Nữ trí thức với cách mạng công nghiệp 4.0

12/10/2018 - 09:30

PNO - Hội Nữ trí thức TP.HCM hiện có 225 hội viên ở 17 chi hội. Rất nhiều hội viên đã tham gia tích cực các hội thảo khoa học, góp ý dự thảo luật, các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Ngày 10/10, Hội Nữ trí thức TP.HCM họp mặt kỷ niệm 4 năm thành lập. Ngay trước lễ kỷ niệm, Hội Nữ trí thức TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Nhìn từ quan điểm giới”.

Nu tri thuc voi cach mang cong nghiep 4.0
Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM Trương Thị Hiền trao thẻ đợt 1 cho các hội viên

Phó giáo sư - tiến sĩ Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM: Chủ động thích ứng 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến nhiều điều hay, nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra vô vàn thách thức cho việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Tình hình đó đòi hỏi đội ngũ nữ trí thức phải khẳng định tinh thần độc lập, tự tin của chính mình, chủ động thích ứng và nắm bắt các xu hướng phát triển của khoa học công nghệ lẫn định kiến giới. 

Theo tôi, cần phải đổi mới căn bản, chủ động đón đầu các xu thế, yêu cầu mới của thị trường lao động để đáp ứng yêu cầu đào tạo. Đội ngũ trí thức nữ tham gia hoạt động giảng dạy phải chú trọng nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực quản trị, trang bị ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy. Song song đó, cần dự báo nhu cầu thị trường nhân lực lao động nữ, cần sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để có định hướng, hoạch định chiến lược cụ thể trong đào tạo nguồn nhân lực. Cuối cùng là phải tăng cường các hoạt động giao lưu, hội thảo để phụ nữ có thể học tập lẫn nhau.  

Tiến sĩ Nguyễn Thị Toàn Thắng (Học viện Cán bộ TP.HCM):Vươn lên làm chủ tri thức khoa học

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ góp phần giải phóng năng lực và sức lao động của phụ nữ nếu như họ được trao cơ hội, tạo điều kiện làm chủ và phát huy tri thức khoa học. Hoặc, nó sẽ góp phần tạo ra những “bi kịch” vô cùng to lớn trên các mặt của đời sống, từ kinh tế cho đến các vấn đề xã hội nếu như phụ nữ bị bó hẹp trong khuôn mẫu của định kiến xã hội lạc hậu. Do đó, với sự tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phụ nữ muốn khẳng định vị thế và vai trò của mình, nhất định phải vươn lên làm chủ tri thức khoa học. 

Tiến sĩ Lý Thị Mai - Ủy viên Ban chấp hành Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam: Hiểu và đánh giá đúng năng lực toàn diện của phụ nữ

Lao động trí tuệ phụ thuộc trước hết vào năng lực tư duy và sáng tạo của trí não. Vì vậy, không nên gọi và cũng không nên đánh giá phụ nữ là phái yếu. Khi chưa hiểu đúng và chưa đánh giá đúng, có nghĩa là đã trở nên xa lạ với một nửa xã hội hiện nay. Muốn xứng đáng là thành viên chân chính trong mọi hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của thế giới rộng lớn, con đường duy nhất đúng của Việt Nam là nhanh chóng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong quá trình này, phụ nữ có vai trò rất to lớn và quan trọng, quên họ, cũng có nghĩa là không nhớ gì. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Lưu tâm vấn đề giới trong sáng tạo xã hội 

Phụ nữ đã gia nhập vào lực lượng lao động, có nhiều đóng góp cho xã hội ở các lĩnh vực khác nhau, thậm chí cả những lĩnh vực lao động trước giờ được nghĩ chỉ dành riêng cho nam giới. Trước đây, phụ nữ thường chỉ tập trung vào một số công việc như văn phòng, thư ký, cô giáo, nhân viên y tế; công việc của nữ được trả lương thấp hơn nam giới; cơ hội thăng tiến của các chị cũng kém xa nam.

Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn liền với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, một lĩnh vực thường được nghĩ là dành cho nam giới. Như vậy, trong cuộc cách mạng này, nếu không lưu tâm loại bỏ những rào cản đối với sự tiếp cận của phụ nữ với khoa học công nghệ, chỗ đứng giới nữ trong cuộc cách mạng này rất hạn hẹp. 

Chúng tôi cho rằng, trong quá trình này, tại Việt Nam, đi liền với những sáng tạo về khoa học công nghệ, cần phải có những sáng tạo về mặt xã hội để đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng. Các sáng tạo xã hội ở đây là tính nhân văn, kỹ năng mềm và lưu tâm vấn đề giới. Tất cả các sáng tạo này cùng các sáng tạo khác sẽ làm quá trình đào tạo nguồn nhân lực cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở Việt Nam trở nên hiệu quả và chất lượng. 

Hội Nữ trí thức TP.HCM hiện có 225 hội viên ở 17 chi hội. Rất nhiều hội viên đã tham gia tích cực các hội thảo khoa học, góp ý dự thảo luật, các hoạt động nghiên cứu khoa học. Năm 2016, đề tài nghiên cứu khoa học “Thực trạng năng lực chuyên môn và quản lý của nữ trí thức trong độ tuổi từ 56 đến 60 tại TP.HCM” của hội đã được nghiệm thu với kết quả xuất sắc.

Hiện nay, Hội Nữ trí thức TP.HCM đang tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu về vai trò của nữ trí thức TP.HCM trong sự nghiệp đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Các hội viên còn tham gia các hoạt động vì cộng đồng như quyên góp cứu trợ đồng bào vùng thiên tai, đóng góp cho quỹ vì người nghèo, quỹ học bổng… 

Nghi Anh - Quang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI