Cửa hàng thực phẩm an toàn do Hội "bảo chứng"

11/11/2016 - 05:33

PNO - Hội LHPN P.10, Q.6, TP.HCM vừa khai trương “Cửa hàng xanh”. Cửa hàng do chị Trần Thị Ngọc Mỹ, hội viên Hội PN phường làm chủ, chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Hội LHPN P.10, Q.6, TP.HCM vừa khai trương “Cửa hàng xanh” tại số 168 đường Vành Đai, P.10. Cửa hàng do chị Trần Thị Ngọc Mỹ, hội viên Hội PN phường làm chủ, chuyên kinh doanh thực phẩm tươi sống, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.

Chị tự giới thiệu: “Đây là cửa hàng bán thực phẩm an toàn, thành lập và kinh doanh dưới sự hỗ trợ của Hội PN và đảng ủy phường”. Hai năm trước, chị sang lại cửa hàng từ người em chồng bằng nguồn vốn do mẹ ruột vay được từ Hội PN phường và tiền tiết kiệm của hai vợ chồng.

Lúc mới mở cửa hàng, chị chỉ bán một vài loại rau, củ, trái cây. Thời gian sau, chị tìm hiểu qua người quen, trên mạng về những nơi cung cấp sản phẩm uy tín, chất lượng và cách bảo quản thực phẩm tươi ngon.

Khi Hội PN vận động ra mắt cửa hàng nhằm đẩy mạnh tuyên truyền về tiêu dùng thực phẩm an toàn, góp phần tạo thói quen sử dụng thực phẩm an toàn, dinh dưỡng trong cộng đồng, chị liền “gật đầu” vì đó cũng là điều chị ấp ủ từ lâu.

Cua hang thuc pham an toan do Hoi
Chị Mỹ (trái) với niềm vui kinh doanh thực phẩm sạch.

Vừa đóng gói mớ cải thìa, rau xà lách, chị Mỹ vừa chia sẻ: “Hồi mới kinh doanh, cửa hàng vắng khách, rầu hết sức. Thực phẩm hữu cơ (HC) vẫn còn khá lạ với đa số người tiêu dùng Việt Nam, rất kén khách bởi giá rau củ, trái cây HC thường cao gấp ba-bốn lần các sản phẩm thông thường cùng loại tại chợ”.

Đưa tôi xem sản phẩm cà rốt, củ dền tím trồng theo phương pháp HC, chị Mỹ nói: “Nhìn bên ngoài xấu xí, còi cọc vậy đó, nhưng an toàn lắm; khi nấu, vị rất ngon do được tưới bón hoàn toàn bằng phân HC thiên nhiên, không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học. Tuy nhiên, trong khi trồng, rau củ HC cũng dễ chết, nếu thời tiết xấu sẽ dẫn đến tình trạng khan hàng”.

Ngoài rau củ HC, tại cửa hàng, còn có thịt heo, mực, tôm, cá… được sơ chế và đóng gói sẵn để khách hàng dễ lựa chọn. Chị Mỹ hào hứng: “Nguồn hàng hải sản là do người nhà ở Kiên Giang cung cấp. Mỗi khi hàng về, hai vợ chồng tôi kiểm tra, cân theo số lượng, đóng gói… rồi mới cho vào tủ đông. Nếu lấy hàng bên ngoài thì không cần vất vả như vậy. Tuy nhọc công hơn nhưng tôi cảm thấy vui vì giúp khách hàng có được bữa cơm an toàn”.

Ở “cửa hàng xanh” của chị Mỹ, khách hàng có cảm giác thoải mái khi chọn hàng bởi bà chủ trưng bày vừa đủ sản phẩm lên kệ. Chị Mỹ giải thích: “Mình không nhập hàng ồ ạt mà chỉ nhập mỗi thứ một ít, đủ bán trong một-hai ngày. Hơn nữa, sản phẩm HC không nhiều và đa dạng như sản phẩm thông thường. Nhiều hôm, quầy kệ thưa hàng nhưng khách nào đã quen dùng thực phẩm HC sẽ không vì thế mà bỏ cửa hàng”.

Chị Mỹ cho biết, từ nhỏ, chị đã rất quý nghề nông; để cho ra được các sản phẩm an toàn và dinh dưỡng là rất vất vả. Giúp nhà nông tiêu thụ được sản phẩm, lại giúp nhiều người ăn được sản phẩm an toàn là điều có ý nghĩa. Bán hàng không đơn giản chỉ vì lợi nhuận mà còn thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng.

Cửa hàng của chị Mỹ tuy nhỏ, nhưng bà chủ lại luôn bận rộn. Lúc vắng khách, chị Mỹ tranh thủ niêm yết giá sản phẩm, lên mạng tra cứu tài liệu về thực phẩm HC; lúc có khách, chị lại nhiệt tình tư vấn, hướng dẫn cách chế biến, bảo quản thực phẩm. Chị hầu như ở tiệm suốt ngày .

Gia đình nhỏ của chị ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (TP.HCM), nhưng 5 - 6 giờ sáng, cửa hàng đã mở, vì thời điểm đó mới đông khách; đến tận 11 giờ đêm, chị mới về nhà. Để đỡ đần vợ, anh Dũng chồng chị vừa sửa chữa đồng hồ trước cửa hàng, vừa kiêm việc giao thực phẩm cho những khách ở xa. Để quảng cáo thực phẩm HC, chị Mỹ mở rộng kinh doanh qua mạng và điện thoại, giao hàng tận nhà.

Đã có vài hội viên, PN đến học cách mở cửa hàng xanh. Đó là một tín hiệu vui khi chị em quan tâm đến việc kinh doanh thực phẩm an toàn. Chị Mỹ mong sẽ ngày càng có thêm nhiều “cửa hàng xanh” do hội viên làm chủ vì vừa giúp hội viên làm kinh tế, vừa đưa được sản phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng.

Tâm đắc với mô hình “cửa hàng xanh”, bà Lương Thanh Trúc, Chủ tịch Hội LHPN Q.6 mong muốn nhân rộng mô hình đến các phường còn lại trên địa bàn quận. Muốn làm được điều đó, theo bà, phải tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em, nhất là người làm nội trợ quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe người thân trong từng bữa ăn gia đình.

Với chị em có ý định mở “cửa hàng xanh”, Hội LHPN quận sẽ xem xét, hỗ trợ bằng cách: khảo sát nhu cầu thực tế, hỗ trợ vốn vay với lãi suất thấp, giới thiệu các điểm cung cấp rau củ, thực phẩm đã qua kiểm định chất lượng.

Việt Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI