Nữ chiến sĩ giao liên miền Nam: Những mạch máu của trái tim cách mạng

16/10/2019 - 12:00

PNO - Nhanh nhạy, tháo vát, thông minh, mưu trí và dũng cảm… là những phẩm chất bắt buộc của những người nữ giao liên.

Sáng 15/10, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (200 - 202 Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM), gần 100 nữ chiến sĩ giao liên miền Nam thuộc hai thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ đã có cuộc hội ngộ thân tình, ấm áp.

Nu chien si giao lien mien Nam:  Nhung mach mau cua trai tim cach mang

Bà Bảy Huệ - nguyên nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên, vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến dự buổi gặp mặt 

Hơn 8g chương trình mới chính thức bắt đầu, nhưng từ rất sớm, nhiều cô, dì trên ngực gắn huân huy chương đã có mặt ở hội trường Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ. Tay bắt mặt mừng, các dì hỏi thăm sức khỏe, chồng con và cả những người đồng đội cũ. 

Gặp nhau, họ cười nói, hỏi thăm đủ chuyện xưa, người cũ, rồi lại rưng rưng khi nghe “chị Tư ở Càng Long ra đi đột ngột”. Nắm níu nhau, các dì, các cô bước lên sân khấu chụp hình để lưu giữ kỷ niệm, vì “sợ sau này không còn gặp nhau nữa”. Nhìn chị em, đồng đội ríu líu bên nhau, dì Phạm Thị Bông, nguyên nữ giao liên công tác thành thời chống Mỹ, mỉm cười: “80, 90 hết rồi mà ai cũng như trẻ lại. Bữa nay thiệt đúng nghĩa là ngày hội”.

Chương trình giao lưu được tổ chức gọn gàng mà vô cùng xúc động. Trước hàng trăm thanh niên, sinh viên và các chiến sĩ trẻ, các cựu nữ giao liên đã ôn lại những kỷ niệm về một thời hoa lửa, trẻ trung, nhiệt huyết của mình và của cả thế hệ mình.

Nu chien si giao lien mien Nam:  Nhung mach mau cua trai tim cach mang

Các nữ giao liên đang đang hồi tưởng lại những câu chuyện của một thời hoa lửa

Chúng tôi khâm phục họ
Sáng nay, chúng tôi theo cô giáo đến dự cuộc hội ngộ của các cô như một giờ học ngoại khóa. Tôi thấy mình thật may mắn khi được lắng nghe những hồi ức hào hùng, bi tráng của các cô. Chúng tôi khâm phục họ, những nữ anh hùng thầm lặng. 
(Nguyễn Duy Toán - sinh viên năm ba ngành bảo tàng -  Đại học Văn hóa TP.HCM)

Thuở ấy, các cô, các dì tham gia cuộc kháng chiến theo phương châm “hai chân - ba mũi” đóng góp sức mình vào các lĩnh vực chính trị, vũ trang và binh vận. Trong đó, đội ngũ nữ giao liên đảm trách việc đưa đón cơ sở và cán bộ hoạt động bí mật, thu nhận và chuyển tài liệu, lương thực, vũ khí. Nói như bà Nguyễn Thị Hiển Linh - Phó giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ - “họ như là những mạch máu của trái tim cách mạng. Họ gánh vác sứ mạng cao cả, đảm nhiệm công tác trong vòng vây kẻ thù, vượt qua gian khổ bằng sự mưu trí, thông minh và lòng dũng cảm để phục vụ kháng chiến”. 

Hơn một giờ đồng hồ, cả hội trường như chìm vào hồi ức của ba vị khách mời là các nữ chiến sĩ giao liên thời chống Mỹ gồm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Tâm, giao liên Nguyễn Thị Phương (Bộ Tư lệnh Quân khu 6), giao liên Lại Thị Kim Túy (Đội 3 Biệt động Sài Gòn). Hình ảnh những nữ giao liên tuổi thiếu niên (từ 13 - 17 tuổi) gan dạ, mưu trí, ngang dọc chiến trường miền Nam, dù từng bị rơi vào tay giặc nhưng chưa bao giờ chùn bước, dần được tái hiện qua các câu chuyện kể. 

Nu chien si giao lien mien Nam:  Nhung mach mau cua trai tim cach mang
Nữ Anh hùng LLVTND Võ Thị Tâm (mang huy chương) và nữ giao liên Lại Thị Kim Túy (thứ hai từ trái sang) nhận hoa chúc mừng sau buổi giao lưu

“Hồi nhỏ cha biểu gì thì làm đó. Khi theo cách mạng rồi, tổ chức cần gì mình cứ vậy làm theo. Tôi không giỏi gì, chỉ giỏi chạy, chạy thật nhanh. Có ngày đi ngược từ miền Tây lên miền Đông giao tài liệu, tối lại lội đồng bằng về, nhìn mặt trời lên đã thấy mình ở Long An” - nữ Anh hùng Võ Thị Tâm kể. Với tinh thần và nhiệt huyết ấy, cô giao liên lanh lợi Võ Thị Tâm được đồng đội trìu mến đặt cho biệt danh “Trực thăng cá lẹp”. Không phụ lòng tin của đồng đội, những thư tin của “Trực thăng cá lẹp” chưa bao giờ bị thất lạc. “Trực thăng cá lẹp” đã hóa thân vào rất nhiều vai, từ phụ quán ăn, ở đợ cho nhà giàu, buôn gánh bán bưng…

Giỏi quá!
Đã trên 100 tuổi, sức khỏe yếu, nhưng bà Ngô Thị Huệ (bà Bảy Huệ - nguyên nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa đầu tiên, vợ cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh) vẫn ngồi xe lăn đến dự cuộc hội ngộ. Mái tóc bạc phơ, bà ngồi ở hàng ghế đầu chăm chú lắng nghe từng câu chuyện được kể lại từ hồi ức hào hùng của những người em gái giao liên (bà Bảy gọi các dì, các cô như vậy) rồi gật gù khen 
“giỏi quá!”.

Hoạt động nội thành ngay sát trung tâm đầu não địch đòi hỏi người giao liên phải mưu trí mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Nữ giao liên Nguyễn Thị Phương hồi tưởng: “Thư tin không lớn, chỉ bằng ngón tay út mình thôi, nhưng nếu kẻ địch phát hiện, không phải sinh mạng của mình, mà của biết bao cô chú, đồng đội sẽ không còn nữa. Vì vậy, mỗi lần nhận thư là mỗi lần tự mình phải biến hóa hình thù, khi giấu vào người, lúc trong vạt áo, có lúc cài trên tóc... Có khi nhận lệnh miệng, nhưng truyền tin xa, chúng tôi phải ghi lại trên giấy bằng nước cơm, hóa chất để chuyển thư an toàn. Khi vận chuyển vũ khí thì nghi trang trong ghe chở trái cây. Vũ khí nặng thì ghe phải gắn hai máy để chạy nhanh cho mật thám khỏi nghi ngờ vì sao ghe nhỏ mà chạy chậm”.

Nhanh nhạy, tháo vát, thông minh, mưu trí và dũng cảm, can trường… đó là những phẩm chất gần như bắt buộc của những người nữ giao liên. 

Các cô cũng có khi bị bắt, bị tù đày, tra tấn dã man… nhưng nói như dì Lại Thị Kim Túy, còn sống và sống vui, sống khỏe đến hôm nay là đã may mắn hơn biết bao đồng đội.

Nu chien si giao lien mien Nam:  Nhung mach mau cua trai tim cach mang

Bà Bảy Huệ, vợ cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trò chuyện với các chị em nữ giao liên.

Dì Túy nghẹn ngào: “Để tôi và các anh chị cùng các bạn ngồi đây, có cuộc sống này, biết bao chiến sĩ đã bỏ máu xương, hy sinh cả tuổi thanh xuân, dâng trọn cuộc đời trong từng trận đánh, trong cuộc đấu tranh, trong đó có cả những đồng đội của tôi ở trận Phú Thọ Hòa vào tháng Giêng năm 1968. Ngay sau khi bị địch phản công dữ dội, cấp trên đã ra lệnh cho chúng tôi, 44 đồng chí, bám trụ xây dựng cơ sở ở Phú Thọ Hòa. Đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch, bị chiêu hồi dẫn về đánh phá, 38 đồng chí đã hy sinh, chỉ còn lại tôi và 5 người sống sót…”. 

“Nghề giao liên” với các cô, các dì, tuy cực khổ, hiểm nguy, nhưng cũng vui và rất đáng tự hào. Dì Trần Thị Lễ - nữ giao liên hoạt động năm 1950 ở Thái Lan - cho biết: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn sẽ bắt đầu tuổi thanh xuân của mình từ chuyện vận chuyển thư tín, thông tin, vẫn nguyện làm mạch máu cho trái tim cách mạng”… 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI