Hai phụ nữ sống trong tột cùng cơ cực đón nhận niềm vui

26/06/2019 - 07:18

PNO - Tai ương dồn dập đến với gia đình khiến hai người phụ nữ nghèo vùng biên giới Đắk Nông không còn nước mắt để khóc. Nhưng hôm nay, họ không sao ngăn được giọt nước mắt của hạnh phúc khi được sẻ chia.

Dồn dập tai ương

Bồng đứa con nhỏ 16 tháng tuổi đang khóc ngằn ngặt vì đói, chị Triệu Thị Lan (29 tuổi, ngụ thôn Đắk Thốt, xã Thuận Hà, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông) đi nhanh về mé chái bếp cời lại mớ than vùi mấy củ khoai lang. Đó cũng là bữa ăn sáng cho cả gia đình.

Hai phu nu song trong tot cung co cuc don nhan niem vui
Trao tặng mái ấm tình thương cho gia đình bà Vũ Thị Thúy

Đứa con trai đầu của chị, cháu Đặng Phúc Hùng, tám tuổi, ngồi trên chiếc giường nơi góc tối, cố giấu đôi chân vào tấm chăn để trốn gió lạnh luồn qua vách, mắt lơ đễnh nhìn theo mẹ. Từ lúc sinh ra, Hùng đã thường xuyên đau ốm nên chỉ quẩn quanh nơi góc nhà. Lâu lâu, Hùng ngóng lên nhìn tấm ni-lông vá víu vỗ phành phạch vào mái tôn mục nát làm vui.

Ngoài sân, bóng nắng đổ dài. Anh Đặng Hữu Lâm, chồng chị Lan, lum khum bê mớ củi khô vào bếp rồi ngồi thở dốc. Sức khỏe của anh đã suy giảm nhiều sau tai nạn thập tử nhất sinh.

Hơn một năm trước, vợ chồng chị Lan đi làm thuê (bốc xếp) trên chiếc xe cải tiến. Khi đang xuống dốc, thay vì đạp thắng lái xe lại đạp nhầm sang ga, xe lao vun vút, hai vợ chồng cùng nhảy khỏi xe. Chồng bị chấn thương sọ não, còn chân vợ bị gãy làm mấy đoạn. Để có tiền chữa bệnh, chị Lan vay mượn khắp nơi. Vài sào tiêu của gia đình hơn năm qua gần như bị bỏ mặc vì mất giá, chị Lan đi làm thuê làm mướn. 

Nhưng “họa vô đơn chí”, mới đây trên đường lên rẫy, chị lại bị tai nạn giao thông. Vết thương cũ chưa kịp lành giờ lại gãy thêm đoạn mới.

Ở xã bên, gia đình bà Vũ Thị Thúy và ông Trần Văn Phê cũng lâm vào hoàn cảnh bi đát không kém. Gần 40 năm trước, vợ chồng họ từ Ninh Bình chuyển vào sinh sống tại thôn Thuận Bắc, xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song sinh sống với hy vọng có đủ cái ăn cho ba con nhỏ và dựng được căn nhà tạm làm nơi che nắng, che mưa. Rồi những đứa con lớn lên, lấy vợ lấy chồng và lập kế sinh nhai cũng bằng nghề làm thuê làm mướn. 

Với bà con ở thôn Thuận Bắc, cái “đổi thay” lớn nhất ở gia đình bà Thúy là căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Còn sự “ổn định” rõ nét nhất chính là căn bệnh tiểu đường của bà Thúy ngày càng nặng và đang sinh ra nhiều biến chứng. Bà Thúy không rõ vì sao miệng mình cứ méo lệch một bên, dù đang khóc hay đang cười. 

Đã hơn bốn năm, từ dạo ông Phê bị liệt do tai biến, bà Thúy chưa một lần vui. Thế giới của ông Phê giờ là chiếc giường thấp mùng luôn giăng kín trong gian buồng có ô cửa sổ thường đóng chặt. Hằng ngày, sau khi thuốc thang cho chồng xong, bà Thúy lại lao ra rẫy. Những ngày nắng bà tạm an lòng. Nhưng lúc mưa gió về thì bà không đủ sức chống lại nước mưa tuôn từ mái nhà.

Hai phu nu song trong tot cung co cuc don nhan niem vui

Bà Vũ Thị Thuý đang nói lời cảm ơn nhà tài trợ

 

Bà Phan Thị Tốt - Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh - cho biết: “Hiện tại địa phương có khoảng 200 gia đình thuộc diện hộ nghèo như gia đình bà Thúy, trong đó quá nửa rơi vào các gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân”. 

Hạnh phúc được nhân lên 
Ngày 24/6, Báo Phụ Nữ TP.HCM phối hợp cùng Công ty TNHH Thuốc thú y - Thủy sản Mebipha (đơn vị tài trợ 60 triệu đồng) tổ chức khởi công xây dựng mái ấm tình thương cho gia đình chị Triệu Thị Lan, đại diện chính quyền xã Thuận Hà nói ngắn gọn: “Vô cùng ý nghĩa”. Căn nhà được xây mới rộng 36m2, tường gạch, mái tôn, nền gạch men sẽ sớm được hoàn thành trong tháng Bảy tới để gia đình chị Lan an cư. 

Dịp này, Báo Phụ Nữ cũng phối hợp cùng Viethouse Foundation (đơn vị tài trợ) bàn giao mái ấm tình thương cho gia đình bà Vũ Thị Thúy. “Căn nhà tình thương trị giá 65 triệu đồng, lớn nhất từ trước đến giờ. Có được số tiền như thế để xây nhà, đối với hộ nghèo nhiều năm như gia đình bà Thúy, may ra chỉ có trong giấc mơ. Đây là mái ấm tình thương đẹp đẽ và khang trang nhất tại địa phương” - bà Phan Thị Tốt nhấn mạnh.

UBND xã Thuận Hạnh cho biết, 2019 là năm cuối cùng để địa phương thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hiện xã đã đạt 17/19 tiêu chí, cố gắng hết sức thì đầu năm 2020 sẽ đạt. Tuy nhiên, ba tiêu chí còn lại: tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập và nhà ở là cực kỳ khó khăn. Cho nên mái ấm tình thương mà Báo Phụ Nữ và các nhà tài trợ trao cho gia đình bà Thúy hôm nay vừa mang ý nghĩa nhân văn, lại vừa có ý nghĩa chính trị lớn với địa phương. 

Đại úy Nguyễn Việt Hà - Chính trị viên, Phó đồn Biên phòng Đắk Tiên - cũng cho biết, sẽ cử người giám sát và hỗ trợ công sức trong quá trình xây nhà cho gia đình chị Lan để công trình đạt chất lượng cao nhất. 

Hai phu nu song trong tot cung co cuc don nhan niem vui

Khởi công xây mái ấm tình thương cho gia đình chị Triệu Thị Hà

 

Cũng thế, Trung tá Trần Văn Hân - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Song, đơn vị đã đồng hành trong quá trình xây nhà tình thương cho bà Thúy - báo cáo, đang vào mùa mưa, nhưng các cán bộ chiến sĩ biên phòng không ngại khó khăn, đã hỗ trợ nhiều ngày công giúp căn nhà được hoàn thành đúng tiến độ, đẹp và đảm bảo bền, chắc. 

Ông Phan Đình Huy, đại diện đơn vị tài trợ, cho biết: “Căn nhà trao tặng gia đình bà Thúy là căn nhà thứ chín mà Viethouse Foundation cùng Báo Phụ Nữ phối hợp thực hiện ở nhiều tỉnh, thành. Giúp đỡ người, dù là nhỏ nhưng là sự biểu hiện của tình thương và sự sẻ chia. Ai cũng muốn đóng góp vào chuyện lớn, nhưng khi chưa làm được những điều lớn lao thì hãy hài lòng với những việc như thế này”. 

Trung tá Trần Văn Hân - Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Song:
Biết là vất vả nhưng cũng là niềm vui. Khẩu hiệu của chúng tôi là “mỗi người dân là một cột mốc sống”, cho nên dù tình hình địa bàn có phức tạp, nhưng chúng tôi được nhân dân giúp đỡ, nhận được nhiều tin báo từ nhân dân giúp giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị. Chúng tôi mong Báo Phụ Nữ cùng các đơn vị tài trợ tiếp tục quan tâm, đồng hành và có nhiều chương trình ý nghĩa để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho dân nghèo vùng biên giới, góp phần cùng lực lượng bộ đội biên phòng giữ vững chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

Bà Tạ Thị Nam Hồng - Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM:
Dự án Biên cương xanh thực hiện từ năm 2015 đến nay đã bước sang giai đoạn hai, góp phần tạo nên đường biên thân thiện giữa nhân dân hai nước, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, hỗ trợ người dân vùng khó khăn. Chúng tôi mong gia đình chị Lan, chị Thúy sẽ có thêm nhiều nghị lực để cải thiện cuộc sống ngày một tốt hơn.

TỪ NHÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI