Giải pháp bảo vệ môi trường: Xin đừng hô hào nữa!

04/11/2019 - 18:00

PNO - “Nghĩ về môi trường của TP.HCM và đất nước mình, tôi thật sự lo lắng. Chúng ta chỉ hô hào mà không có biện pháp cụ thể. Tôi xin các vị hãy tập trung biện pháp để giữ gìn môi trường chứ đừng hô hào nữa!”

“Nghĩ về môi trường của TP.HCM và đất nước mình, tôi thật sự lo lắng. Chúng ta phần lớn chỉ hô hào mà không có biện pháp cụ thể. Tôi xin lỗi chính quyền, xin các vị hãy tập trung biện pháp để giữ gìn môi trường chứ đừng hô hào nữa!” - phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe - Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn KOVA - phát biểu tại hội nghị “Khoa học, công nghệ với bảo vệ môi trường” do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức sáng 2/11 tại Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM. 

Nhiều nghiên cứu có tính thực tiễn 

Hội nghị khẳng định tại Việt Nam nói chung và khu vực TP.HCM nói riêng hiện đang tồn tại quá nhiều vấn đề về môi trường, nhất là công tác quy hoạch và xử lý nước thải. Nhiều nhà khoa học cho biết, tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt còn khá thấp, ngay tại TP.HCM tỷ lệ này mới chỉ đạt 13% tổng lượng nước thải phát sinh. Bên cạnh đó, rác thải từ đồ dùng nhựa, túi ni-lông đang tấn công môi trường với khối lượng khổng lồ. Do đó, cần có giải pháp xử lý hiệu quả.

Giai phap bao ve moi truong: Xin dung ho hao nua!
Môi trường nước, đất và không khí ở nước ta đang bị ô nhiễm nặng nề.

Trong 29 báo cáo khoa học của các nhà khoa học nữ có đến 19 nghiên cứu có tính ứng dụng về sử dụng công nghệ để bảo vệ môi trường. Nhiều nghiên cứu đã được triển khai ứng dụng thành công trong thực tiễn. Thạc sĩ Đỗ Thị Diễm Thúy (Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM) cho rằng, TP.HCM cần tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ lựa chọn hợp lý. Phải nghiên cứu phương thức tiếp cận phù hợp nhằm vận động người dân, doanh nghiệp đồng hành thực hiện. Bên cạnh đó, để triển khai đồng bộ việc quản lý chất thải rắn từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý, cần nghiên cứu áp dụng mô hình thu gom, tập kết rác tập trung phù hợp cho từng khu nhà, cụm công trình để đảm bảo vệ sinh môi trường; nghiên cứu mô hình tái chế, ưu tiên thu gom tái chế rác thải nhựa…

Nhóm nữ tác giả đến từ khoa Kỹ thuật hóa học và Môi trường, Trường đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) đã đem đến hội nghị một kết quả nghiên cứu khoa học rất khả thi - đó là việc biến bùn lấy từ hệ thống xử lý nước thải của nhà máy chế biến gia cầm thành phân hữu cơ (đạt yêu cầu về chất lượng theo Nghị định 108/2018 của Chính phủ) bằng cách đem ủ cùng rơm rạ trong 20 ngày.   

Bằng nghiên cứu của mình, nhóm các nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm CARE - Trường đại học Bách khoa TP.HCM, đã khuyến nghị thành phố có chính sách hợp lý để khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước với công suất khoảng 1,5 triệu m3/ngày. Điều này sẽ giúp thành phố giảm thiểu ngân sách, chủ động được nguồn nước khai thác trong những ngày hạn hán, giảm thiểu sự phụ thuộc của việc cấp nước từ các hồ đầu nguồn như Trị An, Dầu Tiếng, giảm thiểu ô nhiễm nước ngầm, nước mặt và giảm chỉ số áp lực khai thác nguồn nước ngọt dưới 20%.

Tại tọa đàm, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện Môi trường và Tài nguyên Đại học Quốc gia TP.HCM cùng các cộng sự đã giới thiệu quy trình xử lý dư lượng chất kháng sinh trong nước thải bệnh viện bằng công nghệ Plasma nhiệt 
độ thấp… 

"Nghĩ về môi trường của đất nước mình, tôi thật sự lo lắng"

PGS-TS Nguyễn Thị Hòe - Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn KOVA - bước lên sân khấu và xin lỗi vì đến hội nghị mà không kịp viết báo cáo khoa học. Lý do vì bà quá bận với việc nghiên cứu, tổ chức, điều hành quy trình sản xuất áo chống đạn, sơn chống đạn sao cho không gây ô nhiễm, cụ thể là nguồn nước thải từ các công đoạn ấy có thể nuôi cá và trồng rau. Cả khán phòng vỗ tay tán thưởng. 

Nhà khoa học kỳ cựu, cánh chim đầu đàn của các nhà khoa học nữ Việt Nam tiếp tục khẳng khái: “Không bàn cãi nữa! Đến thời điểm này, phụ nữ phải tiên phong trong bảo vệ môi trường bằng khoa học công nghệ. Chúng tôi ứng dụng khoa học để làm giàu. Sự giàu có chính đáng này khiến chúng tôi trân trọng, giữ gìn môi trường hơn bao giờ hết. Chỉ mong những đóng góp của chúng tôi về môi trường sẽ được chính quyền thành phố và đất nước nhìn nhận, không chỉ qua các cuộc hội thảo mà cần có những động thái hỗ trợ chính xác, kịp thời”.

Rồi bà thiết tha: “Nghĩ về môi trường của TP.HCM và đất nước mình, tôi thật sự lo lắng. Chúng ta phần lớn chỉ hô hào mà không có biện pháp cụ thể. Có luật, có quy định mà không xử phạt. Quy định mức phạt lại nhẹ như… phủi bụi, không kiên quyết thì cũng như không. Ở các nước trong khu vực, như Singapore, nếu vứt rác ra đường bị phạt 100 USD, khạc nhổ bừa bãi bị phạt đến 200 USD. Trên đường phố Malaysia tôi nhìn thấy rất nhiều cảnh sát giao thông quét đường, nhặt rác bỏ vào thùng. Tôi xin lỗi chính quyền, xin các vị hãy tập trung biện pháp để giữ gìn môi trường chứ đừng hô hào nữa!”.

Giai phap bao ve moi truong: Xin dung ho hao nua!
Trồng cây là một trong nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường sống.

Tại báo cáo về “Phòng chống hành vi vi phạm pháp luật môi trường của Công an TP.HCM, thực trạng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả”, PGS-TS Trương Thị Hiền - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM - đã dẫn kết quả quan trắc cho thấy: chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, ô nhiễm không khí trên địa bàn TP.HCM thường xuyên vượt quy chuẩn, không khí có nồng độ các chất ô nhiễm cao nhất với 99% số liệu bụi lơ lửng, 100% số liệu ồn vượt quy chuẩn và luôn có xu hướng tăng so với 9 tháng đầu năm 2018. Trong khi, kết quả nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ ung thư phổi xuất hiện nhiều hơn ở các vùng có mức độ ô nhiễm không khí cao. Theo đó, mỗi năm Việt Nam ghi nhận hơn 20.000 người bị ung thư phổi (bình quân mỗi ngày có 56 người), trong đó có 17.000 người đã tử vong. Dự báo đến năm 2020 sẽ có tới 34.000 mắc bệnh mỗi năm.  

Trong lúc bảo vệ môi trường đang là việc hết sức cấp bách thì các quy định pháp luật, đặc biệt là luật hình sự về bảo vệ môi trường lại còn quá nhiều lỗ hổng, không có chế tài buộc ngừng sản xuất kinh doanh hoặc giải thể pháp nhân đối với tổ chức vi phạm, hoặc cấm vĩnh viễn hoạt động sản xuất, gây thiệt hại môi trường mà chỉ thu hồi giấy phép một số hoạt động vi phạm và có thời hạn từ 1 - 3 năm. Việc kiểm tra còn chồng chéo và thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng khiến doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ngày càng giỏi đối phó chứ không vì môi trường. Các vi phạm vì thế cũng không được xử lý triệt để. 

Tình cảm giới trong bảo vệ môi trường

"Không còn nghi ngờ gì nữa, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. 

Chúng tôi muốn đưa tiếng nói của các nhà khoa học nữ về những vấn đề đã nghiên cứu để ứng dụng vào việc bảo vệ môi trường. Không chỉ nhà khoa học nữ mà còn cả nhà quản lý nữ cũng sẽ hưởng ứng và đồng hành, làm sao nghiên cứu khoa học - chuyển giao công nghệ để phát triển kinh tế xã hội, nhưng cũng đồng thời bảo vệ môi trường. Các nhà khoa học nữ phải đồng hành cùng xã hội, làm cho xã hội văn minh hơn, xanh và sạch hơn.

Đây còn là cách thể hiện tình cảm giới, sự đồng cảm, chia sẻ những khó khăn của giới một cách thiết thực nhất, bởi nhóm bị tổn thương đầu tiên và chịu thiệt thòi hơn cả do biến đổi khí hậu chính là phụ nữ và trẻ em".

GS-TS Phan Thị Tươi - Phó chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam

Hy vọng hội nghị sẽ tìm ra giải pháp và công nghệ để giải quyết các vấn đề về môi trường

Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cho biết, các giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức và kỹ năng thực hành cho cộng đồng trong bảo vệ môi trường là những nội dung hết sức thiết thực và có ý nghĩa đối với cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Những ý tưởng hay, những công nghệ khả thi sẽ giúp thành phố giải quyết những tồn tại, cũng như phát huy những giải pháp tốt để thực hiện mục tiêu cùng chung tay bảo vệ môi trường. 

Ông Liêm cũng bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ tìm ra giải pháp và công nghệ để giải quyết các vấn đề rác thải, tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt và sản xuất; phủ xanh khu dân cư đô thị, tạo vật liệu xây dựng, năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; chống ô nhiễm đất, nước, không khí, tiếng ồn; chống ngập, khắc phục triều cường; sản xuất bao bì thay thế túi ni-lông nhằm hạn chế rác thải nhựa; ứng dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất nhằm hướng tới sản xuất sạch.

Nghi Anh  

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI