Hãy là người nội trợ thông minh

25/10/2019 - 18:00

PNO - “Bây giờ đi đâu cũng nghe, cũng thấy thực phẩm bẩn, thực phẩm có tẩm hóa chất và dư lượng thuốc thực vật… Mà không ăn thì không được, nên đành nhắm mắt”

Chuyện cũ còn mới

Hàng loạt thông tin liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), thực phẩm bẩn, hàng gian, hàng giả… đã khiến người tiêu dùng lo lắng. Mỗi ngày ra chợ, các bà nội trợ cũng “đau đầu” vì không biết mua gì, ăn gì, không biết chọn lựa thực phẩm nào cho an toàn. Chị Thanh Lan, ở H.Củ Chi, TP.HCM, ngao ngán: “Giờ ăn gì cũng vậy, chỗ nào cũng nghe người ta nói về thực phẩm có dư lượng thuốc tăng trưởng, tẩm hóa chất, mà không ăn thì không được nên cứ nhắm mắt làm ngơ vậy thôi”.

Chị Bùi Thị Thiết, ở Q.Gò Vấp, cũng nơm nớp lo sợ, bởi suốt 35 năm qua, chế độ dinh dưỡng cho chồng, con và bây giờ là cho các cháu, đều một tay chị đảm trách. “Tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ, tôi được nghe tuyên truyền về VSATTP, tôi rất lo thực phẩm không an toàn có thể xuất hiện trong bữa ăn hằng ngày của gia đình mà mình không biết”, chị Thiết nói. 

Hay la nguoi noi tro thong minh
Bì heo được chế biến rất mất vệ sinh

Tại một cuộc sinh hoạt của Hội gần đây, khi được hỏi về VSATTP, như được “gãi đúng chỗ ngứa”, các bà nội trợ đã thi nhau “tố”, và câu chuyện “rau hai luống” lại được mang ra mổ xẻ. Đó là chuyện người ta trồng riêng một luống để ăn và một luống để bán. Luống để ăn tuy không mướt mát nhưng đảm bảo không phun thuốc, còn luống để bán thì ngược lại. Người ta còn phun xịt cả thuốc không nhãn mác, hôm nay xịt - ngày mai bán.

“Có nơi còn trồng “rau ba luống”, một luống để ăn, một luống để bán ra chợ và một luống để bỏ vào các siêu thị”, một bà nội trợ cho biết. Câu chuyện khiến ai cũng rùng mình và tự hỏi: phải chăng vì lợi nhuận mà chúng ta đang giết hại nhau, hại cả thế hệ con cháu mình.

Thực phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh trước mắt là gây ngộ độc đối với người ăn và lâu dài sẽ gây nhiều loại bệnh, đặc biệt là ung thư. Tại một hội thảo về sức khỏe và an toàn vệ sinh thực phẩm với cộng đồng do Hội LHPN Việt Nam tổ chức chưa lâu, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế đã công bố: có tới 51% vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở gia đình. Còn theo Hiệp hội ung thư Việt Nam, nguyên nhân hàng đầu và chiếm đến 40% trong số các yếu tố gây bệnh ung thư là thực phẩm bẩn. Căn cứ vào một cuộc điều tra dịch tễ, Hiệp hội ung thư thế giới cho biết, có khoảng 35% số ca ung thư bắt nguồn từ thực phẩm chứa các chất độc hại gây ra sự đột biến tế bào ở con người. 

Tất nhiên, thực phẩm bẩn không sinh bệnh trong ngày một ngày hai mà phải qua quá trình dài lâu và tùy thuộc việc hấp thụ vào cơ thể lượng thực phẩm độc hại nhiều hay ít. 

Hay la nguoi noi tro thong minh

Xác định thực phẩm sạch và thực phẩm bẩn quả là một thách thức

Thực phẩm bẩn được xác định là rau củ có dư lượng thuốc thực vật, thịt có chứa chất tăng trọng, chất tạo nạc, chất kích thích tăng trưởng. Những loại thức ăn được chế biến sẵn qua chiên xào hiện cũng không đáng tin cậy, bởi dầu mỡ dùng để chiên xào được sử dụng nhiều lần, đã bị biến chất.

Lời khuyên cho các bà nội trợ

Quả là rất khó để đảm bảo VSATTP một cách tuyệt đối cho những bữa cơm gia đình hiện nay khi mà thực phẩm không an toàn đang tràn lan. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều bà nội trợ thì để giảm thiểu nguy cơ ăn phải thực phẩm không an toàn, chúng ta nên mua thực phẩm ở những địa chỉ quen biết, đáng tin cậy; mua thịt còn tươi, dẻo và có độ đàn hồi, mua cá đang bơi và tôm đang nhảy. Dù bận mấy cũng cố gắng tự trồng rau xanh trong vườn nhà hoặc trong các thùng xốp. 

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc - Phó ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - khuyên các bà nội trợ, nên mua sản phẩm ở những địa chỉ uy tín, hàng hóa có nguồn gốc. Tránh mua hàng hóa bán trôi nổi, giá trẻ, đại trà, hàng bán ở lề đường, dễ có nguy cơ bị ô nhiễm từ khói bụi. Những sản phẩm được đóng gói phải xem hạn sử dụng. Chị em cũng nên chọn mua thực phẩm theo tiêu chí “mùa nào thức nấy”, vừa rẻ lại vừa đảm bảo chất lượng, vì “nuôi trồng trái mùa” thường phải can thiệp, nên có nguy cơ cao về dư lượng thuốc thực vật có hại cho sức khỏe.

Thạc sĩ - bác sĩ Lê Thị Hải (Viện Dinh dưỡng quốc gia), từng khuyên chị em: “Không mua hàng không có nguồn gốc, những thực phẩm chế biến sẵn phải có nhãn mác, địa chỉ nơi sản xuất, có số điện thoại, có hạn sử dụng rõ ràng. Tốt nhất nên mua hàng của các công ty có uy tín, có thương hiệu. Hiện nay, nhiều loại hàng hóa có thể truy xuất nguồn gốc, chị em nên mua những loại đó”. 

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc cũng cho rằng, thực phẩm khi mua về cần sơ chế, nấu nướng và sử dụng ngay. Đừng chủ quan coi chiếc tủ lạnh là nơi chứa đựng, bảo quản thực phẩm tốt nhất. Tủ lạnh phải được định kỳ làm vệ sinh tránh để vi khuẩn, vi trùng phát sinh. Thức ăn và thực phẩm không nên bảo quản quá lâu trong tủ lạnh. 

Hay la nguoi noi tro thong minh

Nên mua rau củ theo mùa

Bà Vũ Trần Thị Đoan - chuyên viên khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế Q.Tân Phú - phê bình: nhiều bà nội trợ đã có những thói quen không tốt như vuốt tóc, gãi đầu, ho, hắt xì… trong quá trình chế biến hay đứng bán thức ăn. Những thói quen ấy vô tình gây ô nhiễm và không đảm bảo VSATTP. 

“Để bếp ăn gia đình cũng như bếp ăn hàng quán được an toàn, cần đảm bảo các điều kiện kinh doanh, bảo quản thực phẩm đúng cách, thực phẩm phải được nấu chín ở nhiệt độ sôi vài phút, giữ ở nhiệt độ đông lạnh hoặc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, đảm bảo chọn mua thực phẩm an toàn” - bà Đoan nói.

Thiên Ân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI