Nữ phạm nhân và cuộc thoát kén khắc nghiệt

15/12/2018 - 07:30

PNO - Sáng 13/12, buổi sinh hoạt chuyên đề 'Tìm lại chính mình' do Hội LHPN và Công an TP.HCM phối hợp tổ chức đã làm nhiều nữ phạm nhân tại trại tạm giam Chí Hòa (Q.10, TP.HCM) rưng rưng nước mắt...

Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn dài trên những khuôn mặt “trải đời” của nhiều nữ phạm nhân tại trại tạm giam Chí Hòa (Q.10, TP.HCM) khi  nghe các câu chuyện trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Tìm lại chính mình”. Chương trình do Hội LHPN và Công an TP.HCM phối hợp tổ chức, trong khuôn khổ kế hoạch liên tịch “Phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2017-2020”. 

Nu pham nhan va cuoc thoat ken khac nghiet
 

Tại buổi sinh hoạt, ban tổ chức đã chiếu bộ phim ngắn Gánh xiếc bươm bướm, trong đó, loài bướm chấp nhận vượt qua cuộc thoát kén khắc nghiệt, đau đớn để bước ra thế giới đầy ánh sáng với tất cả sự lộng lẫy. Tiếp sau bộ phim là câu chuyện đời, rất thực: có chàng trai vào đời sớm, tự lăn lóc nơi vỉa hè để mưu sinh lương thiện và phấn đấu học hành trở thành thầy giáo. Thầy giáo có người em trai cũng vào đời sớm và sa vào vòng xoáy ma túy, làm cả gia đình điêu đứng. Người mẹ nhiều đêm phải lặn lội lúc 1-2g sáng ở các tụ điểm ăn chơi để tìm con về, đưa đi cai nghiện. Người em trai này cai nghiện trở về, được gia đình động viên, cho học nghề, sắm sửa đồ dùng vá, rửa xe máy rồi tự tích lũy dần để có vốn mở rộng tiệm và lập gia đình riêng, hiện gia đình sống hạnh phúc, ấm êm. 

Câu chuyện trên chính là chuyện của gia đình ông Hà Trung Thành - giảng viên Học viện Cán bộ TP.HCM, báo cáo viên của chương trình. Ông Thành đúc kết: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi có niềm tin, ý chí quyết tâm thay đổi như loài bướm chiến đấu với cái kén của mình”. Theo ông Thành, không để cho điều chưa đẹp lấn át, xen ngang cuộc đời mình, cũng là một thành công. Ông Thành còn chia sẻ về một số vấn đề mà phạm nhân sẽ gặp phải khi trở về cộng đồng và cách đối mặt với người thân, cách vượt qua tự ti, mặc cảm…

Tiếp đó là những câu chuyện do các nữ phạm nhân chia sẻ. Chị N.B.A. - 30 tuổi, bị bắt về tội tổ chức đánh bạc - chỉ nói được câu: “Không còn cha mẹ để trở về thăm” rồi rưng rức khóc. Cùng hoàn cảnh, chị T.T.N. - 53 tuổi - kể: “Cha mẹ tôi cũng đã mất rồi. Kỷ niệm về mẹ là khi tôi còn nhỏ, được mẹ nắm tay dắt lên cầu thang. Mấy năm nay, cũng chẳng có người thân nào vào thăm nuôi. Ngày mai, tôi được ra tù. Tôi còn có một đứa cháu ngoại thất lạc. Về tìm lại, tôi sẽ được nắm tay dắt cháu”.

Theo thượng tá Lê Hoàng Vũ - Phó giám thị trại tạm giam Chí Hòa - các nữ phạm nhân dự buổi sinh hoạt này thuộc nhóm phạm tội ít nghiêm trọng, chuẩn bị mãn hạn tù để hòa nhập cộng đồng. Ông nhận xét rằng, buổi sinh hoạt chuyên đề này được chuẩn bị chu đáo, thời gian vừa phải và nội dung rất phù hợp với tâm lý, thu hút sự chú ý của các nữ trại viên, động viên họ học tập, rèn luyện, truyền niềm tin cho những người muốn làm lại cuộc đời, sống bằng sức lao động chân chính, lương thiện. 

Kế hoạch liên tịch “Phối hợp giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh nữ và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng, giai đoạn 2017-2020” do Hội LHPN và Công an TP.HCM phối hợp thực hiện gồm các hoạt động: truyền thông, giáo dục, trong đó chú ý đến kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng gia đình, tư vấn tâm lý, pháp lý, tình yêu, hôn nhân, sức khỏe; tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ làm báo cáo viên, tuyên truyền viên cho cán bộ phụ trách công tác quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân nữ và cán bộ Hội LHPN các cấp trực tiếp phụ trách công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Hội LHPN TP.HCM cũng cung cấp miễn phí sách báo, tài liệu tuyên truyền cho một số trại tạm giam có nhiều phạm nhân nữ. 

Ở cấp quận, huyện, công an và Hội LHPN cũng chủ động phối hợp tổ chức tư vấn pháp luật, tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ phạm nhân, trại viên, học sinh nữ đã chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong quyết định xử lý vi phạm hành chính tái hòa nhập cộng đồng; dạy nghề, trợ vốn, giới thiệu việc làm cho các đối tượng này. 

Từ Nhân - Hoài An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI