Người cán bộ Hội "chỉ biết cho đi"

21/09/2016 - 15:48

PNO - Ở P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM, có một cán bộ Hội được nhiều người tin yêu, nể phục. Đó là cô Vũ Thị Vinh, SN 1960, Chi hội trưởng Chi hội PN KP.2, nguyên là giáo viên Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám.

Ở P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM, có một cán bộ Hội được nhiều người tin yêu, nể phục. Đó là cô Vũ Thị Vinh, SN 1960, Chi hội trưởng Chi hội PN KP.2, nguyên là giáo viên Trường tiểu học Cách Mạng Tháng Tám. Cô tự trào mình là “chủ hãng tăm tre” vì người quá gầy.

Nhưng, bên trong con người mỏng manh ấy là nội lực và nhiệt huyết mà nhiều người phải dùng từ “khủng khiếp”. Cô giáo Bùi Thị Như Trang, người đã chọn cô Vinh làm nhân vật tham gia hội thi Câu chuyện chữ thập đỏ của tôi, chia sẻ : “Điều tôi cảm thấy lo lắng nhất là cùng lúc cô đảm nhiệm rất nhiều việc. Nhưng thực tế đã chứng minh rằng sự lo lắng của tôi là thừa, vì ở cương vị nào, cô cũng làm rất tốt”.

Bà Phạm Thị Thành, Chủ tịch Hội LHPN Q.Tân Bình nhận xét: “Cô Vinh là cây đa cây đề trong phong trào của Hội, hoạt động gì cô cũng luôn đi đầu và hoàn thành xuất sắc”.

Nguoi can bo Hoi
Người cán bộ Hội hiện đại ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động, tuyên truyền của Hội

Cô Vinh đến với Hội PN rất tình cờ. Cách đây 35 năm, trong một lần lên lớp, cô gọi một em học sinh lớp 5 hỏi “trong tiếng Việt có bao nhiêu thanh”, cậu học trò đầu trọc lóc, chân không mang dép bình thản trả lời: “Có năm thanh là: Thanh Điền, Thanh Tuấn, Thanh Tú, Thanh Sang, Thanh Kim Huệ”. Rất buồn và giận, hết giờ học, cô Vinh bảo cậu học trò đó dẫn mình về nhà gặp phụ huynh.

Đến nơi, cô ngỡ ngàng vì thấy “nhà” của trò là tấm bạt giăng trên bốn chiếc cọc, ba mẹ đi thu mua ve chai chưa về. Cơn giận cậu học trò láu cá tan biến, thay vào đó là tình thương, nỗi xót xa. Em đã giấu sự tủi hờn, mặc cảm trong vẻ ngổ ngáo bất cần. Cô Vinh không về nhà mà đi thẳng tới UBND P.12 vừa hỏi, vừa yêu cầu: “Làm sao phải giúp đỡ các em học sinh nghèo có được quần áo, tập sách để các em không phải mặc cảm”.

Đêm đó, cô thức trắng, với suy nghĩ làm cách nào giúp được các em? Cô nhớ lại: “Tôi nghĩ, mình tôi chỉ giúp được một vài em. Nhưng nếu tôi tham gia các đoàn thể, nhiều người cùng góp sức, chắc chắn sẽ giúp được”.

Sáng hôm sau, cô lên phường xin tham gia hoạt động Hội PN. Mặt khác, cô trích tiền lương của mình và vận động hội viên, phụ huynh khá giả giúp đỡ học trò nghèo. Từ sự quan tâm này, nhiều học trò, kể cả cậu bé ngổ ngáo Lương Minh T. đã ngoan ngoãn, học tập tốt hơn.

Cho đến hôm nay, khuyến học vẫn là một trong những trọng tâm của cô Vinh. Trung bình mỗi năm, cô trao gần 20 suất học bổng cho học sinh nghèo (một triệu đồng/suất).

Có một chuyện mà mọi người nhớ mãi: vào đợt trao học bổng cách nay hơn 5 năm, trong lúc cô Vinh đọc tên các em, thì có tiếng một phụ huynh hô to: “Cô gạch tên thằng M. ra đi, nó là con của thằng trộm chiếc xe cô đó”. Cô Vinh sững lại vài giây, chợt nhớ đến chiếc xe Dream Thái mà gia đình cô mua gần năm cây vàng bị mất trộm, rồi ôn tồn: “Cha phạm tội thì có pháp luật xử, chứ con có tội gì mà bị tước học bổng”.

Với uy tín, khả năng thuyết phục người khác, cô Vinh còn là một “cây” hòa giải của địa phương. Khu phố phần đông là dân lao động, kinh tế khó khăn nên không ít gia đình “cơm không lành, canh không ngọt”; nhà cô Vinh trở thành địa chỉ để mọi người đến “xả” bao uất ức, muộn phiền.

Có lần vào năm ngoái, đêm khuya, cô Vinh nghe tiếng đập cửa rầm rầm: “Cứu con với cô Vinh ơi!”. Cô lật đật mở cửa thì thấy chị hàng xóm bị chồng đánh sưng mặt mũi: “Chồng con đánh con rồi đuổi con ra khỏi nhà. Con trai của con cũng bị đánh chảy máu miệng. Cô Vinh cứu mẹ con con với”. Cô Vinh khuyên nhủ đủ điều, anh chồng mới chịu mở cửa, nhưng vẫn nhất quyết hôm sau sẽ nộp đơn ly hôn.

Biết người vợ vẫn còn thương chồng, nên cô Vinh rủ một hội viên khác hợp sức, đánh vào điểm yếu của anh chồng là “khoái nhậu”, đem đến tặng cho anh năm lít rượu ngon: “Anh thích nhậu, cứ nhậu, nhưng không được la lối làm phiền hàng xóm hay đánh đập vợ con”. Người chồng ban đầu tự ái, sau đó dần ngộ ra.

Hai tháng sau, vợ chồng anh mời cô Vinh đến nhà đổ bánh xèo ăn mừng việc anh vừa rút lại đơn ly hôn và quyết tâm sửa đổi thành người có trách nhiệm hơn. Đến nay, anh chồng đã hạn chế nhậu, chí thú làm ăn, vợ chồng thuận hòa.

Để được 720 hội viên ở 20 tổ dân phố tin yêu và tích cực tham gia hoạt động của Hội không phải là chuyện dễ dàng. Cô Vinh tự đặt thử thách cho mình, làm sao để Hội thu hút tất cả chị em, từ trí thức đến người lao động chân tay, tiểu thương…

Cô mày mò làm những clip trình chiếu hình ảnh thực tế, sinh động khi tuyên truyền “5 không 3 sạch”, thi đố vui có thưởng. Hình thức tiếp cận sáng tạo, thiết thực và dễ nhớ nên ai cũng nằm lòng chủ trương và thực hiện nghiêm chỉnh.

Một hoạt động khác của khu phố mà mọi người đều thích là tọa đàm chuyên đề với người thật việc thật. Cô Vinh bám sát thời sự bằng cách đọc báo, lướt web mỗi ngày để thấy vấn đề nào nổi cộm, cần tuyên truyền đến chị em như an toàn vệ sinh thực phẩm, cách trồng rau sạch tại nhà, PN làm kinh tế giỏi hoặc những bài thuốc dân gian chữa bệnh đơn giản, cô Vinh mời những người hiểu rõ, giỏi về lĩnh vực đó đến chia sẻ trực tiếp với chị em.

Hình thức hoạt động, tuyên truyền đa dạng, phong phú và sáng tạo, nên chị em tham gia và gắn bó với Hội ở KP.2 nói riêng và P.12 nói chung ngày càng đông. Cô Vinh thẳng thắn: “Bây giờ, mình tập hợp chị em mà cầm giấy đọc, phổ biến chủ trương này, chính sách kia thì mấy ai nghe, mà có nghe chưa chắc đã nhớ và người ta sẽ ngán họp. Hoạt động Hội là phải liên tục đổi mới, sáng tạo, đi vào thực tiễn, sát sườn cuộc sống thì sẽ được chị em tin yêu”.

Không khó hiểu khi có những học sinh từng thuộc dạng cá biệt ôm phần thưởng đến khoe với cô; có những hôm cô dẫn bọn trẻ đi ăn, chưa kịp ăn xong đã có người trả tiền thay, vì họ biết cô đang giúp đám trẻ nghèo qua cơn đói bất chợt.

Với phương châm sống theo lời dạy của Bác Hồ “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm; việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”, cô Vinh luôn làm hết mình và cho thật nhiều.

Khó có thể tin được, người PN lỏng khỏng, gầy gò đó đảm nhiệm đến tám nhiệm vụ: ủy viên thường trực Ban chấp hành Hội PN P.12, đại biểu HĐND P.12, ủy viên Ủy ban MTTQ P.12, chủ tịch Hội khuyến học KP.2, trưởng ban hòa giải KP.2, chi hội trưởng Hội PN KP.2, thành viên CLB PN tham gia bảo vệ môi trường và Hội Bảo vệ chăm sóc trẻ em P.12.

Ở cương vị nào, cô Vinh cũng làm thật, làm hết mình, chứ không phải “vào cho có tụ”. Cô nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, UBND TP.HCM, Hội LHPN cấp thành, cấp quận, cấp phường vì những đóng góp cho công tác xã hội, cho phong trào ở địa phương.

Về hưu được một năm, ai cũng tưởng cô giáo Vinh được thảnh thơi chút đỉnh, nhưng cô lại càng bận rộn hơn. Cô thừa hưởng đức tính cao cả từ người cha yêu kính: “Chỉ cho đi mà không mong nhận lại”.

Hai cha con cô tâm đắc câu nói của Paven Corsaghin trong Thép đã tôi thế đấy và luôn xem đây là kim chỉ nam trong cuộc sống của mình: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí”.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI