Hôm nay có cháo xương ăn với củ cải muối

25/11/2019 - 07:24

PNO - Người khỏe thì nhận cơm, người bệnh và trẻ em thì nhận cháo. Đi kèm mỗi phần cơm là nước suối, sữa, trái cây tùy theo điều kiện và đóng góp của Mạnh Thường Quân.

Cô Chu Thị Kim Anh, 63 tuổi, vừa rải qua ca tiểu phẫu ở bệnh viện trở về. Cứ ngồi một chút là cô lại xoay nhẹ người và đưa tay rờ nhẹ vào vết thương ở bụng. Dù vết thương còn rơm rớm máu, nhưng hôm nay là ngày bếp ăn đỏ lửa nên cô không vắng mặt. 

Bếp ăn từ thiện trao gửi yêu thương của cô Kim Anh đã được duy trì từ 13 năm qua tại số 316 đường Đỗ Ngọc Thạnh, P.4, Q.11. Bếp đỏ lửa vào thứ Năm hằng tuần, nấu 1.000 phần cơm, mang trao tận tay người bệnh và thân nhân, người già neo đơn, người lao động nghèo ở các bệnh viện và khu vực quanh bếp ăn. Kinh phí cho mỗi lần bếp đỏ lửa khoảng 10 triệu đồng. 

Hom nay co chao xuong an voi cu cai muoi
Bếp ăn từ thiện trao gửi yêu thương của cô Kim Anh phát cơm cho người thân và bệnh nhân tại các bệnh viện
 

Bếp yêu thương khởi đầu từ việc cháu ngoại cô Kim Anh bị bệnh phải vào Bệnh viện Nhi Đồng. Vào bệnh viện chăm cháu, cô cảm thấy xót xa khi thấy người nhà bệnh nhân gọi nhau đi xếp hàng nhận cơm từ thiện mỗi khi đến giờ cơm. Trở về, cô liên hệ với một số người bạn và tìm kiếm Mạnh Thường Quân để cùng nhau thực hiện những bữa cơm yêu thương cho những bệnh nhân nghèo và người thân của họ tại các bệnh viện. 

Bắt tay vào bếp, cô Kim Anh giao lại việc buôn bán cho các con để trực tiếp đi chợ, nấu nướng, chia cơm vào hộp. Những ngày đầu bếp chỉ nấu 200 phần, nhưng để duy trì đều đặn là hết sức khó khăn, bởi bản thân cô cũng không khá giả, kinh phí từ Mạnh Thường Quân lại chưa thường xuyên. Nhiều bận, đến ngày bếp phải đỏ lửa nhưng không có tiền, cô lại hỏi mượn các con, rồi mua thiếu thực phẩm, gạo, mắm… Nhưng như cô nói, “chắc mình làm phước nên được phước, không ai đòi hết, khi nào có tiền trả cũng được”. 

Những việc làm từ trái tim sẽ nhận được những trái tim, bếp ăn của cô Kim Anh ngày càng được nhiều người biết tới và góp sức. Người có tiền góp tiền, người có công góp công. Ai đến cũng bằng cả tấm lòng. Nhờ vậy mà bếp phát triển và duy trì đều đặn như hôm nay. “Như sáng sớm hôm nay, có Mạnh Thường Quân gọi điện và chở đến mấy chục ký xương heo. Vậy là hôm nay ngoài cơm thịt kho, đồ xào còn có món cháo xương ăn với củ cải muối, giò cháo quẩy”…

Dứt lời, cô Kim Anh quay sang dặn dò mấy chị em khác gọt củ cải, rửa hành, hớt bọt nồi xương hầm cho nước trong. 

Cô Nguyễn Mỹ Tiên năm nay đã hơn 60 tuổi, sinh sống bằng nghề làm móng tay dạo ở khu vực P.3, Q.11. Nhưng tuần nào cũng vậy, cô dành trọn thứ Năm để tham gia bếp ăn yêu thương. “Mình không góp tiền được thì góp sức. Mình thấy vui khi bữa cơm đến với người khó có phần đóng góp của mình”.

Đồng hành cùng bếp ăn từ năm 2012, đến nay cô Tiên không vắng mặt ngày nào. Lặt rau, rửa rau, nấu bếp, khâu nào cô cũng đảm đương được. Ngoài cô Tiên, bếp còn khoảng 10 người, cả phụ nữ lẫn đàn ông, cùng tất bật.

11 giờ trưa, thức ăn và những mẻ cơm nghi ngút khói được cho vào thùng giữ nóng để chở đến các điểm tập trung tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Bệnh viện Chợ Rẫy, trung tâm chấn thương chỉnh hình và Tịnh xá Ngọc Quang, viện dưỡng lão… Người khỏe thì nhận cơm, người bệnh và trẻ em thì nhận cháo. Đi kèm mỗi phần cơm là nước suối, sữa, trái cây tùy theo điều kiện và đóng góp của Mạnh Thường Quân.

Cùng với bếp ăn yêu thương, mỗi tháng cô Kim Anh cùng nhóm thiện nguyện Chu Anh còn tổ chức các chuyến xe yêu thương với các loại nhu yếu phẩm, gạo, mì, quần áo, đồ chơi để cùng các đoàn bác sĩ đi thăm, khám bệnh và tặng quà cho người dân các vùng quê nghèo. Mỗi chuyến đi, mỗi việc làm đều đọng lại trong cô những kỷ niệm đẹp và nỗi xót xa, để trở về cô lại lao vào việc chuẩn bị cho những bữa cơm và những chuyến đi nối tiếp. 

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI