Còn cuộc đời, ta cứ vui

18/12/2017 - 15:24

PNO - Tay phải chị thoăn thoắt đưa kéo trên mái tóc của khách. Cậu con trai mới 6 tuổi đứng nhìn một hồi rồi chạy tới xoa mỏm cụt trên cánh tay trái mẹ, hỏi: 'Mẹ có đau không? Mẹ làm mệt rồi, lát con lau nhà nha'.

Con cuoc doi, ta cu vui
Chị Trâm cắt tóc cho khách với một cánh tay còn lại

GIỮA LẰN RANH SINH TỬ 

Chạng vạng, tiệm cắt tóc Nghi Nghiêm trên đường Nguyễn Bá Huân, phường Thảo Điền, quận 2, TP.HCM đón vài vị khách nữ, người đến cắt tóc, người gội đầu. Chị Lê Thị Kim Trâm lăng xăng góc này góc kia, khi cầm kéo, khi ôm chai dầu gội. Nhìn chị, khách trấn an: “Em chờ được, chị cứ từ từ”.

Chị nheo mắt, nói như phân bua: “Hồi xưa, chỉ 5-10 phút là cắt xong một mái tóc, giờ còn có một tay, lại mới tập cầm kéo lại, mất 45 phút vẫn chưa đâu vào đâu. Đôi khi nghĩ, khách tới ủng hộ chỉ vì mình khuyết tật, xót lắm”. Nghe vậy, chị Khương Thị Duy Lan (ngụ tại phường Thảo Điền) xua tay: “Em không nghĩ chị khuyết tật hay không khuyết tật gì đâu. Vì chị làm tốt, nói chuyện có duyên, em quý nên ghé”. 

Khách về, chị ngồi nhìn cuốn sổ ghi chép của tôi rất lâu rồi thốt lên: “Chị không đọc được, em à”. Vào buổi tối, hai mắt chị đau, khó nhìn thấy chữ. Đây không phải hậu quả của tai nạn một năm về trước, mà vì chị đã khóc quá nhiều. 

Hơn 9g ngày 8/8/2016, sau cú bẻ lái của tài xế xe ben chạy cùng chiều, chị Trâm nằm sóng soài trên mặt đường thuộc ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; cánh tay trái đứt lìa, toàn thân lạnh buốt và lên cơn co giật. Trâm nói, giữa lằn ranh sinh tử, gương mặt hai đứa con cùng cuộc hôn nhân đầy sóng gió chạy qua đầu chị.

Và, trong trạng thái mê tỉnh lẫn lộn, chị chỉ biết có hai người qua đường đã xốc mình dậy đặt lên xe tải, chạy ào đi. “Sáng hôm ấy, trong túi tôi chỉ còn đúng 100.000 đồng. Tôi không biết tên đầy đủ của ân nhân. Chị tên Nhi, anh tên Hải. Lúc cứu tôi, chị Nhi đang mang thai. Tôi được đưa vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai. Có lẽ chính anh, chị đã đóng viện phí cho tôi” - chị Trâm nhớ lại. 

Sau khi được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị một tháng, sức khỏe Trâm dần hồi phục, còn tinh thần thì hoàn toàn suy sụp. Chị kể: “Nhìn cơ thể mình, tôi muốn nhắm mắt mãi mãi. Đã nhiều lần, tôi tìm đến cái chết”.

Đêm đó, ngồi trong phòng trọ, chị cầm thanh sắt, dự tính chọc vào ổ điện để điện giật. Từ trên gác, hai chị em Nguyễn Hữu Chiêu Nghi (sinh năm 2005), Nguyễn Lê Nghiêm (sinh năm 2011) thảng thốt gọi: “Mẹ ơi”. Chị bừng tỉnh, chạy lên ôm con.

Lần khác, 2g sáng, chị nghĩ mình vô dụng, cứ bỏ nhà đi, thể nào chồng cũng về đón các con. Đúng lúc đó, Nghiêm thức giấc, chạy lại ôm mẹ, hỏi: “Sao mẹ khóc? Mẹ đau tay phải không, để con xoa cho mẹ bớt đau”. Chị càng khóc to hơn. Sau chị Nhi, anh Hải, là Chiêu Nghi và Lê Nghiêm đã cứu chị thêm một lần nữa. 

QUYẾT KHÔNG BUÔNG XUÔI

Kim Trâm là chị đầu của 5 đứa em, quê ở huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Cha là thợ cắt tóc nên 12, 13 tuổi, Kim Trâm đã theo ông đi khắp làng trên xóm dưới hành nghề. Dù vậy, ước mơ lớn nhất của Trâm là sau này trở thành giáo viên mầm non. Ba vụ tôm sú thua lỗ liên tiếp, gia đình chị phải bán nhà trả nợ. Hồi đó, Trâm mới học hết lớp Chín, phải bỏ học, ra TP.Nha Trang ở đợ. 

18 tuổi, Kim Trâm nhảy xe đò vào tỉnh Bình Dương. Để theo đuổi giấc mơ xưa, chị vừa giữ con cho người quen, vừa học bổ túc văn hóa buổi tối. Được một thời gian, Trâm hùn tiền với bạn thuê nhà trọ. Chị chia một ngày thành ba ca, từ 6g-17g làm công nhân công ty đông lạnh, 18g-21g30 đến lớp học, 22g-2g ngồi trong xưởng may. Chị khoe: “Cách hai tháng, tôi gửi về cho mẹ hai, ba trăm ngàn, phụ nuôi em. Làm ra đồng tiền nhọc nhằn, nhưng cảm thấy hạnh phúc vô cùng”. 

Lập gia đình đầu năm 2005, chị Trâm chuyển sang làm bảo mẫu. Chồng làm phụ hồ, theo công trình nay đây mai đó, mình chị quán xuyến việc nhà. Về sau, chị vào tiệm cắt tóc bên đường Trần Não, phường Bình An, quận 2 học việc và thành thợ phụ. Đến năm 2014, muốn cuộc sống ổn định hơn, chị vay mượn 40 triệu đồng mở tiệm cắt tóc Nghi Nghiêm. 

Con cuoc doi, ta cu vui
Chị Trâm bên cậu con trai út Nguyễn Lê Nghiêm


Mất một cánh tay, chị xót xa nhìn cơ ngơi vừa gầy dựng. Đời người thợ, tay cầm kéo, tông đơ, tay cầm lược, khuyết bên nào cũng thành khó. Nhưng chị quyết không buông xuôi. Chị bắt đầu tập rửa chén, giặt quần áo, lặt rau bằng chân, sau nữa là cắt tóc chỉ với một tay.

Tiệm mở trở lại, tay kéo không còn “ngọt” như trước, nhưng sự chân thành, niềm nở của chị níu chân khách. Cơm chưa đủ no, vậy mà chị vẫn sẵn lòng nhận truyền nghề miễn phí cho em Đặng Văn Tâm (quê Quảng Ngãi). Tâm chia sẻ: “Hết lớp Chín, em nghỉ học. Vô đây gặp được cô Trâm, em lại quyết tâm phải học bổ túc văn hóa cho hết lớp 12. Với em, cô là tấm gương về nghị lực, ý chí, giúp mình có thêm động lực học hành, sống vui vẻ hơn”. 

Vợ chồng chị đã ly thân, lâu lâu anh mới ghé về, phụ chị ít tiền cho Nghiêm ăn học. Chị mới làm việc lại nên cuộc sống còn lắm chật vật. Ở Khánh Hòa, mẹ chị - bà Nguyễn Thị Sang - ngược xuôi mua, bán chuối kiếm tiền phụ giúp con gái. Nhắc đến mẹ, chị tâm tình: “Tôi may mắn mẹ còn sống để đồng hành cùng con, chỉ vậy thôi là đáng vui rồi”. 

 MẪN NHI

Lúc chị Trâm bị tai nạn, Hội LHPN phường Thảo Điền cùng Trường tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi - nơi Chiêu Nghi học thời tiểu học - đã vận động cán bộ, hội viên, phụ huynh và giáo viên đóng góp được 20 triệu đồng giúp chị. Hiện cuộc sống rất khó khăn, nhưng chị Trâm vẫn luôn hăng hái tham gia sinh hoạt Hội Phụ nữ. Năm 2016, chúng tôi đã trao học bổng Nguyễn Thị Minh Khai cho Chiêu Nghi. Năm 2017, chúng tôi đã giới thiệu để Nghi được nhận học bổng “Nữ sinh hiếu học vượt khó” của Báo Phụ Nữ TP.HCM. Chúng tôi còn hỗ trợ xe đạp, bảo hiểm y tế cho mẹ con chị Trâm. 

 Chị Trần Thị Tuyết - Chủ tịch Hội LHPN phường Thảo Điền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI