Người dân nóng lòng nhưng quá trình tiếp nhận, xử lý, điều tra còn chậm

19/04/2019 - 18:27

PNO - Trong 15 trường hợp trẻ em bị bạo hành, xâm hại từ năm 2017 đến nay, huyện Hóc Môn đã thụ lý giải quyết 5 vụ, chuyển cấp trên thụ lý theo thẩm quyền 5 vụ, 3 vụ không khởi tố, 2 vụ tiếp tục xác minh.

Sáng nay, 19/4, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP đã có buổi giám sát tình hình thực hiện Luật Trẻ em, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em tại huyện Hóc Môn.

Nguoi dan nong long nhung qua trinh tiep nhan, xu ly, dieu tra con cham
Chị Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP, phát biểu tại buổi làm việc

Các thành viên đoàn giám sát đã quan tâm đến các vụ xâm hại, bạo hành trẻ em, những bức xúc của người dân về quá trình tiếp nhận, xử lý, can thiệp, hỗ trợ nạn nhân cũng như công tác điều tra, truy tố tội phạm của lực lượng chức năng.

Theo báo cáo từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Hóc Môn, hiện nay trên địa bàn huyện có gần 700 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như mồ côi cả cha lẫn mẹ, bị bỏ rơi, khuyết tật, nhiễm HIV, bị bệnh hiểm nghèo và gần 940 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong một số vụ việc xảy ra, nhiều ban ngành cùng tham gia dẫn đến quyền riêng tư của trẻ không được bảo mật. Việc phải tiếp xúc và kể lại sự việc nhiều lần cũng khiến trẻ hoảng loạn, ảnh hưởng tâm lý.

Theo đánh giá từ Công an huyện Hóc Môn, nạn nhân bị xâm hại là trẻ dưới 16 tuổi xảy ra ở cả hai môi trường gia đình và trường học. Để xử lý các vụ việc cần có bằng chứng cụ thể, không thể căn cứ vào lời khai từ một phía. Quá trình tiếp nhận các vụ việc được tổ chức 24/24, bởi công tác thu thập chứng cứ là rất quan trọng, nhưng khó khăn trong các vụ xâm hại trẻ em thường là không có nhân chứng. 

Nguoi dan nong long nhung qua trinh tiep nhan, xu ly, dieu tra con cham
Công an huyện nhấn mạnh quá trình tiếp nhận vụ việc được tổ chức 24/24

Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hóc Môn cho biết, khi các vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em xảy ra, gia đình thường bức xúc và nóng lòng giải quyết, nhưng quá trình tiếp nhận, xử lý, điều tra còn chậm. Về phía gia đình cũng không muốn nhiều người tiếp xúc với trẻ vì sợ trẻ hoảng loạn, lo sợ. Mặc dù công tác tuyên truyền được thực hiện nhiều nhưng chất lượng còn hạn chế, chỉ khi nào sự việc xảy ra thì người dân mới quan tâm.

Để làm tốt công tác phòng chống xâm hại, bạo hành trẻ em, các sở ngành TP đều có quan điểm là cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng phải đúng người nghe, tuyên truyền trong địa bàn dân cư, những khu vực đặc thù của huyện. Lắp đặt hệ thống camera an ninh trong trường học. Cần ban hành quy trình can thiệp, hỗ trợ cũng như công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm phải được nghiêm minh, kịp thời.

D.Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI