Hội vào việc khó

25/07/2018 - 07:25

PNO - Mỗi năm quận Hội đều phối hợp với Trung tâm Giáo dục chính trị của quận để tổ chức các lớp sơ cấp lý luận chính trị, nói chuyện chuyên đề về tình hình thời sự, an ninh, trật tự xã hội.

Trong cái nắng oi ả trưa tháng Bảy, 60 dì, chị ở lớp sơ cấp lý luận chính trị Q.Tân Bình vẫn chăm chú lắng nghe bài giảng. Hôm nay giảng viên nói về xã hội loài người và sự vận động, phát triển của xã hội loài người. “Bài học không khó, không mới, nhưng được nghe một cách hệ thống giúp mình hiểu hơn, khoa học hơn” - một chị khoảng 40 tuổi ở P.12, Q.Tân Bình chia sẻ.

Hoi vao viec kho
Hơn 69 dì, chị tích cực tham gia lớp sơ cấp lý luận chính trị năm 2018 do Hội LHPN Q.Tân Bình tổ chức - Ảnh: Thanh Mai

Chị cho biết, lẽ ra đã tham gia lớp học này từ khóa trước (mở cuối hè năm 2017), nhưng lúc đó ngại quá, “mình chỉ là bà nội trợ bình thường, đi học lý luận chính trị nghe thiệt kỳ”. Năm nay chị cũng ngại nhưng trước những luồng thông tin khác nhau về nhiều vấn đề của đất nước chị rất bối rối. Mang tâm sự này trao đổi với chị Chi hội trưởng khu phố, chị cười xòa: “Bởi vậy, em nên đi học để hiểu biết, không hoang mang, dao động”. Vậy là chị theo lớp. Hai tuần trôi qua, những bài học lý luận không khô cứng như chị nghĩ. Nhưng chị còn xấu hổ lắm, không chịu xưng tên bởi “trong lớp ai cũng đang đi làm, có công việc hoặc chức vụ gì đó, còn mình không có vị trí gì…”.

Từng mang tâm trạng ngại vì “không có chức vụ, vị trí gì” lại “ham hố” theo lớp sơ cấp lý luận chính trị do Hội LHPN Q.Tân Bình tổ chức cách đây một năm, chị Nguyễn Thị Nhạn, hiện là tổ trưởng dân phố tổ 58, khu phố 6, P.2, cho biết: “Những kiến thức lý luận chính trị cơ bản đã làm tôi thay đổi, quan niệm phụ nữ chỉ cần ở nhà chăm chút chồng con cũng theo đó mà tan biến”. Sau khóa học, chị Nhạn đã hiểu “mình là ai” và tự tin tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương. 

Kể về chị Nhạn, chị Võ Thị Phi Yến - Chủ tịch Hội LHPN P.2 - tự hào: “Cô Nhạn không chỉ là một tổ trưởng tổ dân phố năng nổ, có trách nhiệm mà còn là hội viên nhiệt tình, hỗ trợ rất nhiều cho công tác Hội”. Theo thông tin từ Hội LHPN Q.Tân Bình, P.2 do chị Yến phụ trách là một trong những đơn vị vận động được nhiều hội viên phụ nữ, đặc biệt là các nữ thanh, người ngoài Hội, tham gia lớp sơ cấp chính trị. Từ một viên chức ở văn phòng đảng ủy phường, chị Yến cũng trưởng thành nhờ lớp sơ cấp chính trị của Hội LHPN quận tổ chức cách đây vài năm. Hiện chị theo học lớp trung cấp để nâng cao trình độ. 

Nhờ những kiến thức nền tảng này mà khi ở vai trò thủ lĩnh Hội cấp phường, thấy chị em phụ nữ quan tâm, lo lắng trước các vụ cháy xảy ra liên tiếp trên cả nước, đặc biệt là các gia đình sống tại chung cư, chị Yến đã tổ chức chuyên đề để chị em giãi bày tâm sự. Chị cùng ban chấp hành Hội LHPN phường ghi nhận những trăn trở của chị em về tình trạng kẹt xe, ngập nước diễn ra thường xuyên, vấn đề thực phẩm bẩn, xâm hại tình dục trẻ em, an toàn giao thông, bạo lực học đường, an ninh trật tự… để phản ánh với chính quyền và Hội cấp trên một cách kịp thời, nhanh chóng. “Lớp học làm tôi vỡ ra một điều, không chỉ rao giảng, giáo điều, đôi khi Hội chỉ cần chia sẻ với chị em khó khăn, tôn vinh những gương sáng ở địa bàn cũng đã là làm chính trị” - Yến tâm sự.

Đến lớp học, nhiều chị thấy mình cần khiêm tốn và phải học hỏi suốt đời. Chị Nguyễn Thị Bích Huyền - Chi hội trưởng Chi hội khu phố 4, P.14 - nói: “Chưa đi học, làm gì cũng cắm đầu cắm cổ chạy theo chỉ tiêu, sợ rớt thành tích. Nhưng khi có kiến thức, điều hành sinh hoạt chi, tổ hội cũng cần cân nhắc, cẩn trọng, lựa chọn những gì cần, thiết thân nhất cho hội viên để phát động, tổ chức”. Nhờ có người đầu tàu suy nghĩ chu đáo mà chi hội phụ nữ khu phố 4 luôn vững mạnh. Được biết trong hơn 700 hội viên của khu phố 4 có hơn 80% là phụ nữ Công giáo. Để “giữ chân” và phát huy thế mạnh của từng hội viên, chi hội đã chọn mũi nhọn tổ chức các hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội, giúp hội viên phụ nữ giảm nghèo, phát triển kinh tế. Nhờ khéo vận động, chị Huyền còn đưa được chị em có đạo theo và hoàn thành lớp học sơ cấp lý luận chính trị, nâng cao trình độ bản thân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, hội viên, phụ nữ được Hội LHPN Q.Tân Bình đặc biệt chú trọng. Trong sáu năm qua, mỗi năm quận Hội đều phối hợp với Trung tâm Giáo dục chính trị của quận để tổ chức các lớp sơ cấp lý luận chính trị, nói chuyện chuyên đề về tình hình thời sự, an ninh, trật tự xã hội. Chị Phạm Thị Thành - Chủ tịch Hội LHPN quận - cho biết: “Q.Tân Bình là địa bàn tương đối phức tạp, dù ở sát trung tâm nhưng có khá nhiều dân nhập cư, công nhân lao động nghèo. Mưu sinh khiến nhiều chị em hao mòn sức khỏe, không có thời gian tự bổ sung kiến thức, thậm chí có chị vì thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức xã hội nên tự ti. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, cung cấp kiến thức từ pháp luật, y tế cho đến các thông tin về tình hình văn hóa, xã hội… cho chị em. Thế nhưng vẫn không đủ, hàng trăm buổi nói chuyện dù trong nhà hay ngoài trời, cho hàng ngàn lượt chị em vẫn chỉ là “cưỡi ngựa, xem hoa”. Trước tình hình đó, Hội quyết định tổ chức các lớp sơ cấp lý luận chính trị để các dì, các chị có cơ hội tiếp cận kiến thức nền về cuộc sống”.

Tổ chức lớp đã khó vì phải tìm thời điểm thích hợp, nguồn kinh phí, lên kế hoạch công tác phối hợp, nhưng vận động học viên ra lớp, đảm bảo sĩ số cho từng lớp học còn khó hơn, bởi lớp học với 14 bài lý luận chính trị cơ bản thường kéo dài nhiều tháng. Vừa mở lớp, vừa năn nỉ, tạo mọi điều kiện cho từng học viên theo lớp, học viên mỗi nhà một cảnh, kiến thức nền và khả năng tiếp thu khác nhau… là “thách thức” không nhỏ với Hội và ban tổ chức lớp. “Khó nhưng mang lại lợi ích cho hội viên, cho tổ chức Hội thì tại sao chúng ta chùn bước?” - chị Thành tâm huyết nói - “Khi đối diện cái khó mới chứng tỏ bản lĩnh và năng lực của người cán bộ Hội. Đó cũng là lý do chúng tôi kiên trì trước nhiệm vụ không chút dễ dàng này. Và sẽ tiếp tục theo đuổi trong thời gian tới”. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI