Gặp khó là... có cần câu

23/11/2018 - 11:30

PNO - Trao phương tiện làm ăn là hoạt động được Hội LHPN TP.HCM đẩy mạnh thực hiện trong năm 2018, giúp nhiều phụ nữ vươn lên thoát nghèo.

Phấn khởi cùng xe cháo lòng

Gần ba tháng nay, tiệm nước giải khát, dừa tươi kèm xe cháo lòng của hai chị em Phan Thị Kim Loan và Phan Thị Anh ở tổ 1, khu phố Phước Hiệp, P.Trường Thạnh, Q.9, TP.HCM đông khách hẳn “nhờ có cái xe Hội cho”, theo lời chị Loan khoe.

Trước đây, chị Loan làm công nhân may, còn chồng đi phụ việc trong tiệm cắt tóc. Mấy năm nay, cả vợ lẫn chồng đều bị thoái hóa khớp gối, thoát vị đĩa đệm nặng, đi lại rất khó khăn nên đành ở nhà, trong khi con gái út đang học lớp 11.

Chị Loan gắng gượng phụ em gái bán nước mía, dừa tươi, mỗi ngày được 50.000 - 100.000 đồng. Quán trước nhà, ngay trên đường Lã Xuân Oai, xe cộ qua lại nhiều nhưng khách ghé hỏi “có gì ăn không”, thấy lắc đầu là đi. Vài người gợi ý bán thêm thức ăn sáng, chị Loan ngậm ngùi: “Không có vốn”. 

Gap kho  la... co can cau
Thu nhập của gia đình chị Lê Thị Bạch Mai (P.3, Q.8) đã tăng so với trước đây nhờ được Hội LHPN TP.HCM tặng máy vắt sổ.

Bản thân cũng chật vật chắt chiu từng đồng nên chị Anh không giúp được gì cho chị gái. Thấu hiểu hoàn cảnh này, đầu tháng Chín vừa qua, Hội LHPN TP.HCM đã trao tặng một xe đẩy cho chị Loan, Hội LHPN P.Trường Thạnh cũng giới thiệu chị vay 10 triệu đồng làm vốn. Do nhu cầu thực tế ở địa phương, chị Loan quyết định nấu cháo lòng, mỗi ngày bán được 30 - 40 tô và mấy chục trái dừa tươi.

Chị Loan chia sẻ: “Vợ chồng tôi dậy nấu cháo từ 2g sáng, tuy vất vả mà vui. Thu nhập đang khá lên từng ngày. Một thời gian nữa, khách quen chỗ, chắc tụi tôi cũng bán được 50 - 60 tô cháo/ngày”. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Hiền - Chủ tịch Hội LHPN P.Trường Thạnh - phấn khởi: “Thỉnh thoảng, cán bộ, hội viên trong phường rủ nhau qua ăn ủng hộ chị Loan. Cái quán hồi trước buồn hiu, giờ sáng sủa, đông vui lắm. Trước đây, sức khỏe yếu, không ra ngoài làm được, anh Thành (chồng chị Loan) hay buồn bực, khép kín, giờ có xe cháo, thấy anh lui cui phụ vợ và đã cười nhiều, chúng tôi rất mừng. Mong rằng, từ sự hỗ trợ này của hội, vợ chồng chị Loan sẽ có cuộc sống khấm khá hơn”.

Nhẹ gánh nhờ máy vắt sổ, xe nước mía

Hai tháng nay, căn nhà nằm cuối hẻm nhỏ đường Tạ Quang Bửu, P.3, Q.8, TP.HCM luôn đều đặn phát ra âm thanh lạch xạch của chiếc máy vắt sổ. Trên sàn nhà, cạnh chiếc máy là những đống quần áo vừa vắt sổ xong. "Từ ngày được hội phụ nữ hỗ trợ máy này, em không còn phải dùng chiếc máy may cũ mượn từ chủ. Hàng làm ra nhiều hơn lại đỡ tốn sức hơn" - chị Lê Thị Bạch Mai hồ hởi khoe. 

Gap kho  la... co can cau
Dì Vưu Thị Mai (thứ ba từ phải sang) vui mừng trong ngày nhận được xe nước mía do Hội Phụ nữ trao tặng.

Chị Mai làm công nhân may ở Q.Thủ Đức, TP.HCM, chồng làm phụ hồ, thu nhập bấp bênh. Cha mẹ chồng chị Mai già yếu, hai em chồng thì một đi học, một bị khuyết tật. Vừa đi làm, vừa phải chăm sóc gia đình đông người, lại ở nhà thuê nên anh chị xoay xở rất chật vật. "May nhờ hội hỗ trợ máy trị giá hơn 7 triệu đồng này. Trước đây làm máy cũ, em chỉ kiếm được dưới 100.000 đồng/ngày, giờ mỗi ngày em kiếm được hơn 150.000 đồng, đủ đóng tiền nhà và phụ một phần tiền chợ". 

Hơn 50 năm nay, dì Vưu Thị Mai - dân tộc Hoa - đã gắn bó với căn nhà 20m2 nằm trong con hẻm đường Lê Quang Sung, P.6, Q.6, TP.HCM cùng hai chị em gái và một người em trai út tật nguyền. Dì Mai là người duy nhất trong nhà lập gia đình, có một người con trai. Suốt thời gian dài, ba phụ nữ cao tuổi vẫn hằng ngày phải dậy sớm nấu lá sâm, nước mát giao cho khách để đổi cơm áo. Căn nhà theo thời gian xuống cấp trầm trọng.

"Cách đây sáu tháng, chính quyền đã vận động xây tặng mái ấm tình thương nên chúng tôi có được căn nhà khang trang. Nay được hội phụ nữ tặng xe nước mía để bán trước nhà. Thu nhập nhờ đó mà tăng hơn trước, tôi thấy phấn khởi lắm" - dì Mai tâm sự.

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội LHPN TP.HCM đặt ra chỉ tiêu hỗ trợ 1.000 phương tiện làm ăn cho hội viên khó khăn. Với sự tài trợ của quỹ Chung tay vì cộng đồng thuộc Tập đoàn Thành Thành Công và các nhà hảo tâm khác, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các cấp hội của TP.HCM đã trao vốn và 1.386 phương tiện làm ăn (tổng trị giá hơn 6,2 tỷ đồng) như máy may, xe máy, xe bán nước mía, xe bánh mì, bò giống, dê giống… cho hội viên, phụ nữ nghèo tại TP.HCM và các tỉnh Cà Mau, Gia Lai, Bình Phước, Quảng Trị.

Riêng trong năm 2018, Hội Phụ nữ các cấp đã trao 709 phương tiện với tổng trị giá gần 3,2 tỷ đồng, giúp mỗi hộ tăng thêm thu nhập từ 200.000 đồng đến 3 triệu đồng/tháng. "Chương trình trao phương tiện làm ăn này đã mở ra cơ hội cho phụ nữ phát huy khả năng, sở trường của bản thân, từ đó vươn lên thoát nghèo" - bà Huyền Thanh nói. 

Hoài An - Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI