Không để học sinh hồn nhiên phạm tội

13/04/2018 - 11:22

PNO - Có những em đánh bạn nhưng do tỷ lệ thương tích của nạn nhân không quá 10% nên chỉ bị công an nhắc nhở rồi cho về, nên cứ tưởng đánh nhau là chuyện bình thường.

Ngày 7/4, tại Trường THCS Hòa Tân, xã Hòa Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em thuộc Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã tổ chức phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền phòng, chống bạo lực học đường. Đây là lần thứ hai, việc diễn án được đưa về miền quê, sau phiên tòa giả định tại tỉnh Long An vào năm 2017. 

Khong de hoc sinh hon nhien pham toi
Luật sư Lý Thị Tố Mai đóng vai mẹ “bị hại” trong phiên tòa giả định tại Trường THCS Hòa Tân, tỏ ra ân hận vì đã không thật sự quan tâm đến con

Bị tù có được đi học nữa không?

Từ sáng sớm, 564 học sinh đã tề tựu trên sân trường. Tình huống giả định của phiên tòa là vụ đánh nhau của các nam sinh, xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook. Theo đó, “bị cáo” Sơn đã dùng gậy sắt đánh hai cái vào đầu Công khiến Công bị chấn thương, phải phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, tỷ lệ thương tật 30%.

Gia đình Sơn rất nghèo, cha mẹ phải vay mượn tiền để bồi thường chi phí thuốc men cho bị hại 84 triệu đồng. Tại tòa, Sơn khai đánh bạn là vì “thái độ Công xấc xược”. Trong khi đó, cha mẹ các bên liên quan đều “bật ngửa” với hậu quả nghiêm trọng của vụ việc, vì thấy con mình ở nhà đều ngoan. 

Kết thúc phiên tòa, hội đồng xét xử tuyên phạt Sơn 2 năm tù, cho hưởng án treo và thử thách 4 năm. Nguyễn Châu Khánh Đan (học lớp Sáu) rụt rè hỏi: “Thưa cô, án treo có phải là... treo người lên không?”. Còn Nguyễn Thành Phát (học lớp Sáu) ngồi cạnh đó thắc mắc: “Bị phạt tù thì có được đi học nữa không?”. 

Ngày 7/4, cùng với việc tổ chức phiên tòa giả định, Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã trao tặng 10 suất học bổng (500.000 đồng/suất), 20 xe đạp mới cho học sinh bậc tiểu học và THCS của xã Hòa Tân từ nguồn kinh phí do các thành viên trong chi hội đóng góp.

Cô Đoàn Thị Ngan - Hiệu phó Trường THCS Hòa Tân - thừa nhận: “Ở quê, học sinh ít có điều kiện tiếp cận báo đài, mạng internet. Lâu nay, các em thường bị người lớn hù dọa nếu đánh nhau sẽ thế này, thế kia, chứ chưa dự phiên tòa xử án đánh nhau bao giờ. Đây là dịp giúp các em biết thế nào là bạo lực học đường, là vi phạm pháp luật, từ đó điều chỉnh hành vi, hoàn thiện nhân cách ngay khi còn trên ghế nhà trường”. 

Cần nhiều hơn những phiên tòa

Từ đầu tháng 3/2018 đến nay, Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đã mở nhiều phiên tòa giả định trong các trường học, khu dân cư tại TP.HCM về bạo lực học đường. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM - cho biết,  ngay ở TP.HCM, kiến thức pháp luật của học sinh vẫn rất hạn chế.

Các em không biết bạo lực học đường là gì, tù chung thân, án treo hay xóa án tích là như thế nào. Có những em đánh bạn nhưng do tỷ lệ thương tích của nạn nhân không quá 10% nên chỉ bị công an nhắc nhở rồi cho về, nên cứ tưởng đánh nhau là chuyện bình thường.  

Sau khi theo dõi phiên tòa giả định xử vụ nam sinh đánh bạn gây thương tích 55%, lãnh án 2 năm tù giam và bồi thường 100 triệu đồng, cũng xuất phát từ mâu thuẫn trên mạng xã hội Facebook (phiên tòa do Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp với Trường THPT Tân Túc, H.Bình Chánh, TP.HCM tổ chức ngày 12/3), em Nguyễn Đình Hưng - học sinh lớp 11 trường này - đúc kết: “Với em, phiên tòa là tiết học vô cùng ý nghĩa. Em nhận ra rằng, trước những mâu thuẫn giữa bạn bè với nhau, cần tĩnh tâm suy nghĩ để tìm ra hướng giải quyết thấu đáo chứ đừng bao giờ dùng đến vũ lực”. 

Thầy Nguyễn Thanh Tòng - Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc - chia sẻ: “Việc đưa phiên tòa giả định vào trường là chủ ý của ban giám hiệu, nhằm tuyên truyền pháp luật bằng phương pháp trực quan. Thiết nghĩ, cần nhiều hơn những phiên tòa giả định như thế này, không chỉ ở TP.HCM mà còn tại các địa phương khác, giúp học sinh được trực tiếp dự khán phiên tòa để rồi hiểu và nhớ, từ đó điều chỉnh cách ứng xử 
của mình”.

Thanh Cường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI