Nữ trung tá công an năng động, dấn thân

05/11/2018 - 07:34

PNO - Trung tá Cao Thị Hồng Tươi - Chủ tịch Hội Phụ nữ (PN) Công an TP.HCM - không chỉ làm “chủ xị” nhiều hoạt động vì người nghèo mà còn đau đáu chuyện ghi lại lịch sử PN ngành công an TP.HCM.

Cuối tháng Sáu, cụm thi đua Hội PN lực lượng vũ trang TP.HCM gồm Công an, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Bộ đội biên phòng, Bộ Tư lệnh TP.HCM tổ chức chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương, tặng 200 phần quà cho PN, trẻ em nghèo hai xã biên giới Mỹ Bình và Bình Hòa Hưng, H.Đức Huệ, tỉnh Long An.

Đang đứng gói ghém các túi quà, thấy từ xa, bà Nguyễn Thị Khởi - ngụ tại ấp 2, xã Bình Hòa Hưng - bước đi khó nhọc, trung tá Cao Thị Hồng Tươi liền lật đật chạy ra đỡ bà Khởi, chuyện trò rôm rả như đã quen thân từ lâu. 

Nu trung ta cong an nang dong, dan than
Trung tá Hồng Tươi trong một đợt cấp căn cước công dân cho người tàn tật

Bà Khởi làm nghề lưới cá, đau khớp gối đã hơn 20 năm nhưng phải bám theo con nước, không dám ngơi nghỉ. “Sáu đứa con lập gia đình, mỗi đứa một nơi, đều nghèo. Riêng con gái thứ tư 30 tuổi rồi vẫn đang sống cùng vợ chồng tui vì trí não không bình thường, thuốc men suốt” - bà Khởi tâm sự.

Chị Tươi gói gạo, dầu ăn, mũ bảo hiểm, khệ nệ mang ra chỗ người cháu của bà Khởi vừa chạy tới sau cuốc xe ôm rồi lẳng lặng rút trong túi một bao thư dúi vào tay bà: “Dì cầm mua thuốc cho em”. Bà Khởi khựng lại vài giây: “Tui nghe có chục cân gạo là mừng lắm rồi cô ơi, còn cái này...”. Chị Tươi cười xòa: “Tấm lòng của con, dì đừng ngại”. Trong mỗi chuyến đi xa, chị thường chuẩn bị thêm vài bao thư dự phòng cho những tình huống ngoài kế hoạch như vậy, bằng tiền cá nhân. 

Bắt đầu đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội PN Công an TP.HCM từ tháng 4/2014, đến nay, trung tá Cao Thị Hồng Tươi đã tổ chức nhiều chuyến xe mang nặng nghĩa tình của cán bộ, hội viên Hội PN Công an TP.HCM đến Cao Bằng, Bình Định, Long An, Đồng Tháp. Trong các chuyến đi ấy, chị đội mưa, hứng nắng, khiêng từng thùng quà qua những con đường dài sình lầy, hoặc ngồi hàng giờ lắng nghe nỗi niềm người dân vùng lũ, để rồi chạnh lòng mua thêm gạo, rút thêm tiền hỗ trợ. 

Là con gái vùng Đất thép Củ Chi, từ nhỏ, chị đã sớm được nghe kể nhiều chuyện về các dì, các má, giản dị mà can trường trong khói lửa chiến tranh. Ba chị - trung tá Cao Hoàng Thủ - đã đi qua hai cuộc kháng chiến, tập kết ra Bắc rồi trở ngược vào Nam, sang chiến trường Campuchia, còn má chị là cán bộ phụ vận. Ngày chị chào đời, ba chị đã ngoài 50 tuổi, đến khi về hưu, ông cùng vợ vỡ đất, mót phân bò ủ trồng rau bán, nuôi hai cô con gái.

Hồng Tươi kể, hồi đó, cả nhà toàn ăn cơm với mồng tơi và một chén nước mắm, ra đường thường nghe câu đùa: “Trung tá đi hốt phân bò”. Biết cảnh nhà khó khăn, Hồng Tươi vừa nỗ lực học tập, vừa phụ má nuôi heo, gà, chở rau đi bán. 

Nu trung ta cong an nang dong, dan than
Trung tá Cao Thị Hồng Tươi trong một đợt làm thẻ căn cước công dân và tặng quà cho người dân H.Củ Chi

Tốt nghiệp Trường đại học An ninh Nhân dân, Hồng Tươi làm trinh sát 10 năm trước khi chuyển về Phòng Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc rồi Hội PN Công an TP.HCM. Vào những ngày cận tết Nguyên đán hằng năm, chị đi thăm các nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... Nghe kể chuyện thời các dì còn là cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định, trung tá Cao Thị Hồng Tươi đã đưa ra một quyết định táo bạo: làm bộ kỷ yếu về lịch sử PN Công an TP.HCM.

Nói táo bạo, bởi tài liệu về Ban An ninh Sài Gòn - Gia Định không có nhiều, cũng không tách biệt nam, nữ; các dì làm công tác PN ngành công an đều đã ở tuổi 80, 90; nhân lực làm công tác PN của ngành thường xuyên thuyên chuyển. Tuy vậy, từ đầu năm 2017, dù bận rộn thế nào, chị cũng dành thời gian tìm gặp các nhân chứng, lắng nghe và ghi chép từng mẩu chuyện nhỏ, sắp xếp theo từng mốc thời gian để làm sườn cho cuốn kỷ yếu sắp tới. 

Chị Hồng Tươi bộc bạch: “Biết sẽ vất vả, khó khăn, nhưng tôi thật sự muốn làm cuốn sử này để nhắc mình và các thế hệ sau về những đóng góp thầm lặng của PN công an TP.HCM”. 

Từ năm 2016, Hội PN Công an TP.HCM do trung tá Cao Thị Hồng Tươi làm chủ tịch đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM thực hiện công trình “Cấp thẻ căn cước công dân cho người có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn TP.HCM”; đến nay, hai bên đã phối hợp tổ chức 44 đợt cấp thẻ tại nơi cư trú cho 685 người.

Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng phát triển, bị hại chủ yếu là PN (90%), chị đã trực tiếp tập huấn cho cán bộ, hội viên, PN 15 phường, ba hợp tác xã ở Q.Phú Nhuận chuyên đề “Tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo qua mạng cho PN TP.HCM”; hoạt động này sẽ được nhân rộng toàn thành phố trong thời gian tới. 

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI