Đau đầu tìm cách giảm nghèo bền vững

12/07/2019 - 06:54

PNO - Là một phường đông dân, đa phần là lao động nghèo, nên khi đối diện với mục tiêu “giảm nghèo bền vững” Hội LHPN P.6, Q.4 khá đau đầu. Nhưng trong “cái khó” đã “ló cái khôn”, Hội đã tìm ra một hướng đi mới.

Là một phường đông dân, đa phần là lao động nghèo, nên khi đối diện với mục tiêu “giảm nghèo bền vững” Hội LHPN P.6, Q.4 khá đau đầu. Nhưng trong “cái khó” đã “ló cái khôn”, Hội đã tìm ra một hướng đi mới.

Hướng đi mới ấy là nhờ cậy lực lượng trí thức.

Trao gửi từng con chữ

Trưa hè oi ả, nhưng trong lớp học của cô giáo Huỳnh Huệ Liên ở khu phố 2, P.6, Q.4 vẫn mát mẻ. 15 đứa trẻ ngồi yên nắn nót từng nét chữ. Hôm nay cô Huệ Liên và em gái Huỳnh Huệ Thúy, vốn là giáo viên của một trung tâm Anh ngữ, đang rèn chữ cho các em.

Nhìn các em cúi đầu tập viết, cô Huệ Liên mỉm cười: “trong 15 em thì 10 em đóng học phí để giúp đỡ cho năm em còn lại, đều là trẻ mồi côi hoặc con nhà có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”.

Dau dau tim cach giam ngheo ben vung

Lớp học tình thương ở nhà chị em cô Huệ Liên, Huệ Thúy

 

Lớp học được duy trì từ nhiều năm qua. Có những đứa trẻ đã qua tuổi lớp Một, lớp Hai nhưng gia đình vẫn gửi cô Liên kèm cặp. Không chỉ luyện viết chữ đẹp, dạy phương pháp làm toán thông minh, cô Huệ Liên còn dạy cho trẻ cách ứng xử, nói năng lễ phép, biết chia sẻ với bạn từng cục gôm, cây bút, quyển vở.

Cũng nhờ đó mà thời gian qua lớp học đầy tình thương yêu này đã giúp hàng chục trẻ con em lao động nghèo làm quen với chữ để tự tin bước vào lớp Một. Đây là tấm chân tình mà cô Liên cùng mẹ mình (một bà giáo về hưu) và em gái đóng góp cho Hội LHPN P.6, Q.4 trong việc thực hiện mô hình “Trí thức góp sức giảm nghèo” được khởi động từ cuối năm 2017.

Vốn là một nghệ nhân thêu nên ngoài việc dạy chữ cho học trò, cô Huệ Liên còn tổ chức lớp dạy thêu miễn phí cho học sinh cấp II. Sau mỗi khóa học, các sản phẩm thêu tay của các em được cô rao bán trên mạng để gây quỹ giúp đỡ cho chính các em.

Và nuôi lớn những ước mơ

Hơn hai năm qua, hàng trăm nam nữ trí thức đã được Hội LHPN P.6, Q.4 vận động tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Với sự khéo léo sắp đặt theo khả năng, trí tuệ và niềm say mê của từng người, các nữ trí thức đã giúp cho hoạt động của Hội đi vào chiều sâu, đồng thời bản thân cũng có thêm niềm vui giúp ích cho đời.

Chị Lê Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội LHPN P.6, cho biết: “Chúng tôi rà soát danh sách cán bộ, công chức, y bác sĩ, kỹ sư… nghỉ hưu trên địa bàn phường, đến từng nhà mời các dì tham gia sinh hoạt Hội. Nhờ vậy, ở từng chi, tổ hội đều có các dì làm nòng cốt. Họ đều là những người có kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành”.

Cũng nhờ các dì, các chị mà các tổ tư vấn cộng đồng ở từng khu phố đã ra đời với sự tham gia của các bác sĩ, kỹ sư, giáo viên. Họ đã lắng nghe, chia sẻ và kịp hóa giải nhiều mâu thuẫn.

Nhờ kinh nghiệm và sự khéo léo của mình, cô Võ Thị Cẩm Vân đã vận động được các hội viên phụ nữ tại khu chung cư khu phố 3 cùng “nói không” với tín dụng đen, mạnh dạn làm quen với nguồn vốn của Hội và góp vốn để giúp nhau vượt khó.

Cũng như vậy, ở khu phố 2, cô Võ Thị Bạch Tuyết - nguyên cán bộ Ban Nữ công Liên đoàn lao động TP.HCM - đã là chỗ dựa tinh thần cho nhiều chị em công nhân, lao động. 

Dì Nguyễn Thị Xinh - Chủ nhiệm câu lạc bộ Hội mẹ truyền thống P.6 - nhận xét: “Tôi rất khâm phục việc các em biết tận dụng ưu điểm và năng lực của mỗi người chúng tôi để giúp đỡ học trò nghèo, tạo công ăn việc làm cho phụ nữ, giúp vốn để chị em làm ăn vươn lên. Đây là lựa chọn thông minh của Hội LHPN phường”.

Dau dau tim cach giam ngheo ben vung
Các cô trong nhóm nữ trí thức tham gia cùng Hội LHPN P.6, Q.4 trong buổi gặp gỡ thân mật tại nhà cô Huệ Liên

Dì Xinh chính là người nghĩ ra sáng kiến để mỗi tổ hội thu gom giấy vụn, phế liệu để bán lấy tiền gây quỹ. Theo đó, mỗi tổ hội lập một đội gom ve chai bán và mỗi tuần góp vào quỹ 50.000 đồng. Suốt hai năm qua, 46 đội thu gom phế liệu đã lần lượt ra đời vừa giúp các hộ gia đình có ý thức phân loại rác tại nguồn, vừa gây được nguồn quỹ để trợ giúp người nghèo; hàng chục đứa trẻ mồ côi đã an tâm cắp sách đến trường để viết tiếp những ước mơ. 

Lan tỏa việc làm tốt

Cũng từ mối quan hệ và uy tín của lực lượng nữ trí thức về hưu, nhiều nam trí thức cùng các bạn trẻ đã tham gia công việc của Hội bằng trí tuệ và nguồn lực của cá nhân mình. Giám đốc của một chi nhánh ngân hàng đã âm thầm giúp Hội từ số tiền nuôi heo đất trong suốt hai năm qua. Cứ đến cuối hè là chị lại khui heo lấy tiền giao cho Hội làm học bổng cho học sinh nghèo mà không cần nêu tên tuổi. 

Cũng suốt hai năm qua, hễ rảnh rỗi là cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Minh, giáo viên Trường mầm non 6, lại cùng các ni sư chùa Kim Liên tham gia dạy làm hoa vải, thêu đan, pha chế… giúp các chị em hội viên có tay nghề, tự tin kiếm sống. 

Dì Xinh bật mí: “Mỗi khu phố chỉ cần vài nhà hảo tâm trí thức giúp thôi là đã có không ít đứa trẻ được học bổng định kỳ rồi”. Niềm vui trong ánh mắt người nữ cán bộ hưu trí này đã lây sang bao người trẻ. Quả là, nếu Hội biết trân trọng và thực tâm mời gọi thì không ai nỡ lòng từ chối. 

HẠNH CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI