Hột cơm ân nghĩa của Hội

19/07/2016 - 10:27

PNO - Hơn mười năm nghỉ hưu, hiện là tổ trưởng Tổ PN KP.4, P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM, bà vẫn tôn trọng những nguyên tắc làm việc của mình, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ hội viên như người nhà.

Hot com an nghia cua Hoi
aỞ tuổi 73, bà Trần Thị Huê vẫn ngày đêm đọc sách báo để mở mang kiến thức

Bà Trần Thị Huê không bao giờ quên khoảnh khắc quyết định vào năm 1975, cái khoảnh khắc bà tay ôm đứa út còn bú mẹ, tay dắt bốn đứa lớn rồng rắn bước vào Ủy ban xã Bình Trưng. Gặp hội trưởng Hội phụ nữ (PN), bà khẩn khoản: “Chị có việc gì cho em phụ để kiếm chút cơm nuôi tụi nhỏ…”.

Nước mắt chực trào khi con khát sữa khóc oe rồi tiếp nối là dòng nước mắt vui sướng, hồ hởi từ cái gật đầu chấp nhận của vị hội trưởng. Bà được chọn làm thư ký cho Hội không chỉ nhờ “văn hay chữ tốt do học đến lớp Tám mà từng được biết đến bởi cách sống giản dị, trong sáng, nghĩa tình, đặc biệt cảm thông, yêu thương chị em PN.

Bà Huê không dám nghĩ đời mình sẽ ra sao nếu không có Hội PN dang tay cứu giúp trong cảnh ngộ chia tay chồng, một nách năm con. Tiền công từ việc vá giày của bà không nuôi nổi gia đình. Giở hũ gạo thấy cạn, nhìn các con thấy rách rưới, nheo nhóc, dù còn non ngày tháng, bà vẫn cố tìm phương mưu sinh.

Lại nghĩ mình còn quá trẻ, ra đời bươn chải dễ sa ngã hoặc có thể sẽ chạy theo khát vọng lứa đôi ích kỷ của mình mà bỏ rơi các con, tính tới tính lui, bà quyết chọn Hội PN để “nương thân”. “Hội là môi trường rèn luyện cho tôi trở thành người mẹ đảm đang, biết sống vì các con và nhờ đó các con tôi đã thành nhân, có cuộc sống ổn định. Hạt cơm của Hội mãi còn dính kẽ răng nên tôi dù ở cương vị nào, là thư ký, là chủ tịch Hội PN xã hay giờ là Tổ trưởng PN khu phố, đều ghi khắc và làm hết khả năng mình để đáp lại ân sâu nghĩa nặng đó”.

Khi các con đã lớn, có thể tự lo, suốt thời gian dài, bà Huê xem cơ quan là ngôi nhà thứ hai. Ngủ lại trong một căn phòng nhỏ ở cơ quan, bà dành trọn buổi tối để đọc sách báo nhằm mở mang tri thức, đồng thời nghiên cứu, trau dồi phương cách hoạt động Hội. Với đồng lương khiêm tốn, bà luôn trích một phần để mua sách về Bác Hồ. Bà học ở Bác rất nhiều điều, nhất là cách Bác xuống cơ sở.

Theo đó, trước tiên phải hỏi han, tìm hiểu về tình hình đời sống của người dân/ hội viên, con cái họ học thế nào, họ đang mong mỏi điều gì. Nếu làm lơ với những nhu cầu thiết yếu ấy của họ thì khó lòng khơi thông được kênh giao tiếp chứ chưa nói đến tuyên truyền, vận động.

Để vận động quần chúng vào Hội, bà điều nghiên từng gia đình và lên kế hoạch thu phục tất cả thành viên. Khi đến nhà thăm, bà tặng kẹo cho các cháu nhỏ, lăng xăng phụ giúp các chị rửa chén, quét nhà, trông trẻ, tranh thủ nắm bắt thời cơ để tiếp cận quý ông. Bà dùng đủ cách để người chồng tạo điều kiện cho vợ đi họp.

Bà kể ra những lợi ích khi tham gia hội: người PN năng động, xinh tươi hơn, biết cách nuôi dạy con, nấu ăn ngon… và người hưởng lợi nhiều nhất vẫn là ông chồng. Nhà nào khó khăn, bà vận động xin gạo, mì, nhu yếu phẩm và đích thân mang đến tận nhà để chiếm được tình cảm của cả hai vợ chồng. Bà thiết kế cuộc họp rất ngắn gọn, cô đọng và sử dụng dạng thức “hình tháp ngược”, có nghĩa là vấn đề gì quan trọng bà đề cập trước hết, rồi dần đến những vấn đề ít quan trọng hơn. Nhờ thế mà tiết kiệm được thời gian, không bị lê thê, nhàm chán.

Gần gũi, thân tình nên bà là “chuyên gia tư vấn” của nhiều người. Hơn mười năm nghỉ hưu, hiện là tổ trưởng Tổ PN KP.4, P.Bình Trưng Tây, Q.2, TP.HCM, bà vẫn tôn trọng những nguyên tắc làm việc của mình, yêu thương, tôn trọng, giúp đỡ hội viên như người nhà. Bà cũng đã làm giấy hiến xác cho y học và ước nguyện góp chút tiền dành dụm của tuổi già để trao học bổng cho nữ sinh y dược nghèo khó, đó là cách để bà được cùng các em tiếp tục cứu giúp đời. Làm nhiều việc tốt, bà vẫn nặng lòng khi nhắc đến hột cơm ân nghĩa mà Hội PN và nhân dân đã cho mình thuở hàn vi.

Trần Thị Huê (sinh năm 1942)

- Tổ trưởng PN, KP.4, P.Bình Trưng Tây, Q.2.

- Thời gian công tác Hội: 40 năm.

- Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp dân vận” năm 2004.

- Huy chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” năm 2004.

- Danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn 2001 - 2005 của Liên đoàn Lao động Thành phố.

- Huy hiệu Thành phố năm 2005.

- Bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc nhiều năm góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thành phố, nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Q.2 (1997 - 2007)” của UBND Thành phố.

- Gương “Điển hình dân vận khéo năm 2007” cấp quận.

Tô Diệu Hiền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI