Lớp học nghĩa tình

03/03/2016 - 11:19

PNO - Cứ mỗi tuần ba buổi, lớp học đan móc len tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Q.7, TP.HCM lại rộn rịp, sôi nổi.

Đây là lớp học miễn phí do Hội LHPN Q.7 và Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng, TP.HCM tổ chức. Học viên (HV) ở đây đều là những phụ nữ khuyết tật.

Nơi gieo hy vọng

Từ 13g, đã có nhiều HV đến lớp cùng trao đổi bài vở trước khi lớp học bắt đầu lúc 13g30. Ngồi lặng lẽ một góc, chị Võ Thị Mừng (Q.8) chăm chú nhìn con gái hoàn thành chiếc mũ bê- rê. Chị cho biết: “Trâm Anh bị khiếm khuyết khả năng nghenói, nhưng rất thích học những nghề thủ công. Qua người quen, biết có lớp dạy miễn phí cho người khuyết tật, tôi bỏ hết công việc để theo con gái đến lớp”. Sau một thời gian, Trâm Anh biết đan, móc khăn, nón, mang về tặng mẹ. Điều khiến chị vui là con gái không còn mặc cảm như trước.

Trên chiếc bàn lớn là những chiếc áo trẻ em, khăn quàng cổ, nón, vớ… đẹp mắt, đều do đôi tay của những người khuyết tật làm nên. Một HV chia sẻ: “Đan len cũng không khó lắm, ban đầu hơi cứng tay, nhưng làm một thời gian thì quen. Không khí lớp học vui tươi, mọi người giúp đỡ nhau từ bài vở đến việc di chuyển. HV chăm chỉ đến lớp và mạnh dạn trao đổi với giáo viên”.

Lop hoc nghia tinh
Học viên được cô Đào hướng dẫn tận tình trong giờ thực hành

Tình cờ biết đến lớp học qua thông tin trên báo Phụ Nữ, chị Vũ Thị Kim Thủy (Q.8) liền đăng ký. Chị chia sẻ: “Tôi là thợ may tại nhà, chuyên may áo dài và áo bà ba. Vì muốn có thêm thu nhập nên tôi tham gia lớp này”. Bị tật ở chân, chị vẫn đều đặn ba buổi/ tuần, đạp xe đến lớp. Nhờ chịu khó và chăm chỉ, đến nay, chị đã thông thạo mũi đan/móc từ đơn giản đến phức tạp như mũi đơn, mũi bím, mũi hạt gạo, mũi chữ y… Chị dự định sau khi thạo nghề sẽ đầu tư mua vật liệu, đan móc sản phẩm bán tại nhà.

Phía cuối lớp, đông đảo HV vây quanh cô giáo Đinh Thị Tuyết Đào để hỏi bài. Tận tâm, chu đáo hướng dẫn HV từng mũi móc, cách phối màu, cách sửa sản phẩm lỗi, cô quẹt vội mồ hôi trên trán, cười hiền: “Ngày đầu vào học, ai cũng xa lạ, nhưng sau vài buổi, mọi người trở nên thân thiết. Có lẽ, vì cùng hoàn cảnh và nguyện vọng nên mọi người đã xích lại gần nhau”.

Tuy bị khuyết tật nhưng nhờ có khiếu sáng tạo, lại được mẹ chồng truyền nghề nên từ một cô thợ đan len, cô Đào đã thành bà chủ của Công ty TNHH len Phước Đào. Là hội viên gắn bó với Hội từ lâu, khi Hội phụ nữ mở lớp dạy nghề cho người khuyết tật, cô liền xung phong đứng lớp. Nội dung bài gồm lý thuyết và thực hành được cô Đào biên soạn cụ thể, từ cơ bản đến nâng cao, trong đó chú trọng phần thực hành để HV quen tay.

Mô hình cần nhân rộng

Để tăng hiệu quả giảng dạy, cô Đào vận động ông xã “trợ giảng”. Nhờ nắm kỹ năng cơ bản về đan móc, ông Nguyễn Hữu Phước đảm nhận phần sửa lỗi sản phẩm cho HV. “Chị em đi lại khó khăn, nên mình phải chịu khó chạy tới chạy lui để hướng dẫn. Tôi rất khâm phục tinh thần học hỏi của chị em. Có khi hết giờ, nhiều người còn nán lại trao đổi với nhau những phần chưa hiểu”, ông Phước cho biết.

Lớp học thuộc đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, do Trường Trung cấp nghề Lê Thị Riêng thực hiện và Hội LHPN Q.7 đảm nhiệm khâu chiêu sinh, tổ chức, quản lý lớp… HV được cung cấp vật liệu thực hành, đồng thời được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại trong suốt khóa học.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan, Chủ tịch Hội LHPN Q.7 tâm đắc: “Việc mở lớp và chọn loại hình giảng dạy từ ng khiến Hội đắn đo. Thấy đan móc len mở ra nhiều hướng đi cho chị em như có thể gia công tại nhà hoặc tự làm bán, nên Hội đã quyết định chọn dạy nghề này. Thực tế cho thấy nó phù hợp với nhu cầu, sở thích của HV”.

Lớp học khai giảng từ giữa tháng 12/2015, dự kiến đến tháng 4/2016 sẽ kết thúc. Mọi người hy vọng sẽ có thêm các lớp tương tự để người khuyết tật nhiều nơi có thể tham gia.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI