Đại biểu gửi gắm trăn trở, kỳ vọng với đại hội

09/03/2017 - 09:20

PNO - Hôm nay, Đại hội (ĐH) Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII bước vào phiên bế mạc. Phóng viên Phụ Nữ Online ghi nhận ý kiến của các đại biểu gửi gắm với ĐH.

MONG HỘI GẦN VỚI ĐỜI SỐNG CHỊ EM HƠN NỮA

Chúng tôi đặt kỳ vọng Ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam khóa mới sẽ có những đột phá trong xây dựng và triển khai các giải pháp đẩy mạnh phong trào Hội phát triển theo hướng gần hơn với cuộc sống của các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng biên giới, phụ nữ dân tộc thiểu số… đồng thời tiếp tục có những bước tiến mới trong thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, tham mưu tích cực cho Đảng ta về công tác phụ nữ trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, tôi cũng mong Hội mạnh dạn đề xuất với Đảng, Nhà nước xem xét nâng chế độ phụ cấp cho cán bộ nữ ở cơ sở; nên giảm bớt các văn bản chỉ đạo, đơn giản và số hóa các biểu mẫu, sổ sách, báo cáo nhanh, báo cáo số liệu…

Chúng tôi mong ĐH hội tiếp tục đổi mới, đoàn kết, phát huy trí tuệ của cán bộ, hội viên và phụ nữ cả nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Hòa - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Phước

Dai bieu gui gam tran tro, ky vong voi dai hoi
Các đại biểu thảo luận về các chỉ tiêu, công trình tại Đại hội

CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN HỘI VIÊN GÂY KHÓ CHO CƠ SỞ

Theo tôi, chỉ tiêu “đảm bảo không có cơ sở Hội tập hợp dưới 50% pn từ 18 tuổi trở lên tham gia hoạt động Hội” khó thành hiện thực. Bởi hiện nay, theo chỉ đạo của Trung ương Hội việc kết nạp hội viên tại cơ sở, từ năm 2017, phải kết nạp cả người tạm trú tại địa phương và tính theo số liệu của niên giám thống kê.

Theo tôi, điều này chưa hợp lý, thậm chí là bất cập vì số liệu thống kê tính theo số người trong hộ khẩu. Trong khi đó, thực tế ở tỉnh Cà Mau, nhiều hộ có tên PN nhưng các chị theo chồng, đi làm ăn ở các tỉnh, thành phố lớn, không còn cư trú tại địa phương nên không thể kết nạp và không thể quản lý được.

Ngược lại, ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất lại có một lượng lao động tạm cư rất đông nhưng lực lượng này cũng không ở lâu trên 6 tháng, làm sao kết nạp?

Nên chăng, ngoài việctổ chức Hội tổ chức theo địa giới hành chính, cần phát triển thêm nhiều hình thức tổ chức Hội mới tại các công ty, xí nghiệp… Có như vậy, chị em mới thật sự đóng góp tích cực cho Hội, hơn là về sinh hoạt ở địa phương.

Theo tôi, Hội cần kết nạp những chị em cư trú thực tế tại địa phương, bồi dưỡng và nâng chất lượng từng hội viên tham gia sinh hoạt. Điều này là phù hợp hơn trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Đào Hồng Quyết - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau

Dai bieu gui gam tran tro, ky vong voi dai hoi
Đại biểu Đào Hồng Quyết - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cà Mau

MỜI NHIỀU THÀNH PHẦN CÙNG GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Tôi nhất trí với hai khâu đột phá mà dự thảo đề ra. Theo tôi, để khâu đột phá “Nâng cao hiệu quả thực chất công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ” có hiệu quả, ngoài giám sát về luật, chương trình đề án (loại này hầu hết chỉ có trí thức hoặc cán bộ, công chức tham gia), cần mở rộng thêm lĩnh vực: giám sát chuyên đề, những vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội.

Ví dụ giám sát xem chính quyền địa phương giải quyết vấn đề chống bạo hành PN đến đâu, giám sát xem việc xử lý các vụ buôn bán PN, trẻ em, nhất là ở các vùng biên giới như thế nào... qua đó cảnh báo những nơi lơ là, thiếu trách nhiệm; hoặc giám sát về cường độ lao động trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chuyên về gia công, lắp ráp và chế độ lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong các doanh nghiệp này để lên tiếng  bảo vệ quyền lợi thiết thực của nữ công nhân.

Tổ chức thực hiện giám sát và phản biện xã hội không phải chỉ ở các ban chấp hành Hội và cán bộ Hội mà cần mời thêm các thành phần xã hội tham gia, như nữ trí thức, nữ luật sư, nữ nhân sĩ, nữ hưu trí. Nói chung, thành phần càng phong phú, đa dạng, càng nâng cao hiệu quả giám sát và phản biện.

Cần cơ cấu, tạo điều kiện cho Hội Nữ trí thức tham gia các chương trình xây dựng dự án luật, pháp lệnh, nghị định… mà Hội LHPN được Quốc hội, Chính phủ, các bộ xin ý kiến.

Đại biểu Trương Thị Hiền – Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM

Dai bieu gui gam tran tro, ky vong voi dai hoi
Đại biểu Trương Thị Hiền- Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP.HCM

CẦN THAY ĐỔI CÁCH ĐÁNH GIÁ GIA ĐÌNH “5 KHÔNG, 3 SẠCH”

Hiện nay, việc thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” vẫn còn những khó khăn nhất định. Dù các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ nhiều mặt, song do nhận thức, do hoàn cảnh (có người thân nghiện ma túy, phải buôn bán lấn chiếm lề đường…) mà nhiều gia đình hội viên vẫn khó đạt đủ 8 tiêu chí của CVĐ. Công tác  lãnh đạo, chỉ đạo trong phối hợp thực hiện CVĐ có lúc, có nơi chưa nhịp nhàng, chặt chẽ.

CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” phải gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Do đó, Hội cần đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời phát hiện và biểu dương điển hình tiên tiến  trong thực hiện CVĐ. Cán bộ Hội cần tập trung tập huấn kiến thức, kỹ năng vận động PN, kỹ năng phối hợp với các ngành để triển khai CVĐ đạt hiệu quả. Nên chăng, cần phải đổi mới cách thức đánh giá gia đình “5 không, 3 sạch” (đạt/chưa đạt), bỏ đi việc các hộ tự đánh giá và giao cho tổ hội, chi hội rà soát kết quả thực tế.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Thủy – Trưởng ban Gia đình và Xã hội, Hội LHPN TP.HCM

Dai bieu gui gam tran tro, ky vong voi dai hoi
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Thủy - Trưởng ban Gia đình - Xã hội Hội LHPN TP.HCM.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI