sự thôi thúc vô hình khiến cô tìm cách giúp họ hoàn lương. “Với những đối tượng như vậy, tôi thường giao họ quản lý những công việc đòi hỏi tính trách nhiệm cao, để họ biết mình đặt nơi họ một niềm tin. Mỗi tháng, họp toàn bộ công nhân một lần, bao giờ tôi cũng cảm ơn mọi người đã cùng nhau cố gắng. Tôi không phê phán nhưng cũng chỉ ra cho một vài cá nhân thấy rằng, hành động, suy nghĩ của họ ít nhiều ảnh hưởng đến tập thể” - cô Lan chia sẻ cách mình cảm hóa những công nhân “đặc biệt”.

Không chỉ tạo việc làm, thu nhập cho các đối tượng lầm lỡ, cô Lan còn đứng ra tổ chức gần 20 đám cưới cho công nhân của cơ sở. Vừa rồi, cô còn đóng góp kinh phí để cùng với chính quyền, công an phường mở một cơ sở rửa xe tại P.9 để giải quyết việc làm cho những đối tượng mới hồi gia.

Trọn nghĩa, vẹn tình

Năm 1989, từ bỏ nghề giáo đã nhiều năm đeo đuổi, cô Lan ôm con từ Hà Nội vào Sài Gòn - nơi chồng công tác - để vợ chồng có nhau. Lạ nước lạ cái, đứa con gái đầu lòng đau ốm liên miên, cô Lan phải mất 10 năm trời vừa chăm con, vừa chạy đôn chạy đáo tìm việc. Không kiếm được chỗ làm, cô xoay xở đủ nghề, nhưng đều thất bại. Năm 1996, cô Lan xoay qua sản xuất dù.

Mua kim loại từ các cơ sở phế liệu về dập, cắt, sản phẩm của cô bao giờ cũng rẻ hơn thị trường. Cô còn tạo được công ăn việc làm cho nhiều người lao động nghèo có trình độ thấp. Mặc dù cơ sở chỉ có tám công nhân chính thức nhưng công nhân thời vụ bao giờ cũng từ 30-40 người, là những người vừa hết mùa vụ ở quê đến, hoặc sinh viên nghèo, rảnh buổi nào làm buổi ấy, đối tượng mãn hạn tù, không ai dám nhận. 

“Niềm vui lớn nhất của tôi hiện tại là tạo được công ăn việc làm cho nhiều người khó khăn và nhìn thấy tương lai con cái” - cô hài lòng chia sẻ về cuộc sống hiện tại. Chồng bệnh, hơn 20 năm ngồi một chỗ, cô Lan phải một mình gánh vác việc nhà, bươn chải để lo cho con.

Cô chia sẻ kinh nghiệm: “Mình sắp xếp công việc sẵn trong đầu, để mọi thứ đi đúng quỹ đạo”. Coi ngó một cơ sở sản xuất, nhưng những bữa ăn cho chồng con, phải tự tay mình nấu nướng, cô Lan mới yên tâm. Cô cũng tự mình đưa đón con đi học. Đáp lại tấm lòng của người mẹ, hai đứa con đều nhận học bổng toàn phần tại hai ngôi trường đại học danh giá của Mỹ và đủ khả năng để tự lập ở nước ngoài. Cô Lan cho biết, cô chưa thể nghỉ ngơi, bởi còn nhiều công nhân cần mình.

Bà Lương Thanh Trúc - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 - lý giải về việc đề cử cô Lan cho Giải thưởng Nguyễn Thị Định: “Chị Lan là một điển hình trong việc giúp đỡ, hỗ trợ những đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Những việc chị Lan làm, không phải ai cũng có thể làm được”. 

Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI