Nữ phi công Lư Ngọc Anh - Người đã chọn bầu trời là tình yêu

19/10/2019 - 12:00

PNO - Không có giới hạn nào cho phụ nữ nếu chúng ta dám bước ra ngoài vùng an toàn với tất cả niềm tin và sự quyết tâm. Tự chúng ta hiểu rõ năng lực và nghị lực của mình.

Thuộc thế hệ 8X, Lư Ngọc Anh tốt nghiệp đại học và trở thành tiếp viên hàng không như mơ ước của bao cô gái. Sau những giờ bay trong vai trò tiếp viên hàng không, Ngọc Anh lại một lần nữa chọn làm bạn với bầu trời theo cách không dành cho những phụ nữ yếu đuối. Từ cabin (khoang hành khách) lên cockpit (buồng lái) chỉ có một bước chân, cách nhau một cánh cửa, nhưng không phải ai cũng bước qua được. Và Lư Ngọc Anh đã quyết định bước qua cánh cửa ấy...

Nu phi cong Lu Ngoc Anh - Nguoi da chon bau troi la tinh yeu

Lư Ngọc Anh

Nếu không thành công, nhất định sẽ không quay về 

* Phóng viên: Đâu là cơ duyên đưa bạn đến với nghề phi công - vốn được mặc định chỉ dành cho đàn ông?

Khi chuẩn bị tốt nghiệp đại học, tôi tình cờ đọc được mẩu tin quảng cáo tuyển tiếp viên hàng không của Vietnam Airlines. Với ước mơ được khám phá những vùng đất mới và muốn tự lập sớm, tôi quyết định thi và may mắn trúng tuyển. Tôi tin mình đã trưởng thành hơn rất nhiều và đã có những trải nghiệm tuyệt vời trong suốt quá trình công tác với cương vị tiếp viên hàng không.

Những lúc ở trong cabin, tôi đã nuôi mơ ước trở thành phi công nhưng Vietnam Airlines lúc đó chưa có chính sách tuyển phi công nữ. Tôi có nguyện vọng học lên cao hơn nhưng do giờ giấc công việc không ổn định, tôi quyết định dừng bay. Đây là một quyết định rất khó khăn đối với tôi lúc bấy giờ. Sau khi tốt nghiệp cao học, cùng với vốn kiến thức và kinh nghiệm có được thời còn làm tiếp viên hàng không, không khó để tôi tìm được công việc tốt trong những tập đoàn lớn. 

Tuy nhiên, tình yêu đối với bầu trời, với đời phi công luôn âm ỉ trong tim tôi. Một sáng thứ Hai, tôi quyết định gửi thư xin thôi việc và đến Trung tâm Huấn luyện bay của Vietnam Airlines đăng ký dự tuyển phi công.

* Để theo nghề phi công, ngoài yêu thích và đam mê, còn cần thêm gì?

- Yêu thích, đam mê chỉ là điều kiện cần chứ không đủ. Tôi biết chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của gia đình vì lúc đó sự nghiệp, kinh tế đang ổn định và có thể gọi là viên mãn, nên quyết định đặt bản thân và gia đình vào tình thế đã rồi.

Trải qua 7 tháng huấn luyện lý thuyết ở Việt Nam, tôi tiếp tục sang Florida (Mỹ) học thực hành lái. Thông tin này được tôi báo cho gia đình chỉ vài ngày trước khi lên đường. Tôi đi với niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ không bao giờ đầu hàng và tự nhủ “nếu không thành công, nhất định sẽ không quay về”.

Tôi đã trải qua hơn ba năm miệt mài kể từ khi bắt đầu, với tinh thần và ý chí cao nhất. Đó là tiền bạc, mồ hôi, nước mắt và đôi khi có cả máu... Sau tất cả, tôi vẫn tin rằng, sự lựa chọn của mình ngày ấy dẫu liều lĩnh nhưng đúng như trái tim mình mong muốn và mọi sự hy sinh đều xứng đáng.

Suốt hơn ba năm theo đuổi ước mơ bay, kinh phí học tập của tôi lên đến hàng tỷ đồng. Tôi tự túc hoàn toàn nên bên cạnh áp lực phải thành công, tôi còn phải tự giải bài toán kinh tế cho chính mình. Tôi đã trải qua rất nhiều đêm mất ngủ, rất nhiều ngày lễ, tết, cuối tuần trong đơn độc. Bên cạnh tôi lúc đó chỉ là sách vở tài liệu, là bầu trời và con chim sắt.

Trong buồng lái không phân biệt nam hay nữ

* Bạn đã đi qua những ngày có cả “máu và nước mắt” ấy thế nào? Hẳn bạn đã phải trải qua vô vàn khó khăn và cả định kiến để theo đuổi nghề phi công đến tận hôm nay?

- Trong buồng lái không phân biệt nam hay nữ mà chỉ có captain (cơ trưởng) và first officer (cơ phó). Hai người thay phiên nhau, phối hợp để điều khiển một chuyến bay an toàn. Nữ phi công hay nam phi công đều phải trải qua quá trình huấn luyện như nhau để đủ điều kiện cầm lái, đảm bảo an toàn cho hành khách. Cũng không có sự ưu ái nào trong huấn luyện hay công việc thực tế. Vì vậy, tôi tin rằng, những khó khăn vất vả giữa nam và nữ phi công đều như nhau.

Nu phi cong Lu Ngoc Anh - Nguoi da chon bau troi la tinh yeu
 

Tuy nhiên, do nhiều người còn lạ lẫm và thiếu tin tưởng vào phụ nữ nên tôi đã gặp một số khó khăn khi “thuyết phục” mọi người đặt niềm tin vào nữ phi công. Ngoài ra, vì là thiểu số nên trong quá trình học tập ở nước ngoài, nữ phi công cũng tự thân vận động nhiều, cảm giác hơi đơn độc dù xung quanh luôn có các nam đồng nghiệp hết lòng giúp đỡ, yêu quý.

“Yêu đi đừng sợ!"

* Đối với hầu hết phụ nữ, tất nhiên là với cả tôi, trở thành phi công có lẽ là ước mơ đẹp nhưng hoàn toàn quá tầm. Với bạn thì sao?

- Tôi thường được nghe bạn bè chia sẻ những ước mơ của họ kèm theo hai từ “ước gì” và “giá như”. Tôi cảm nhận rõ sự nuối tiếc trong họ khi không dám sống với đam mê và tình yêu của mình. Người ta thường nuối tiếc những gì mình đã bỏ lỡ. Ai cũng chỉ có một lần được sống, tôi luôn muốn cháy hết mình để có một cuộc đời trọn vẹn.

Phi công là một nghề đòi hỏi rất cao về cả thể lực, trí lực, nghị lực và tài lực. Với thực lực của mình, trở thành phi công là một điều phi thường đối với tôi. 

* Vậy có thể hiểu rằng, công việc hiện tại là một cuộc phát lộ giá trị bản thân của chính bạn?

- Không riêng công việc hiện tại mà bất cứ công việc, ngành nghề nào khi tham gia, tôi đều cống hiến hết mình, có thể hiểu là sống chết với nó. Thành công đến sớm hay muộn là điều nằm trong dự đoán. Khi không mặc đồng phục phi công, tôi cũng là một phụ nữ bình thường như bao phụ nữ khác; giá trị của tôi lúc đó có lẽ là một công dân tốt, một phụ nữ yêu gia đình chăng?

Theo tôi biết, ngoài nữ thủ tướng (tổng thống) và phi hành gia thì phi công là một nghề có tỷ lệ phụ nữ dấn thân và thành công ít nhất cho đến tận thời điểm này. Tôi xin phép loại trừ những công việc (ngành nghề) vì nhiều lý do, trong đó nổi bật nhất là định kiến xã hội, không cho phép tuyển nữ. Tôi và các nữ phi công Việt Nam rất tự hào về công việc của mình.

* Là phi công, bạn còn phải cân bằng giữa một bên là công việc bất kể giờ giấc với bên còn lại là vai trò làm vợ, làm mẹ. Công việc mà đêm giao thừa vẫn xách cặp bước ra đường lúc nhà nhà đang sum vầy, nếu mềm lòng sẽ khó vượt qua để trụ lại với nghề… Bạn có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn đeo đuổi nghề này?

- Nếu có thể gửi gắm điều gì đó đến các bạn nữ trót hướng tim mình về phía bầu trời, tôi muốn nói rằng: “Yêu đi đừng sợ!”. Các nữ phi công đi trước làm được, chắc chắn các bạn sẽ làm tốt hơn.

Xã hội càng phát triển, các bạn trẻ ngày càng giỏi giang, năng động và mạnh mẽ. Không có giới hạn nào cho phụ nữ nếu chúng ta dám bước ra ngoài vùng an toàn với tất cả niềm tin và sự quyết tâm. Tự chúng ta hiểu rõ năng lực và nghị lực của mình.

Tôi thích phụ nữ được gọi là phái đẹp, chứ không phải là phái yếu. Cất cánh lên trời càng thấy rõ Việt Nam mình tươi đẹp, hùng vĩ đến nhường nào. Sau những chuyến bay, tôi càng thêm yêu đất nước mình, yêu con người Việt Nam và tự hào được đứng trong hàng ngũ phi công của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam - Đoàn bay 919. 

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

Uyển Thanh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI