Gặp người khai sinh học bổng của Hội

14/08/2015 - 14:00

PNO - Những ngày này, học sinh (HS) các cấp bắt đầu bước vào năm học mới, dì Mai, lại tất bật vận động, chăm lo học bổng cho HS, sinh viên.

Gap nguoi khai sinh hoc bong cua Hoi
Dì Lý Kim Mai - Người khai sinh học bổng của hội

 Dì Lý Kim Mai Chủ tịch Hội Khuyến học Q.5 (TP.HCM) (được gọi thân mật chế Mai, má Mai) chính là người khai sinh ra chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK) của hệ thống Hội Phụ nữ TP.HCM 26 năm về trước.

Vóc người nhỏ nhắn, áo vải hoa giản dị, chiếc túi nhựa trên tay, dì Mai thoăn thoắt đi - về. Ở dì vừa toát lên nét cởi mở, chân tình của người cán bộ phong trào, vừa có nét dịu dàng, chừng mực của một cô giáo, nhưng vẫn phảng phất nét rắn rỏi của người từng có hơn 10 năm hoạt động bí mật giữa nội thành Sài Gòn thời kháng chiến.

Ngày mai 15/8, dì Mai sẽ là nhân vật giao lưu trong chương trình tổng kết 25 năm học bổng NTMK của Hội LHPN TP.HCM. Những năm cuối thập kỷ 80, đời sống người dân còn khó khăn lắm. Bản thân dì khi đó là Chủ tịch Hội LHPN Q.5 nhưng cũng chỉ mang đôi dép nhựa, nhưng dù sao, dì còn có lương tháng. Trong khi đó, cán bộ Hội ở chi hội, tổ hội đã nghèo khó lại không có đồng trợ cấp nào. Họ phải lo cái ăn cho gia đình, lo cái chữ cho con cái.

 Muốn động viên chị em nhiệt tình làm công tác Hội, dì Mai nghĩ đến hình thức học bổng khuyến học cho con em cán bộ Hội, nhằm đỡ gánh nặng học phí.

Năm 1989, chương trình học bổng dành cho con em cán bộ Hội ra đời. Chị em trong ban thường vụ Quận Hội họp, nhất trí lấy tên Nguyễn Thị Minh Khai, người nữ cán bộ phụ vận đầu tiên của Sài Gòn - Gia Định, làm tên chương trình học bổng. Ban đầu, dì Mai vận động tiểu thương các chợ Kim Biên, An Đông, Soái Kình Lâm... được trên 50 suất học bổng, mỗi suất chỉ 500.000đ.

Từ năm 1990 đến nay, chương trình học bổng NTMK được nhân rộng ra nhiều quận, huyện của TP.HCM.

Hàng chục năm đi vận động tiền giúp người nghèo khó, giờ ở tuổi 72, dì Mai vẫn miệt mài gõ cửa các nhà hảo tâm. Có người nhắc dì nghỉ ngơi, nhưng dì nghĩ “còn sức khỏe là còn làm”. Dì nói: “Cha tôi là lương y, chữa bệnh cứu người cho đến tận ngày nhắm mắt. Nay tôi còn trẻ khỏe, con gái đi dạy, cháu ngoại đi học, đâu có bận rộn gì. Còn nhiều người cần mình, nên mình phải tiếp tục công việc thôi”.

Hiếu Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI