Đầu tuần hẹn với yêu thương

27/08/2018 - 11:00

PNO - Bếp ăn nhộn nhịp đến hơn 8g sáng, nồi cháo cho 200 người ăn đã không còn một tô. Người “bán” không nhận được tiền, nhưng ai nấy đều hớn hở cười vui.

Tám tháng nay, mỗi khi được mời đi đâu hoặc rủ làm gì vào buổi sáng thứ Hai, chị Nguyễn Thị Kim (ngụ tại số 49/16 Âu Cơ, P.14, Q.11, TP.HCM) đều từ chối ngay: “Phải dời ngày khác thôi, vì đầu tuần nào, tôi cũng hẹn với yêu thương rồi”.

“Yêu thương” của chị Kim chính là bếp ăn từ thiện, được Hội LHPN P.14 chọn đặt tại nhà chị từ đầu năm 2018 đến nay. 

Dau tuan hen voi yeu thuong
Một bữa ăn dinh dưỡng ở bếp ăn từ thiện P.14, Q.11.

Bốn giờ ngày 20/8, nhà chị đã bắt đầu nhộn nhịp người gọt rau củ, người nổi lửa đun cháo, nhóm khác chuẩn bị chén, muỗng, hộp, khăn giấy... Từng công đoạn phối hợp nhau một cách nhịp nhàng, thuần thục.

Chị Võ Thị Bích Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN P.14 - chia sẻ: “Nhìn các dì, các chị từ tối hôm trước phải tìm mua nguyên liệu ngon nhất, khuya phải lật đật chạy đến mà ai cũng vui vẻ nấu nướng, bày biện chuẩn bị bữa cháo dinh dưỡng cho người nghèo, người già quanh khu phố, thật ấm lòng”. 

Như lệ thường, sáng hôm ấy, bữa ăn có đủ ba món cháo, chè và trái cây. “Mở hàng” bữa cháo là người đàn ông mặc chiếc áo xanh bạc màu. Anh dựng xe sát vào góc hẻm, đến bàn, kéo ghế ngồi ngay ngắn. Anh vừa nhận cháo thì có hai dì đầu tóc bạc phơ cũng ghé ghế ngồi bên cạnh, cùng thưởng thức những tô cháo nóng hổi. Cứ như vậy, những “khách quen” của bếp ăn từ thiện dần dần ghé đến.

Chị Mai - lao công ở một trường học tại Q.10 - xúc động: “Tôi nợ ơn bếp ăn này lâu lắm rồi”. Gia cảnh chị Mai khá khó khăn, chồng bệnh nằm một chỗ, hai con nhỏ đều đang tuổi học, bữa ăn dinh dưỡng mỗi đầu tuần ở đây thật sự rất quý với chị. 

Bếp ăn nhộn nhịp đến hơn 8g sáng, nồi cháo cho 200 người ăn đã không còn một tô. Người “bán” không nhận được tiền, nhưng ai nấy đều hớn hở cười vui. Khách ra về, còn chị Kim tiếp tục đứng lau bếp, anh Trúc -  chồng chị, là tài xế xe tải - cùng các con tranh thủ xếp gọn ghế, bàn. Bên sàn nước, cô Nguyệt, cô Hà cùng các dì, chị hội viên khác dọn nồi, rửa chén. 

Thực tế, chị Kim và nhóm bạn hữu Phật tử chùa Ấn Quang (Q.10) đã nấu cơm chay, cháo dinh dưỡng miễn phí cho các nhà chùa, bệnh viện ở TP.HCM từ hơn 10 năm qua nhưng do hoạt động tự phát nên việc nấu và trao tặng bữa ăn chưa đều đặn. Hội viên, phụ nữ địa phương cũng chưa biết đến bếp ăn để góp sức. 

Chị Bích Ngọc cho biết, cuối năm 2017, trong một lần dự bữa cơm miễn phí của nhóm chị Kim, chị nghĩ Hội Phụ nữ nên cùng các chị tạo ra một hoạt động thường xuyên, lâu dài, đó là bếp ăn từ thiện. Khi nghe gợi ý, các dì, chị ủng hộ ngay. Từ đó đến nay, địa chỉ 49/16 Âu Cơ đã thành điểm hẹn đầu tuần của những người lao động nghèo. Đặc biệt, càng ngày, những buổi phát cơm càng thu hút nhiều người đến phụ bếp và nhận cơm.

Hội cũng bắt đầu tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề ngay tại bếp ăn như thủ tục vay vốn, kỹ năng quản lý việc chi tiêu trong gia đình, trao đổi về nhu cầu việc làm, kinh nghiệm giúp nhau thoát nghèo. Chị Kim tâm sự: “Từ khi có Hội Phụ nữ đồng hành, nhóm thiện nguyện và bếp ăn có thêm chỗ dựa, hoạt động từ thiện trở nên quy củ, bài bản hơn”.

Kinh phí cho mỗi bữa ăn từ thiện là 4,5 triệu đồng nên việc duy trì bữa ăn đều đặn hằng tuần không hề dễ, nhưng bếp ăn vẫn hoạt động trôi chảy hơn tám tháng qua. Chị Kim tin tưởng: “Người Sài Gòn bao dung, nhân ái lắm. Khi biết chúng tôi có bếp ăn từ thiện như thế này, bạn bè, hội viên phụ nữ, bà con Phật tử và các nhà hảo tâm gần xa đã trợ giúp. Nên tôi tin rằng, bếp ăn từ thiện P.14, Q.11 sẽ được duy trì và phát triển hơn nữa”. 

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI