Mượn của nhà giàu cho nhà khó vay

17/07/2016 - 06:53

PNO - Nhà nghèo nên con cái phải nghỉ học, vợ chồng thường xuyên gây gổ. Nhờ có “cần câu” mà các gia đình vực dậy, các em nhỏ tiếp tục đến trường, tiếng cãi cọ biến mất.

Người đã mang “cần câu” đến cho các gia đình là dì Bùi Thị Luật, tổ trưởng Phụ nữ (PN) của Tổ 17, KP.2, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM, tổ trưởng Hội mẹ truyền thống KP.2.

Câu chuyện thứ nhất: Trưa nắng vàng vọt, dưới gốc cây bàng trong hẻm có hai người đàn ông đang bù khú bên chai rượu. “Ông uống ít thôi, trong người ông đang có bệnh”, “Tui uống cho bớt buồn thôi chứ ham hố gì đâu. Ông không cho tui uống nữa thì tui về nhà”. Buổi nhậu kết thúc, người đàn ông nọ ra về. Vừa thấy chồng tới nhà, chị H. than: “Số tôi khổ nên mới lấy chồng vô dụng như ông”.

Câu chuyện thứ hai: Một lần xách giỏ ra chợ, đi qua con hẻm gần chân cầu Điện Biên Phủ, hình ảnh hai đứa trẻ đầu bù tóc rối, quần áo lem luốc ngồi nghịch cát khiến dì Luật để ý. Dì nghĩ, đây là con của chị A. mà, đáng lẽ ra giờ này phải đi học sao lại ngồi chơi cát. Dì hỏi: “Sao con không đi học mà ngồi đây chơi”, cô bé thật thà kể: “Sáng sớm mới ngủ dậy thì nghe ba nói với mẹ “không cho nó học hành gì hết”, mẹ cãi, ba tát mẹ. Mẹ kêu con dẫn em ra đây chơi”. Theo chân cô bé về nhà, trước mắt dì Luật là hình ảnh chị A. đầu tóc bù xù, mặt sưng đỏ, đang khệ nệ bưng thau đồ đi phơi. Được dịp, chị A. dịp trút hết nỗi lòng: “Con khổ quá dì ơi. Con không biết làm gì ra tiền, còn ảnh chạy xe ôm chỉ được 50.000-100.000đ/ngày. Tiền ăn không đủ, lấy đâu ra tiền cho tụi nhỏ đi học”.

Câu chuyện thứ ba: Vừa mở cửa, gia đình chị L. đã đón nhiều vị khách không mời. Những người đàn ông mặt mày dữ tợn, xô cửa bước vào: “Con chị vay tụi này hai triệu đồng, mỗi tháng đóng lãi 300.000đ tiền lời. Chị hứa mỗi tháng sẽ trả dần tiền nợ và tiền lãi. Sao hai tháng rồi mà chị không thanh toán”. Mặc chị L. cầu khẩn, người đàn ông vẫn không đoái hoài: “Tổng lãi và nợ là 2,6 triệu đồng, giờ mỗi tháng chị đóng 450.000đ”. Nhóm người bỏ đi, chỉ còn tiếng gào khóc của chị L.: “Con ơi là con, sao con cứ phá mẹ thế này!”.

Muon cua nha giau cho nha kho vay
Dì Bùi Thị Luật - Người đã mang “cần câu” đến cho các gia đình

Khu phố này không có trộm cắp, tệ nạn, chỉ có những câu chuyện buồn do gia đình khó khăn. Muốn cải thiện chỉ có cách giúp họ vốn làm ăn. Nhưng vốn ở đâu ra? Dì Luật nghĩ: “Trong khu phố không ít người giàu có, hay mình đứng ra mượn của họ rồi đem cho những nhà nghèo khó kia mượn”. Nhiều người biết chuyện đã ngăn cản: “Giúp người có tóc, ai giúp kẻ trọc đầu”, nhưng dì tâm niệm: “Mình có lòng giúp người ta vượt khó, ai nỡ phụ mình”.

Gom hết số tiền để dành được, dì tiên phong cho gia đình chị H. mượn hai triệu đồng. Sau đó dì hỏi mượn của những gia đình khác. Tham gia Hội PN ở địa phương ngay sau ngày giải phóng đến nay, nhờ có uy tín nên cả tổ dân phố ai cũng kính trọng dì. “Lúc đó, cả tổ có tám gia đình khó khăn, tôi mượn được cho mỗi trường hợp từ 1,5-2 triệu đồng. Với số tiền đó, nếu không biết tính toán, làm ăn sẽ giống như muối bỏ bể” – dì Luật chia sẻ.

Với trường hợp chị H., dì Luật gợi ý chị dùng số tiền đó mua thêm những mặt hàng thiết yếu để bán phục vụ người trong xóm. Cửa hàng tạp hóa ăn nên làm ra, chị H. không còn đay nghiến chồng. Chồng chị thấy vợ thay đổi, cũng bớt nhậu, ngày ngày nhận nhiệm vụ lấy hàng về cho vợ bán.

Còn chị A., với số tiền 1,5 triệu đồng, dì Luật giới thiệu chị tìm mua xe bánh mì cũ, mỗi sáng chị đẩy xe ra đầu hẻm bán, mỗi ngày kiếm được 100.000 - 150.000đ, bé gái được đi học trở lại. Riêng với chị L., dì Luật giới thiệu các chương trình vay vốn của Hội PN. Con trai chị hiện đã trưởng thành, thấy mẹ cực khổ nên chí thú làm ăn, không còn ngỗ nghịch, quậy phá.

Còn rất nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt được dì Luật thường xuyên chăm lo, thăm hỏi. Với các cụ trong khu phố, dì không quên tới lui trò chuyện, gửi chút quà, khi hộp sữa, khi bịch đường, hộp bánh...

Tiễn chúng tôi, dì Luật cười rung cả những nếp nhăn: “Viết về dì làm chi con. Hội mình bây giờ có nhiều bạn trẻ năng động, đa tài, đáng để con viết hơn”.

 

Bà Bùi Thị Luật (sinh năm 1947)

- Tổ trưởng Tổ PN 17, Tổ trưởng Hội mẹ truyền thống KP.2, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM.

- Thời gian công tác Hội: 40 năm.

- Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của PN Việt Nam” năm 2012.

- Danh hiệu “PN xuất sắc tiêu biểu toàn quốc” năm 2006.

- Bằng khen “cán bộ Hội cơ sở giỏi” năm 1992 của Thành Hội.

Thanh Hoa

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI