Người cán bộ Hội vừa đẹp vừa giỏi giang

30/10/2019 - 08:21

PNO - Trong cơn gió buổi sáng mát rượi thổi qua vùng biên, họ trầm trồ khen con bò đẹp, rồi khen chồng giỏi. Người này khen chồng của người kia, rồi tự nhận mình may mắn có được một người đàn ông hiểu và chia sẻ công việc.

Kinh phí hoạt động chưa tới 8 triệu đồng/năm, tức mỗi tháng chỉ có hơn 500.000 đồng, vậy mà chị Huỳnh Thị Sương - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hòa Hiệp, H.Tân Biên, tỉnh Tây Ninh - vẫn trở thành người bạn tin cậy của hơn 3.000 chị em phụ nữ của cả bốn ấp trong xã.

Nếu “sự chân thành với mọi người” là phẩm chất cần có của người cán bộ phụ nữ thì cán bộ phụ nữ ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới vốn rất nhiều khó khăn càng phải như thế. Nhờ vậy mà khi hỏi, chị em phụ nữ từ đầu làng cuối ấp ai ai cũng biết cô Sương.

Còn với chị Sương, nếu không như vậy thì ngoài trách nhiệm trực tiếp với cả núi tiêu chí đánh giá dài lê thê và hơn 10 đầu việc phải cáng đáng như tuyên giáo, văn hóa, dân số, quân sự… cán bộ Hội sẽ không còn đủ hơi để thở. Điều đáng quý ở người cán bộ phụ nữ này là sự thẳng thắn, công tâm, nhưng lại rất dịu dàng và gần gũi.

Khi được đồn Biên phòng Lò Gò đề nghị giới thiệu một phụ nữ người Khmer có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở để hỗ trợ một mái ấm theo dự án “Biên cương xanh” của báo Phụ Nữ TP.HCM, chị Sương không chọn người “đã biết” mà đích thân đến các xóm ấp để tìm ra những ngôi nhà nát nhất, sau đó mới tìm hiểu xem vợ chồng gia chủ có vướng vào rượu chè, cờ bạc, có siêng năng chí thú làm ăn... 

Nguoi can bo Hoi vua dep vua gioi giang
Chị Huỳnh Thị Sương (thứ hai từ trái sang)

Cách của chị là “thăm hỏi bâng quơ” các già làng và bà con lối xóm để biết về đối tượng cần được hỗ trợ. Tiếp theo, chị trao đổi với các chị tổ trưởng phụ nữ của bốn ấp rồi gút danh sách đề nghị gửi chỉ huy bộ đội biên phòng. Sau khi cùng cán bộ dự án và đồn biên phòng kiểm tra thực tế và thống nhất chọn đối tượng được hưởng, chị mới thông báo cho người được trao nhà biết tin mừng. 

Nhận được tin vui, chị Bô Kha, người Khmer ở thôn Sóc Thiết, cười vui: “Tui không nghĩ mình lại được Hội Phụ nữ cho nhà trị giá tới 60 triệu đồng”. Chồng chị Bô Kha mất từ lâu. Con trai chị đi cạo mủ cao su mỗi tháng được 3 - 4 triệu đồng. Còn chị hằng ngày đi cắt cỏ nuôi rẽ mấy con bò. Với thu nhập của hai mẹ con, chị chưa bao giờ dám mơ đến một căn nhà mới thay cho căn nhà tôn rách nát. “Nếu chị Sương không xuống tới đây, chắc tui không bao giờ có được ngôi nhà này” - chị Bô Kha nói. 

Tháng Bảy vừa rồi, dịch tả heo châu Phi ùn ùn tràn về Tây Ninh, nhưng bà con nuôi heo trong xã chủ quan cho rằng, dịch sẽ không thể… tràn từ châu Phi về xã mình được!

Khi dịch được phát hiện tại các xã lân cận, bằng linh cảm và trách nhiệm, chị Sương tin là dịch cũng đã có mặt tại các hộ nuôi heo trong xã Hòa Hiệp của mình. Nhưng xã có đến mấy ngàn hộ, không thể đến từng nhà để giám sát nên chị chọn điểm để đi. Thế là chị chọn phương án hằng ngày tranh thủ lui tới một số khu vực để nghe ngóng tình hình.

Một hôm, đang ngồi ăn bún riêu, chị nghe bàn kế bên nói về một hộ nuôi heo trong xã đem chôn hai con heo chết. Vậy là chị lần tới nhà để thuyết phục chủ hộ theo chị lên báo cáo tình hình bầy heo của mình với ủy ban. Ngay hôm sau, bầy heo 76 con của gia đình này được gửi mẫu đi xét nghiệm và kết luận đã nhiễm bệnh dịch tả heo châu Phi.

Tôi hỏi, “chị nói sao mà họ nghe?”. Chị bảo: “Tôi nói, nếu không báo thì chính quyền cũng sẽ biết, lúc ấy sẽ mất trắng. Còn báo cáo thì đàn heo sẽ được kiểm dịch, nếu không nhiễm bệnh thì heo vẫn là của mình, còn nhiễm bệnh thì mình sẽ được đền bù một phần”.

Trước đây, 5 năm liền phong trào phụ nữ xã Hòa Hiệp “ổn định” đứng ở hạng 10/10 xã của H.Tân Biên. Từ khi chị Sương được điều chuyển sang làm Chủ tịch Hội Phụ nữ xã (trước đó chị là Phó chủ tịch Hội Nông dân) thì ngoài thứ hạng thi đua được thay đổi, chị còn tạo ra nhiều điều mới mẻ cho phong trào. 

Với bản tính năng động và trách nhiệm là chỗ dựa tin cậy của chị em phụ nữ địa phương, chị Sương luôn cố gắng học hỏi, sáng tạo trong cách làm, xây dựng nhiều mô hình phù hợp với thực tiễn, tổ chức nhiều hoạt động đa dạng để thu hút hội viên phụ nữ tham gia. “Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ trẻ em gái”, “Tổ phụ nữ tiểu thương phân loại rác”, “Mỗi tháng một việc làm ý nghĩa”... là những mô hình “không đụng hàng” của Hội Phụ nữ xã Hòa Hiệp.

Nguoi can bo Hoi vua dep vua gioi giang
Chị Sương thường “thăm hỏi bâng quơ” các già làng và bà con lối xóm để nắm rõ về đối tượng cần hỗ trợ

Thấy chị “máu lửa” với công việc, tôi hỏi: “Có điều gì còn ấm ức không?”. Chị bảo: “Đương nhiên là có. Tỉ như chỉ tiêu phát triển hội viên mà Trung ương Hội LHPN đặt ra phải đạt ít nhất 50% phụ nữ từ độ tuổi 18 trở lên là không thể thực hiện trên thực tế. Nếu được, họa chăng là “ảo”, là “phù phép” để đạt được 2 điểm cộng trong bảng xếp hạng thi đua. Hóa ra, để được điểm thi đua, mình lại cổ vũ chuyện không trung thực! Trung ương Hội cần xem xét lại thực tế rất mâu thuẫn này”. 

Hôm 18/10, sau lễ khởi công xây dựng mái ấm cho hộ chị Bô Kha ở thôn Sóc Thiết do Ngân hàng Agribank Lý thường Kiệt TP.HCM tài trợ, chị rủ tôi đi thăm gia đình chị Sâm Sim - hộ gia đình người Khmer tiêu biểu cho phong trào hội viên làm kinh tế giỏi của phụ nữ xã. Nhận lẵng hoa chúc mừng ngày Phụ nữ Việt Nam từ tay người chủ tịch Hội, cũng là bạn học thời phổ thông, chị Sâm Sim không giấu được xúc động nói: “Tao cảm ơn mày quá chừng!” rồi cả hai ôm nhau cười to và nắm tay nhau ra thăm con bò đã giúp vợ chồng chị Sâm Sim giải nguy nhiều phen kẹt tiền đến… nghẹt thở.

Trong cơn gió buổi sáng mát rượi thổi qua vùng biên, họ trầm trồ khen con bò đẹp, rồi khen chồng giỏi. Người này khen chồng của người kia, rồi tự nhận mình may mắn có được một người đàn ông hiểu và chia sẻ công việc.

Trước lúc chia tay, chị Sâm Sim khen chị Sương chủ tịch vừa đẹp vừa giỏi giang, vừa chăm sóc mẹ chồng vừa tranh thủ học thêm văn bằng hai đại học và còn thời gian để làm thêm trà sữa chuẩn organic để bán…

Nguyễn Thiện 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI