Mặt trăng nhỏ của vùng biên

22/11/2019 - 08:01

PNO - Trong tiếng Khmer, Chan là mặt trăng, Nen là nhỏ, còn Nách là họ của bố. Nách Chan Nen nghĩa là mặt trăng nhỏ.

Ở Trường tiểu học Tân Đông B, xã Tân Đông, H.Tân Châu, tỉnh Tây Ninh có một cô giáo tên là Nách Chan Nen. Cô là một trong 63 tấm gương giáo viên tiêu biểu của cả nước được vinh danh trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” lần thứ 5 được tổ chức tối 16/11 vừa qua tại thủ đô Hà Nội.  

Đúng như ý nghĩa cao đẹp của cái tên, từ lâu Chan Nen đã là tấm gương và niềm tự hào của các em học sinh Khmer và gần 2.000 nhân khẩu đang sinh sống tại ấp Kà Ốt biên giới xa xôi. Ở đây, bà con và học trò gọi Chan Nen là cô Nên.

Mat trang nho cua vung bien
Cô Nên

Cô giáo Nên là con gái thứ 6 trong gia đình có 12 người con của già làng Kà Ốt - già Nách Chan. Hiện cô Nên đang dạy lớp Một, lớp Hai và lớp Năm. Trước kia, việc dạy tiếng Khmer cho trẻ em ở các ấp Suối Dầm, Kà Ốt, Tầm Phô - ba ấp người Khmer của xã Tân Đông - có thầy Phúc, thầy Xây. Giờ hai thầy đã nghỉ hưu nên cô giáo Nên lãnh hết nhiệm vụ. 

Từng là học sinh Khmer trong ngôi trường tiếng Việt, cô Nên cảm nhận được sự thiệt thòi nên có tình cảm đặc biệt với học trò người dân tộc mình. Nhìn các em tắm mưa, cô ước có hồ bơi nho nhỏ. Nhìn các em ngồi chơi dưới đất, cô ước có mấy cái ghế đá đặt trong sân trường. Nhìn các em chơi kéo co, cô ước có vài cái bập bênh, vài cái xích đu. Nhìn bé gái mặt mày lem luốc đang kẹp nách rổ cá vừa bắt từ ruộng, cô ước có một nơi đọc sách cho các em...

Ước rồi thôi, hoặc lên facebook nói ra mơ ước của mình, hoặc âm thầm đi “xin xỏ”. 

Mười năm trước, lần đầu tôi đến Tân Đông vào những ngày giáp tết, không khí ở vùng nắng bụi mưa bùn những ngày cuối năm rất đặt biệt. Trưa nắng muốn cháy da, nhưng đêm về thì xương cốt khua cồng cộc vì lạnh. Đêm ấy, tôi nghỉ lại tại Trường Tân Đông A nên biết ở vùng biên này đang rất thiếu giáo viên và hầu hết các thầy cô đang công tác ở đây đều được chi viện từ các huyện khác. Lúc ấy Nách Chan Nen đang là cô sinh viên Khoa Giáo dục tiểu học, Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh với ước mơ trở thành cô giáo cho đám trẻ con Khmer quê mình. 

Năm 2015, khi quay lại xã Tân Đông để thực hiện chương trình khám chữa bệnh, phát thuốc, tặng quà cho bà con người Khmer ở ấp Tầm Phô, tôi mới gặp cô Nên và hiểu thêm về tấm lòng rất đáng trân trọng của cô dành cho trẻ em.

Ngoài dạy ở trường, mùa hè cô tổ chức dạy bổ túc cho các em ngay tại làng và thường xuyên bày ra các trò chơi cho trẻ em trong làng mà không quan tâm đến chuyện thù lao. Cô sinh ra như chỉ để lo cho trẻ con của xóm giềng. Ngoài việc tận tâm đứng lớp, cô luôn tranh thủ mọi cơ hội để tìm kiếm sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm, các tổ chức xã hội. Cô xin đồ chơi, quần áo cũ, sách cũ… để dụ dỗ trẻ em nghèo, không có điều kiện đến trường, ra chùa Kiri Satray Meanchay gần nhà để cô dạy chúng học, dạy chúng múa, để chúng chơi đồ chơi và đọc sách.

Mat trang nho cua vung bien
Cô Nên với lũ trẻ trong làng

Hè nào cô Nên cũng tất bật chuyện “vác tù và” trong sân chùa mà quên chuyện lập gia đình. Bởi thế, tôi không ngạc nhiên khi biết cô trở thành một trong những tấm gương tiêu biểu của cả nước được vinh danh. 

Cô tâm sự, đời sống vùng biên còn nhiều khó khăn nên phần lớn phụ huynh ít quan tâm đến việc học của con cái. Có em chưa học hết cấp I đã phải ở nhà phụ cha mẹ đi chặt mía mướn. Có em, mấy năm trời chỉ mặc mỗi một bộ đồ thì gia đình lấy tiền đâu để mua bảo hiểm y tế cho con. Nhưng phụ huynh thì cứ bị nhà trường vận động mua bảo hiểm nên đã cho con nghỉ học… “Vấn đề này nếu không được giải quyết thấu đáo, triệt để, biết bao giờ trẻ con quê em mới thành tài để có thể thoát nghèo bền vững” - cô băn khoăn.

Năm trước, sau khi đi dự lễ Đắp núi cát dịp tết Chol Chnam Thmay của người Khmer ở ấp Suối Dầm, cô Nên mời tôi về nhà ăn cơm với bố cô - già làng Nách Chan và thầy giáo Xây - Trưởng ấp. Trong bữa ăn, cô phấn khích nói về chuyện học của trẻ con trong làng. Già làng Nách Chan là người đàn ông ít nói. Trong bữa ăn tôi không thấy ông chủ động nói câu nào, nhưng nhìn vẻ mặt quan sát đầy “phòng thủ”.

Thì ra, một trong những dị bản của lễ Đắp núi cát mang ý nghĩa như một phúc duyên: những người độc thân đắp núi cát sẽ đi từng đôi cùng nhau mang cát, vun cát, trang trí bông hoa, viết chữ yêu thương, mong ước lên cát... Như thể, kiếp này không duyên thì chờ kiếp sau vậy... 

Nguyễn Thiện

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI