Hiến giọt máu đào, trao hy vọng sống

02/10/2019 - 12:00

PNO - Khi ta cho đi những giọt máu hồng tức là ta đang trao hy vọng về sự sống cho ai đó.

10 năm, 23 lần hiến máu 

Nhìn vóc dáng mảnh mai với trọng lượng chưa đầy 45kg, không ai nghĩ chị Huỳnh Thị Thi Nhân, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi đã lập kỷ lục 23 lần hiến máu trong khoảng 10 năm trở lại đây. 

Với nhiều người, việc tham gia hiến máu chẳng khó khăn gì, nhưng với chị Nhân đó là một sự cố gắng. Là người mẹ đơn thân, cứ đến đợt hiến máu chị Nhân phải dậy từ 4 giờ sáng để lo cơm nước, áo quần cho con, làm vệ sinh chuồng trại cho heo, chở con đi học, rồi mới chạy hơn 20km lên Hội Chữ thập đỏ huyện.

Hien giot mau dao, trao hy vong song

Chị Huỳnh Thị Thi Nhân tham gia hiến máu

Do thể trạng nên mỗi lần chị Nhân chỉ có thể hiến tặng được 250ml máu, tuy nhiên, không phải lần nào cũng thuận lợi. Không ít lần chị bị từ chối vì không đủ sức khỏe. “Ngày trước, gia đình ai cũng ngăn vì sợ tôi không đủ sức khỏe, nhưng tôi vẫn cố gắng chăm sóc tốt bản thân để được tham gia hiến máu. Tôi hiểu mỗi giọt máu cho đi quý giá lắm, có thể cứu sống người nào đó”, chị Nhân bộc bạch.

Để nhiều người biết và hiểu ý nghĩa của việc hiến máu, chị Nhân vận động thêm nhiều người trong xóm, ấp cùng tham gia. Nhiều người ngại đường xa, chị Nhân đến tận nhà chở đi. Thấy chị Nhân tích cực, bà con ai cũng thương quý và làm theo. Cứ đến đợt hiến máu là 5 - 6 người trong xóm lại rủ nhau cùng đi cho xôm tụ. Vài năm trở lại đây, việc hiến máu nhân đạo được tổ chức ngay tại xã nhà nên công tác vận động có phần thuận lợi. “Ngày trước, nhiều người không hiểu hiến máu là như thế nào, nên sợ. Có người thậm chí còn nói mình lo chuyện bao đồng. Còn bây giờ vận động dễ lắm” - chị Nhân nhìn nhận.

Chị Võ Thị Oanh Kiều - Chủ tịch Hội LHPN xã Trung Lập Thượng - cho biết: “Tôi biết và quý chị Thi Nhân. Chị luôn suy nghĩ và chia sẻ với mọi người xung quanh. Mỗi đợt hiến máu, tôi lại thấy chị chạy đi chạy lại hai ba lần, mỗi lần đi chị lại chở thêm một người đến tham gia hiến máu”. Chị Nhân giải thích: “Nhiều người cũng có tấm lòng, muốn tham gia nhưng điều kiện đi lại khó khăn, không có xe… thì mình chở đi. Giờ điểm hiến máu dời về xã rồi, đi lại cũng gần”.

Nếu hơn 10 năm trước, trong ấp chỉ có một, hai người thì nay mỗi đợt hiến máu có đến vài trăm người tham gia. Riêng phần mình, chị Nhân vẫn đều đặn trao đi những giọt máu quý giá và vận động thêm nhiều người cùng tham gia hiến máu. Riêng trong gia đình chị, chị đã vận động cả chục người tham gia. 

Hiến tặng đến khi nào không lấy được nữa thì thôi!

Nhắc lại chuyện tham gia hiến máu, chị Trần Thị Mỹ Hạnh, xã Nhuận Đức, H.Củ Chi, đỏ hoe mắt nhìn về phía xa. Cách đây hơn 20 năm, khi bà Út của chị bị bệnh và thiếu một lượng máu lớn. Người thân trong gia đình, ai cũng không đủ điều kiện hiến máu ngoại trừ chị. “Lúc đó tôi chưa biết hiến máu là gì, nhìn y tá cầm cây kim tiêm là tôi đã sợ rồi, nhưng thương bà, tôi nhắm mắt...”.

Sau lần ấy, chị Hạnh vẫn tiếp tục tặng máu cho bà thêm vài lần nữa. Từ đó, chị hiểu được những giọt máu cho đi có thể cứu sống người khác, nên khi nghe xã vận động tham gia hiến máu, chị Hạnh tình nguyện đi đầu. “Cho đến tận bây giờ vẫn vậy, nghe tin tổ chức hiến máu là trong lòng tôi háo hức. Tôi sẽ hiến tặng máu đến khi nào không lấy được nữa thì thôi” - chị Hạnh vui vẻ.

Hien giot mau dao, trao hy vong song
Chị Hạnh (phải) luôn là người sau cùng tham gia hiến máu

Nhớ lại, khi trao đổi với chồng về việc tham gia hiến máu, chồng chị một mực không cho.Sau vài lần lẳng lẳng đi rồi mới “báo cáo”, chị Hạnh mới được chồng vui vẻ đồng tình. 20 năm qua chị Hạnh đã tham gia hiến máu khoảng 45 lần. Không chỉ bản thân mà con gái, con rể chị cũng đã nhiều lần tham gia hiến máu.

Rôm rả và vui tính, hầu hết các đoàn y bác sĩ về xã tổ chức hiến máu, ai ai cũng biết chị Hạnh. Mọi người ví von: “Thấy có bà ngoại xì tin ở đây là yên tâm rồi”. Chị Hạnh luôn là người đầu tiên có mặt, chạy tới chạy lui thăm hỏi, kể chuyện hoạt náo. Bà con trong xóm chưa có mặt là chị gọi điện nhắc. Lo xong cho mọi người, chị là người hiến máu sau cùng.

Cứ tính mỗi lần hiến ở mức tối thiểu 250ml thì đến nay chị Huỳnh Thị Thi Nhân đã hiến gần 6 lít máu, còn chị Trần Thị Mỹ Hạnh đã hiến hơn 11 lít. Máu của họ chắc chắn đã cứu mạng sống của nhiều người. Họ xứng đáng là những anh hùng. n

Nhóm hiến máu nhân đạo xung kích

Từ những người có tấm lòng thiện nguyện tham gia hiến máu nhân đạo tại địa phương, Hội LHPN xã Nhuận Đức, H.Củ Chi vận động và thành lập “Nhóm hiến máu nhân đạo xung kích” của Chi hội ấp Bàu Cạp. 

Nhóm được thành lập từ tháng 3/2018 với 4 thành viên, chị Trần Thị Mỹ Hạnh là nhóm trưởng. Ngoài chị Hạnh, các thành viên khác trong nhóm cũng có “thành tích” hiến máu từ 10 đến 20 lần. Tuy chỉ là những người phụ nữ nông thôn mộc mạc chân quê, làm nông, nội trợ, làm công nhân nhưng đến mỗi đợt hiến máu, các chị không ngại nghỉ làm vài giờ để tham gia.

Cứ vậy, đến mỗi đợt hiến máu, chị Hạnh lại nhắc các thành viên và vận động thêm gần 100 tình nguyện viên tham gia.


Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI