'Ngân hàng tại chỗ' của Hội

10/09/2018 - 07:30

PNO - Theo chị Dương Thị Ngọc Hoa, cần có nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, trong đó có việc quan tâm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tại hội thi giới thiệu ý tưởng “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động Hội” do Hội LHPN Q.8, TP.HCM tổ chức vào cuối tháng Tám vừa qua, ý tưởng thu hút hội viên thông qua mô hình tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển kinh tế do chị Dương Thị Ngọc Hoa - Trưởng ban điều hành khu phố 1, P.14, Q.8 - trình bày đã giành giải nhất. 

'Ngan hang tai cho' cua Hoi
Chị Hoa (trái) trong một buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển kinh tế của Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.14, Q.8.

Một trong những câu hỏi mà cán bộ Hội thường đối diện là “tôi sẽ được gì khi tham gia sinh hoạt hội?”. Vì vậy, theo chị Dương Thị Ngọc Hoa, cần có nhiều hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho hội viên, trong đó có việc quan tâm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Chị Hoa cho biết, trước đây, nhiều chị em ngần ngại tham gia mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển kinh tế của Chi hội Phụ nữ khu phố 1 vì họ chưa thấy được hiệu quả của nó. Với vai trò người đầu tàu của chi hội, chị Võ Thị Quân - chi hội trưởng - đã vận động các cán bộ trong chi bộ, trưởng phó ban điều hành khu phố, ban mặt trận khu phố… trở thành những thành viên đầu tiên của tổ. Ngày 15 hằng tháng, các thành viên sinh hoạt với nhau, vừa để thu tiền, vừa để phổ biến những thông tin, mô hình làm ăn có hiệu quả, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Hiện chi hội có 56 thành viên tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển kinh tế với tổng số vốn 115 triệu đồng, cho 16 thành viên vay mở tiệm bán tạp hóa, mua máy vắt sổ, máy may để sửa quần áo, mua xe máy cho chồng chạy xe ôm. Mức vay tối đa được quy định là 5 triệu đồng/người và không tính lãi, thời hạn vay là 10 tháng, mỗi tháng góp 500.000 đồng, khi thu đủ 5 triệu đồng thì giải ngân cho một người. Thấy được lợi ích cụ thể khi tham gia mô hình của chi hội, các thành viên của tổ có mặt đông đủ hơn trong những buổi sinh hoạt của chi hội. 

Tiệm tạp hóa nhỏ của chị Tăng Thị Út trên đường Ngô Sỹ Liên, khu phố 1, P.14, Q.8 ngày ngày đều đặn tiếng máy may công nghiệp. Trước đây, tiệm của chị đặt tại căn nhà ở sâu trong hẻm, ít người biết đến. Từ khi tham gia tổ tiết kiệm của chi hội, nhận được số vốn 5 triệu đồng, chị mướn nhà ở mặt tiền đường, mua thêm máy may công nghiệp, máy vắt sổ và cái tủ nhỏ để vừa may, vừa bán đồ. Khách hàng biết tới nhiều hơn, việc bán buôn, may vá cũng thuận tiện hơn so với trước.

Chị kể, lúc trước, mỗi lần có khách đặt đồ, chị phải chạy đi nhờ vắt sổ, giờ có sẵn máy ở nhà, làm gì cũng tiện, lại có thời gian chăm sóc gia đình. 

'Ngan hang tai cho' cua Hoi
Nhờ số vốn được vay, chị Tăng Thị Út mở tiệm may và bán tạp hóa ở mặt tiền đường.

Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thủy gồm 4 người sống nhờ vào lương tháng của chồng chị. Chỉ làm nội trợ nên chị Thủy ít tham gia các hoạt động của Hội. Trong một lần trò chuyện với chị Quân, chị Thủy biết đến nguồn vốn từ quỹ tiết kiệm của chi hội. Được vay 5 triệu đồng, chị mua chiếc máy may cũ với giá 2 triệu đồng, còn lại để xoay xở những chi phí trong gia đình. Tay nghề không cao, chị chỉ nhận đồ về sửa nhưng cũng có đồng vô đồng ra.

Chị Thủy khoe: “Từ hồi có máy may, có thêm việc làm, tôi cảm thấy mình có ích hơn, gia đình cũng đỡ chật vật hơn”. Thấy được lợi ích của việc tham gia Hội Phụ nữ, chị Thủy còn giới thiệu thêm các chị em khác để họ có cơ hội vay vốn cũng như tiếp cận với các thông tin bổ ích về quản lý chi tiêu, xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con… từ các buổi sinh hoạt của chi hội.

Bà Võ Thị Kim Nhung - Chủ tịch Hội LHPN P.14, Q.8 - ví von, mô hình Tổ tiết kiệm và vay vốn phát triển kinh tế giống như một "ngân hàng tại chỗ", giải quyết kịp thời nhu cầu về vốn, việc làm cho phụ nữ, là một cách quảng bá hiệu quả về Hội Phụ nữ, giúp nhiều chị em đến với hội. 

Diệu Nghiêm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI