Nhà văn hóa phụ nữ và tôi: Đối thoại với Giám đốc Nhà Văn hóa Phụ Nữ TP.HCM

14/10/2016 - 21:55

PNO - Không chỉ có những tự sự lần đầu được bày tỏ, những bài dự thi Tôi và NVH PN TP.HCM còn đồng hành với từng bước phát triển của NVH PN TP.HCM trước ngưỡng tuổi 35 - bằng cách bộc bạch.

* Học viên Cao Thị Thanh Thảo (P.9, Q.3, TP.HCM): “Tôi nghĩ, Nhà văn hóa Phụ nữ  (NVH PN)thể thu hút nhiều hơn số lượng học viên bằng cách đầu tư nâng cấp trang web của NVH PN, tập trung và cập nhật liên tục thông tin về các khóa học, chuyên đề, lịch sinh hoạt để học viên không phải đến tận nơi để tìm hiểu, ghi danh”.

Phan Thị Bích Hường (Giám đốc NVH PN TP.HCM): Chúng tôi đã có kế hoạch trong năm 2017 sẽ nâng cấp trang web www. nvhphunu.vn, thực hiện phiên bản trên điện thoại, để trang web trở thành kênh chuyển tải tối đa thông tin đến học viên, giảm tải cho nhân viên, việc truy cập phải tiện lợi, dễ dàng nhất.

* Học viên ở NVH PN đều mong muốn có cơ hội thực tập và làm việc theo ngành nghề đã được đào tạo. NVH làm gì để đáp ứng nhu cầu này?

- Chức năng và chủ trương của NVH PN xưa nay là đào tạo kỹ năng chứ không đào tạo nghề. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo và sự năng động của học viên khiến kiến thức được chuyển tải tại các khóa học đạt hiệu quả không thua kém lớp dạy nghề nào. Hầu hết học viên lớp nấu ăn, cắt may, uốn tóc... đều thành nghề sau thời gian theo học ở NVH.

Chúng tôi đã nhận được lời mời phối hợp đào tạo và xuất khẩu lao động nghề cắt, uốn tóc từ một đối tác Nhật Bản. Chúng tôi đang tìm hiểu cơ chế, thủ tục để mong được đồng hành với chị em trên một hành trình xa hơn, rộng mở hơn. Ngoài ra, việc thực hành, thực tập trong các khóa học vẫn được thực hiện thường xuyên ở những môn đòi hỏi sự luyện tập như cắt, uốn tóc, trang điểm, săn sóc da... Ngoài việc tổ chức cho học viên thực hành với nhau mỗi cuối khóa, NVH PN tổ chức đều đặn các buổi cắt tóc miễn phí ở những khu dân cư nghèo, để học viên vừa làm từ thiện, vừa được thực tập trên tóc thật.

Nha van hoa phu nu va toi: Doi thoai voi Giam doc Nha Van hoa Phu Nu TP.HCM

Chúng tôi cũng dự định phát triển những sân chơi phong phú, bổ ích và giàu tính kết nối hơn cho học viên. Tuy nhiên, điều này bị hạn chế bởi cơ sở vật chất. Hiện tại, NVH ở cơ sở I chỉ có một hội trường để đảm nhiệm tất cả các chức năng: tổ chức hội nghị, họp hành, triển lãm, tổ chức chuyên đề, sinh hoạt cuối khóa...

* Các câu lạc bộ (CLB) của NVH PN thu hút rất nhiều người tham gia, nhưng chưa thấy các CLB về thể dục nhịp điệu, khiêu vũ...?

- Các CLB là một phần linh hồn của NVH PN bấy lâu. Chúng tôi có CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu, CLB nữ họa sĩ Ngân Hà, CLB Sưu tập tem… Chúng tôi chủ trương thành lập thêm nhiều CLB dựa vào nhu cầu, đề xuất của học viên. Tuy nhiên, mọi kế hoạch xây dựng CLB đều đòi hỏi phương án hoạt động lâu dài và cụ thể, để CLB duy trì hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của học viên.

* Học viên Hồ Minh Nguyệt (P.3, Q.10, TP.HCM): Chúng tôi tha thiết mong mỏi Ban giám đốc NVH PN tạo điều kiện để nhiều phụ nữ có cơ hội được học tập, gắn bó và nắm bắt cơ hội - bằng các chính sách khuyến học, giảm học phí cho những đối tượng khó khăn, giảm phí hoặc tặng khóa học cho những học viên lâu năm; kiểm soát lộ trình tăng học phí ở mức tối thiểu, tạo điều kiện để học viên tham gia hoạt động từ thiện cùng NVH bằng chính các sản phẩm của học viên trong quá trình học tập.

- Học phí là trăn trở xuyên suốt của Ban giám đốc NVH PN trong nỗ lực mở rộng cánh cửa của “ngôi nhà chung” này với phái đẹp. Việc tăng học phí luôn được kiểm soát ở mức tối thiểu, chỉ tăng từ 10-20% sau hai, ba năm, có khi là bốn năm - khi không thể không tăng trước tình hình vật giá chung. Ngoài việc miễn, giảm học phí với những đối tượng khó khăn, NVH PN hỗ trợ học phí bằng nhiều hình thức vào những dịp lễ, kỷ niệm, như giảm học phí, tặng voucher mua dụng cụ học tập...

Ngoài ra, chúng tôi đều đặn phục vụ các buổi sinh hoạt, nói chuyện chuyên đề làm đẹp, giáo dục, kỹ năng giao tiếp, cách sắp xếp, tổ chức cuộc sống gia đình... mà không thu phí. Việc làm từ thiện của chúng tôi lâu nay vẫn được học viên đồng lòng đóng góp. Tuy nhiên, với đặc thù lớp học ngắn hạn chỉ kéo dài một tháng nên lực lượng tình nguyện viên không ổn định, rất khó để NVH tổ chức cho học viên cùng đi làm từ thiện.

* Học viên Lê Thị Kim Ngân (P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM): Ngoài lớp học giao tiếp tiếng Anh, tôi nghĩ NVH PN nên đáp ứng nhu cầu hội nhập của phụ nữ hiện đại bằng các lớp giao tiếp bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Nhật...

- Lớp giao tiếp bằng tiếng Việt vẫn được duy trì lâu nay ở NVH. Những lớp học giao tiếp bằng các ngôn ngữ Pháp, Nhật... sẽ được tổ chức khi NVH có được cơ ngơi khang trang ở cơ sở I. Bên cạnh những kỹ năng, điều chúng tôi muốn lan tỏa đến học viên là sự tự tin, vững vàng của phái nữ.

Chúng tôi không mong muốn đào tạo để xây dựng những người phụ nữ lam lũ, đầu tắt mặt tối trong bếp. Chúng tôi muốn kỹ năng đó, tinh thần đó góp phần xây dựng thế hệ phụ nữ hiện đại, tự chủ; để phụ nữ đến đây học tập vì chính sự hiện đại, năng động của họ.

Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch hội  LHPN TP.HCM: Vốn rất tự hào về hoạt động của NVH PN suốt thời gian qua, nhưng đến khi làm giám khảo cuộc thi viết Tôi và Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM, tôi mới cảm nhận được hết tình cảm của các học viên, của cán bộ nhân viên, giáo viên NVH đối với ngôi nhà chung của mình.

Nha van hoa phu nu va toi: Doi thoai voi Giam doc Nha Van hoa Phu Nu TP.HCM

Có những người bà, những dì, những chị học viên gắn bó với NVH PN hơn 20 năm, tự nhận mình là “khách hàng thân thiết” của NVH. Có những dì hàng ngày lặn lội từ Long An, đi hai, ba chuyến xe buýt mới đến được NVH để học nấu ăn, cắm hoa.

Có chị trước đây là nạn nhân của bạo hành gia đình, được người quen giới thiệu tìm đến NVH để học nghề, rồi trở thành bà chủ của tiệm làm tóc, hóa giải bế tắc gia đình. Những em sinh viên tranh thủ lúc nghỉ hè tìm đến NVH để trang bị thêm kỹ năng sống… Tất cả đều bày tỏ tình cảm yêu quý với NVH, rồi hiến kế cho NVH...

Đây là những ấn tượng đẹp mà tôi nghĩ sẽ là động lực để NVH tiếp tục nỗ lực, sáng tạo nhiều hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của xã hội. Trong đó đặc biệt chú ý phát triển các loại hình đào tạo kỹ năng - giá trị cốt lõi tạo nên bản lĩnh và cũng là bản sắc riêng của NVH PN.

Điều đó góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến - Hội viên hội nhạc sĩ Việt Nam, ủy viên hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM: 20 năm đồng hành cùng NVH PN qua các chương trình văn nghệ, tôi rất tâm đắc với những nỗ lực truyền đạt ngọn lửa yêu và tự hào về quê hương, đất nước, qua từng bài hát được tuyển chọn, dàn dựng cẩn thận, bên cạnh việc lan tỏa tinh thần văn nghệ, tôn vinh giới nữ của ban tổ chức.

Nha van hoa phu nu va toi: Doi thoai voi Giam doc Nha Van hoa Phu Nu TP.HCM

Từng làm việc với bốn đời giám đốc NVH, tôi cảm nhận rõ nét ngọn lửa được truyền đi qua từng thế hệ lãnh đạo của ngôi nhà này, mà càng về sau, với điều kiện thuận lợi hơn, họ càng làm tốt hơn.

Tôi từng chứng kiến sức cuốn hút của NVH PN qua hình ảnh những người mẹ dắt cả con, cháu đến học; cơ sở II được xây dựng khang trang ở một nơi cách xa trung tâm như Q.7 vẫn nhanh chóng đón tiếp đông đảo học viên. Bản thân tôi cũng mong mình có thể thuyết phục được con cái bớt thời gian cho công việc, giải trí mà đến với các hoạt động ý nghĩa của NVH PN.

Với những giá trị đó, tôi nghĩ, NVH cần tính đến phương án mang mô hình của mình xuống phục vụ chị em tại các NVH quận, để rút ngắn khoảng cách với phụ nữ, lan tỏa giá trị được rộng và sâu hơn.

Minh Trâm (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI