Người có tiếng nói "nặng ký"

19/12/2015 - 07:46

PNO - Chị em hội viên, phụ nữ (HV, PN) KP.2, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM hay gọi dì Nguyễn Thị Kim Thanh (SN 1956, tổ trưởng tổ PN 8).

Dì là “chủ xị” của phong trào Hội. Không chỉ vận động làm đường, đặt cống, tiếng nói uy tín của dì còn giúp hòa giải mâu thuẫn gia đình, xóm làng, hỗ trợ PN nghèo vươn lên làm kinh tế khá.

"Đầu tàu" bê tông hóa

Sáng cuối tuần, xách giỏ ra chợ trên con đường liên tổ 7, 8, 9 (KP.2, P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM) rộng rãi, sạch đẹp, chị Lương Thị Kim Yến (SN 1966) xuýt xoa: “Hồi xưa thì lội bùn chứ đâu được vầy. Nhờ có dì Tư Thanh hết”. Mấy chị có nhà ven đường cũng góp chuyện, bảo cái tính kiên quyết, cẩn trọng và tỉ mỉ của dì Thanh đã làm nên công trình bê tông hóa “mát lòng mát dạ bà con”.

Trước đây, đường liên tổ 7, 8, 9 lởm chởm ổ gà, rộng chưa tới 2m. Dù mưa mưa hay nắng thì việc đi lại cũng hết sức khó khăn. Ý định kêu gọi mọi người chung tay đóng góp làm đường bê tông nhen nhóm trong đầu dì Thanh khi nhiều lần chứng kiến các em học sinh té nhào xuống cống.

Dì nhớ lại: “Do cống hở nên vào mùa mưa, lúc nào đường cũng ngập nước. Chạy xe qua khốn khổ lắm, người lớn đi còn té, nói chi con nít. Những cảnh đó khiến tôi canh cánh trong lòng”.

Nguoi co tieng noi
Dì Nguyễn Thị Kim Thanh có tiếng nói uy tín với mọi người nhờ sự chân tình, cởi mở

Năm 2014, quận có chủ trương nâng cấp các tuyến đường trên địa bàn, dì Thanh liền đề xuất bê tông hóa đường liên tổ 7, 8, 9. Nghe tin, nhiều người khấp khởi mừng, nhưng vấn đề đặt ra là ai có thể gánh vác được chuyện vận động đóng góp, thuê nhân công, mua vật tư với giá phải chăng.

Dì Thanh nói chắc nịch: “Để tôi!”. Cả tháng ròng, tối nào dì cũng đến từng hộ nói chuyện. Dì có cuốn sổ nhỏ, ghi lại chi tiết những con số đóng góp, tính toán vật tư và nguyện vọng của các gia đình. Dì nói, làm gì cũng phải cẩn trọng và rõ ràng thì bà con mới tin mình.

Cuối năm 2014, đường liên tổ 7, 8, 9 chính thức hoàn thành từ số tiền 204.000.000đ do dì Thanh vận động cùng khoản chi phí quận hỗ trợ. Hôm khánh thành đường, chị Phạm Thị Bích Thủy (SN 1963, ngụ tổ 8) xúc động: “Có con đường này, chúng tôi thoát cảnh phấp phỏng mỗi khi ra khỏi nhà. Biết ơn cô tổ trưởng nhiều lắm”.

Chiều muộn, đang ngồi trông chừng quán cà phê, dì Thanh giật mình khi thấy đại diện 14 hộ dân trong hẻm 984 (thuộc tổ 8) cầm đơn kéo tới nhờ dì coi giúp. Bao năm nay, các hộ này không có ống nước dẫn vào nhà, cũng không có cống thoát nước thải nên nước tràn ra lênh láng, vừa hôi thối vừa cản trở giao thông.

Ngồi nói chuyện với đại diện các hộ, dì Thanh mới biết dù “sống dở chết dở” nhưng ai cũng ngán ngại việc đứng ra thu tiền, trông coi việc làm cống. Thấy mọi người tin tưởng, trông cậy vào mình, dì Thanh lại xắn tay lên: “Để tôi!”. Cống làm xong hết 15.000.000đ, dì liên hệ với công ty cấp nước dẫn đường ống vào từng nhà trong hẻm 984. Có nước sạch, có đường đi chung thông thoáng, các hộ nhắc mãi tên dì Thanh.

Hàn gắn nghĩa tình

6g chiều, dì Thanh đang loay hoay trong bếp làm cơm tối thì hàng xóm hớt hải chạy qua báo tin chị P. bị chồng đánh bầm tím mặt mày. Ngay lập tức, dì Thanh tìm người đưa chị P. xuống trạm y tế, còn mình mời cảnh sát khu vực cùng tới gặp anh H. (chồng chị P).

Không chỉ bài bạc, rượu chè, anh H. còn có quan hệ ngoài luồng nên hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Anh H. hay thượng cẳng chân hạ cẳng tay với vợ. Lần đó, anh H. bị phạt hành chính. Suốt thời gian dài, dì Thanh đã kiên trì đến nhà nhỏ to tâm sự cùng hai vợ chồng, khuyên anh chị lo làm ăn để nuôi con.

Chị A. hay cằn nhằn, mặt nặng mày nhẹ mỗi khi chồng đi làm về có chút hơi men. Bực mình, bữa nọ, anh N. (chồng chị) đánh vợ cho hả giận. Nghe tiếng la, dì Thanh, dì Nguyễn Thị Kim Hoàng - chi hội trưởng Chi hội PN KP.2 và ông Nguyễn Tấn Đức - tổ trưởng tổ dân phố 2 (KP.2) chạy tới. Ngó qua tình hình, ông Đức nhẹ nhàng kéo anh N. ra quán cà phê ngồi trò chuyện, dì Thanh và dì Hoàng phụ trách đả thông tư tưởng cho chị A.

Nguoi co tieng noi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI