Còn sức là còn đồng hành cùng chị em

03/08/2016 - 19:37

PNO - 37 năm làm công tác Hội, chị Nguyễn Thị Hường (nguyên Chủ tịch Hội LHPN P.2, Q.11, TP.HCM) đã giúp hàng trăm hội viên, phụ nữ (HV, PN) vay vốn làm kinh tế để thoát nghèo.

Đặc biệt hơn, chị đã biến hoạt động này thành một “kênh” riêng thu hút chị em đến vói Hội.

Sáu năm nay, chị Hường bị thoái hóa khớp gối nặng, đi lại khó khăn. Dù vậy, hoạt động Hội ở địa phương chẳng khi nào vắng bóng chị. Sau khi về hưu, nhiều người khuyên nên nghỉ ngơi, nhưng chị vẫn làm tổ trưởng tổ PN 23, KP.3, P.2, Q.11. Chị tâm niệm: “Chừng nào còn sức, chừng đó còn đồng hành cùng chị em”.

Năm 1983, chị Hường là Phó chủ tịch hội LHPN P.2. Từ năm 1985 - 2014, chị giữ trọng trách Chủ tịch hội LHPN P.2. Chị cho biết, P.2 có 67% dân số là người Hoa. Những năm 1980 - 1985, việc vận động PN, nhất là PN người Hoa vào Hội rất gian nan. Một phần vì chị em chưa hiểu hoạt động của Hội, phần khác do họ phải lo “cơm, áo, gạo, tiền”. Chị Hường phải đạp xe đạp đến từng con hẻm nhỏ trong phường, tới đâu chị cũng ngồi lại hỏi chuyện kinh tế, đời sống gia đình.

Con suc la con dong hanh cung chi em
Chị Nguyễn Thị Hường

Nhận thấy có nhiều chị em mong muốn vay vốn nhưng không biết tìm nguồn ở đâu, chị Hường đến từng nhà rủ chị em đi “bàn chuyện làm ăn”. Qua mỗi buổi gặp mặt, chị giải thích cặn kẽ về vai trò, nhiệm vụ của Hội đối với PN. Chị cũng trình bày chi tiết điều kiện, lợi ích khi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mà Hội đang triển khai cho chị em nghe. Ngoài các nguồn vốn Thành Hội, Quận Hội đưa xuống, chị còn chủ động tạo quỹ bằng cách vận động Mạnh Thường Quân. Hễ HV, PN nào đau ốm đột xuất phải đi bệnh viện, cần tiền đóng học phí cho con gấp hoặc muốn có ít vốn mở quán bán thức ăn sáng, nước giải khát là chị trích quỹ cho mượn không tính lãi.

Từ khi báo Phụ Nữ chỉ mới phát hành hai kỳ/tuần (năm 1988, đến năm 1996 ra thêm tuần san Phụ Nữ Chủ nhật), chị đã chủ động nhận từ 40 - 80 tờ/số, lọ mọ đạp xe mang xuống từng hộ dân để bán. Số tiền lời ít ỏi, được chị góp vào quỹ Hội. Nhiều người quở: “Chủ tịch mà làm chi cực vậy”. Chị cười: “Tôi muốn chị em đọc báo Hội để biết đó, biết đây, không chừng còn học được những cách làm kinh tế hay mà linh hoạt áp dụng vào đời sống của mình”.

Những nỗ lực của chị Hường dần thu hút PN đến với Hội. Nếu như trước đây, P.2 chỉ có mấy trăm HV thì khi chị về hưu đã tăng lên hơn 2.700 HV. Đáng mừng hơn là đời sống kinh tế của HV, PN P.2 được cải thiện rõ rệt. Nhờ đồng vốn của Hội, thông qua sự giới thiệu của chị Hường, từ chỗ bế tắc chuyện tiền nong, công việc, nhiều chị đã vươn lên làm kinh tế khá, nuôi con ăn học thành tài. Như trường hợp chị Trần Thị Cẩm bán hủ tíu, chồng chạy xe ôm. Quán nhỏ, bàn ghế cũ mèm, xe thì hư triền miên, trong khi hai con của chị Cẩm lại đang tuổi ăn, tuổi học. Cả gia đình sống nhờ bên nội, nhà cửa không, vốn liếng cũng không.

Chị Hường đã giới thiệu cho chị Cẩm vay vốn tín dụng tiết kiệm của quận Hội để mở rộng quán và nâng cấp xe. Nhờ đó, việc buôn bán thuận lợi dần, những cuốc xe ôm trong ngày của chồng chị Cẩm cũng tăng lên. Sau nhiều năm tích góp, giờ chị Cẩm đã mua được đất, xây nhà và sắm sửa được nhiều tiện nghi gia đình. Chị Hường đúc kết: “Khi được trao kiến thức, cơ hội, nếu tận dụng tốt thì thể nào chị em cũng sẽ gặt hái “quả ngọt” cả về vật chất lẫn tinh thần. Còn như cho tiền, dù nhiều cỡ nào mà bản thân họ chẳng có việc gì làm thì bao nhiêu cũng hết”.

Bà Nguyễn Thị Hường (sinh 6/2/1959)

- Tổ trưởng PN tổ 23, P.2, Q.11.

- Thời gian công tác Hội: 37 năm.

- Huy hiệu “Người PN mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng PN”.

- Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển dân tộc”.

- Huy hiệu “Vì sự nghiệp khuyến học”.

- Huy hiệu “Vì sự nghiệp nhân đạo”.

- Huy hiệu “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”.

- Bằng khen “Vì nhiều năm liền dẫn đầu phong trào Hội” năm 1989.

- Bằng khen của UBND TP.HCM.

- Hội LHPN TP.HCM công nhận Gia đình tiêu biểu thực hiệc cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.

- Đạt nhiều năm liền “Gia đình văn hóa” ở địa phương.

Mẫn Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI