Đã đến lúc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

06/07/2018 - 08:18

PNO - Ngày 1/7/2008, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực thi hành. Qua thực tế 10 năm áp dụng luật, phía sau nhiều cánh cửa gia đình, vẫn vang lên những tiếng kêu cứu xé lòng.

Da den luc sua doi, bo sung Luat Phong, chong bao luc gia dinh

Gia đình hạnh phúc sẽ giảm thiểu những vụ bạo hành. Ảnh minh họa

 

Phải xem lại từ khái niệm

Tại hội nghị tham vấn ý kiến chuyên gia tổng kết 10 năm thực thi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PC BLGĐ) diễn ra vào giữa tháng Tư vừa qua tại Huế, bà Bùi Thị Hòa - Phó chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - khẳng định: “Sau 10 năm triển khai, Luật PC BLGĐ đã có một vị trí vững vàng trong hệ thống pháp lý nói chung. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, một số điều luật đã lỗi thời, một số quy định không còn phù hợp. Theo tôi, đã đến lúc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật PC BLGĐ trên cơ sở rà soát, tổng kết việc thi hành luật”.

Theo các chuyên gia, có hơn 20 điều, khoản trong cả 6 chương và 46 điều của Luật PC BLGĐ năm 2007 cần sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Ông Khuất Văn Quý - Phó vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch - cho rằng, cần xem xét lại từ khái niệm. Theo luật này, “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Theo ông, rất khó hiểu thế nào là “có khả năng gây tổn hại”; cần phải sửa tất cả các khái niệm và quy định rõ thế nào là thành viên gia đình, định nghĩa chi tiết về các hành vi bạo lực.

Luật này không quy định về khái niệm “mâu thuẫn, tranh chấp” dẫn đến những cách hiểu khác nhau khi xử lý vụ việc BLGĐ và khó phân biệt sự giống và khác nhau giữa bạo lực gia đình với mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình. Chính vì nhận thức không đồng nhất nên việc ghi nhận vụ việc đã không chính xác, dẫn đến quan điểm giải quyết, xử lý vụ việc cũng không thống nhất. Thực tế, sau 10 năm, các cơ quan quản lý nhà nước không có con số thống kê quốc gia chính xác về BLGĐ vì Hội đồng Nhân dân các tỉnh không báo cáo đầy đủ như luật định.

Bà Trần Thị Huyền Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho rằng, ngay cấp xã đã gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt thông tin, chưa tiếp cận trực tiếp từng vụ việc để giải quyết kịp thời. Một số vụ BLGĐ diễn ra liên tục trong thời gian dài, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chính quyền địa phương mới biết. Hơn nữa, nhiều vụ việc được trình báo lại không được quan tâm giải quyết rốt ráo. Việc góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư chưa được UBND cấp xã quan tâm như quy định tại khoản 3, điều 17 Luật PC BLGĐ. Quy định áp dụng biện pháp “cấm tiếp xúc” theo điều 20 của Luật PC BLGĐ còn mơ hồ, khó thực hiện vì các nội dung của điều luật này còn mâu thuẫn, chồng chéo nhau. Việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi BLGĐ không triển khai được đến cùng vì nhiều đối tượng gây bạo lực là người tạm trú, không chấp hành việc xử phạt, cũng không có biện pháp chế tài như “cấm đi khỏi nơi cư trú và bắt buộc nộp phạt”. 

Trong nhiều điều khoản mơ hồ của Luật PC BLGĐ, các điều khoản về cấm tiếp xúc (từ điều 19 đến điều 22) là khó thực thi nhất. Thạc sĩ, luật gia Hoàng Kim Chiến - nguyên Phó cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Tư pháp - nói: “Chúng ta không có công cụ định vị, không đủ lực lượng cảnh sát để ngăn chặn hành vi kịp thời (theo quy định, phải ngăn chặn khi kẻ gây hành vi bạo lực đến gần nạn nhân ở khoảng cách dưới 30m)”. 

Da den luc sua doi, bo sung Luat Phong, chong bao luc gia dinh
Ảnh minh họa

Cần những biện pháp chế tài mạnh mẽ

Hơn nữa, tại điều 22 của luật, việc giám sát thực hiện quyết định cấm tiếp xúc lại được giao cho người đứng đầu cộng đồng dân cư (trưởng thôn, bản, tổ trưởng dân phố). Điều này là chưa phù hợp, cần sửa đổi theo hướng: cơ quan nhà nước nào ra quyết định thì cơ quan đó phải có trách nhiệm theo dõi, bảo đảm cho quyết định của mình được thi hành; các tổ chức xã hội, nhân dân chỉ có vai trò hỗ trợ và giám sát. Nên giao cho cơ quan công an cùng cấp, cụ thể là cảnh sát khu vực. 

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - kiến nghị, cần định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự với người có hành vi BLGĐ: “Gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ việc vì tình, vì rượu, dẫn đến gây ra thương tích trầm trọng, thậm chí là cái chết cho phụ nữ, trẻ em vốn là thành viên trong các gia đình, theo tôi, việc sửa đổi, bổ sung Luật PC BLGD đã trở thành vấn đề vô cùng cấp thiết. Quan trọng nhất, cần ghi rõ vào luật những hành vi có đủ yếu tố truy cứu trách nhiệm hình sự như cố ý gây thương tích, hành hạ người khác, xâm hại tình dục trẻ em… là người thân, thành viên trong gia đình thì đều phải được định khung tăng nặng”. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI