Hiểu đúng về lao động việc nhà để thực thi bình đẳng giới

26/12/2015 - 09:34

PNO - Mỗi ngày, những người sống trong các mái ấm gia đình đều thụ hưởng các giá trị của lao động việc nhà. Nhưng, mấy ai nhận ra, trân trọng công việc này.

Chóng mắt với núi công việc

Chị Lê Như Hạnh, một nữ trí thức ở Q.5, TP.HCM kể về lịch làm việc hàng ngày của chị: 5g sáng dậy, vệ sinh cá nhân, tập thể dục; 6g kém 15, quét nhà, tưới cây, chuẩn bị bữa sáng; 6g30 cho con ăn sáng, đưa các con đi học rồi đến nơi làm việc; chiều tan sở, chị đón con, ghé ngang chợ mua sắm; về tới nhà bắt tay vào nấu nướng, ăn uống, dọn dẹp; rửa bát, ủi quần áo, giám sát con học bài… và tiếp tục làm những việc không tên tới khuya.

Chị cho biết, chồng con cũng phụ một số việc như giặt phơi áo quần, lau cầu thang, sửa đèn, sửa ống nước, bắc nồi cơm, nhưng muốn sạch, đẹp, chị vẫn phải đụng tay vào. Việc chợ búa bếp núc khiến chị không còn thời gian cho bản thân để gặp gỡ bạn bè, sinh hoạt đoàn hội, thậm chí là trò chuyện với chồng con.

Đang loay hoay khuấy nồi cháo trên bếp, chị Lê Thị Tuyết phải nhanh tay tắt lửa, chạy vào phòng ngủ, nơi bà Nguyễn vừa quăng con heo đất bể tan tành trên nền gạch, vừa réo inh ỏi: “Tuyết, Tuyết… Tuyết đâu rồi? Chắc mày tới thì bà mắc tiểu chết quá”. Xoa nhẹ đôi tay bà Nguyễn, chị Tuyết nhỏ nhẹ: “Con đây, bà không chết đâu nhé, phải sống với con cháu chứ!”. Nói rồi, chị dìu bà Nguyễn vào toilet, vừa đi vừa ghẹo cho bà cười.

Chị Tuyết sinh năm 1964, quê ở Thanh Hóa, vào TP.HCM làm nghề giúp việc nhà (GVN) đã 15 năm, đến làm tại nhà bà Nguyễn (P.Tân Phong, Q.7) đã bốn cái tết. Qua hơn 10 gia chủ với đủ thăng trầm, chị Tuyết kể: “Ban đầu cũng gặp người tốt lắm, nhưng rồi cả nhà người ta qua Úc. Đến ở nơi mới, phát hiện cậu con trai gia chủ chơi ma túy, cứ đánh mẹ và chị gái, tôi xin nghỉ ngay. Làm mấy chỗ nữa cũng không ổn, có khi còn suýt mất mạng, tôi đành vào bệnh viện chăm người ốm, tuy cực, nhưng lương cao. Tôi làm được bốn năm, rồi được các con bà Nguyễn mời về”.

Hieu dung ve lao dong viec nha de thuc thi binh dang gioi
Chị Lê Thị Tuyết đang làm việc tại nhà bà Nguyễn

Chúng tôi hỏi: “Bị bà Nguyễn rầy la, đập đồ vậy hoài, chị chịu nổi sao?”, chị cười: “Người lớn tuổi có bệnh trong người thường hay tủi thân, la mắng, giận hờn. Khi giúp việc cho các gia đình khác, tôi từng bị ông chủ sàm sỡ, con trai gia chủ rượt đánh. Có ông chủ kia nhậu say, đánh đấm chưa đã, còn lấy ghế phang, tôi không kịp xỏ dép, chỉ vơ vội túi xách có chứng minh nhân dân của mình rồi chạy biến khỏi nhà đó giữa đêm, bỏ luôn nửa tháng lương”.

Công việc hiện tại của chị Tuyết không nhiều nhưng lắt nhắt suốt ngày đêm, vì bà Nguyễn ngủ vật vờ ban ngày, nhưng đêm lại thức trắng. Vất vả vậy, nhưng cứ mười bữa, nửa tháng, chị được người nhà bà Nguyễn cho 200.000đ, 500.000đ nên ráng làm việc cho tốt.

Lao động việc nhà chưa được coi trọng

Chị Tuyết chỉ là một mảnh đời trong hàng triệu lao động GVN tại TP.HCM hiện nay, hầu hết họ đều là những người từ tỉnh xa đổ về mưu sinh. Khi công việc trong nhà không được coi trọng, thì dù được hợp đồng ăn lương, vị thế của người giúp việc cũng không tương xứng với công sức của họ. Người GVN không được hưởng các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp…

ThS Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Pháp chế (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) nhận định: “Cần nhìn nhận LĐVN như một nghề quan trọng. Hiện nay, người GVN được thuê từ trung tâm giới thiệu việc làm rất ít (đa phần khi thông qua các trung tâm này, họ được tham gia các loại hình bảo hiểm, có hợp đồng lao động). Chủ yếu nguồn lao động này thông qua sự giới thiệu của người thân, bạn bè, người quen… Hiện chúng ta muốn tăng quyền lợi, tăng thù lao, bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho người GVN nhưng lại chưa có giải pháp để nó trở thành một loại hình lao động trong xã hội. Phải có chính sách đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng đặc thù cho công việc lẫn kỹ năng xử lý rủi ro trong nghề nghiệp”.

Hieu dung ve lao dong viec nha de thuc thi binh dang gioi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI