Có nhà rồi, vẫn muốn trọ chỗ cô Loan

27/03/2018 - 16:11

PNO - Ở nhà trọ của chị Đinh Thị Thúy Loan - Tổ trưởng Tổ Phụ nữ 17, khu phố 1, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM - người thuê như tìm thấy không gian đầm ấm của một gia đình.

Co nha roi, van muon  tro cho co Loan
Chị Loan (bìa trái) tặng quà, chúc mừng năm mới chị Phương (bìa phải) và gia đình

Tôi ghé khu trọ của chị Loan vào một ngày cận tết Mậu Tuất, lúc chị đang lui cui gói ghém từng phần quà để tặng công nhân. Nhìn dáng đi nhanh nhẹn, gương mặt rạng rỡ với nụ cười thường trực trên môi, ít ai biết chị bị thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đã nhiều năm. “Bệnh lại là cái duyên đưa tôi đến với thể dục dưỡng sinh. Lúc đầu, chỉ có tôi cùng vài chị em kéo nhau ra công viên khu phố 1 tập. Sau này, được huấn luyện bài bản, tôi chủ động hướng dẫn cho nhiều người cùng tập. Năm 2013, câu lạc bộ Dưỡng sinh của khu phố ra đời, duy trì đến tận bây giờ” - chị Loan mở đầu câu chuyện. 

Vốn là cán bộ công đoàn của Công ty TNHH sản xuất - thương mại - xây dựng điện Trúc Hạ (Q.12) nên khi về địa phương, chị Loan bắt nhịp với phong trào Hội rất nhanh. Bà Võ Thị Phương Vĩnh - Bí thư chi bộ khu phố 1, P.Tây Thạnh - cho biết, trước đây, rất ít người tham gia phong trào ở khu phố. Từ ngày có chị Loan, khu phố đã có đội văn nghệ, đội dưỡng sinh riêng. Các hội thi nấu ăn, văn nghệ do địa phương tổ chức hằng năm luôn có chị Loan góp mặt trong vai trò thí sinh hoặc hậu cần. “Cô ấy là người năng động, làm việc trách nhiệm, cầu tiến và luôn vì lợi ích chung” - bà Vĩnh nhận xét. 

Tiếp nhận dãy nhà trọ từ má chồng, năm 2008, chị Loan bắt đầu tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho người thuê trọ. Nơi đây có 12 phòng với hơn 40 người thuê ở, đa phần là công nhân từ các tỉnh đến TP.HCM mưu sinh. Dọc theo hành lang khu trọ, mọi thứ được bài trí ngăn nắp, sạch sẽ. Thông tin phòng cháy chữa cháy, các phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm, nhất là tội phạm trộm, cướp tài sản được chị Loan dán ngay ngắn trên bảng tin. 

Chị Phạm Thị Phương (SN 1992, quê Hải Dương) tâm tình: “Má tôi làm công nhân, tôi sống tại đây cùng bà từ năm học lớp Tám. Cô Loan mang đến cho chúng tôi cảm giác thân tình như người nhà. Khu trọ cũng rất an ninh, không phải lo trộm cắp gì. Năm 2016, tôi lập gia đình, quyết định tiếp tục chọn nhà cô Loan làm nơi vun vén tổ ấm của mình”. 

Không chỉ tết Nguyên đán, vào dịp 1/6, tết Trung thu, chị Loan lại gói ghém bánh kẹo, nhu yếu phẩm tặng công nhân và học sinh. Nhiều cặp vợ chồng trẻ bận việc, chị sẵn sàng đưa đón các bé đi học, dỗ cho ăn. Khi nữ công nhân sinh con, đau ốm, chị cũng là người có mặt đưa đi bệnh viện, thăm nuôi như người nhà. Có lẽ, do cái tình ấy mà không ít gia đình qua nhiều thế hệ như chị Phương vẫn chọn dãy trọ này làm nơi trú ngụ. Hồi mới đến thuê phòng, vợ chồng anh Toàn - chị Đường, anh Huynh - chị Nga đều làm công nhân. Sau một thời gian chắt bóp, hai cặp vợ chồng trẻ này đã mua được nhà riêng tại xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM, nhưng lại không ở nhà mình mà đem cho thuê, vì “vẫn muốn ở nhà cô Loan”. 

Sinh hoạt tổ hội, nhiều công nhân không tham gia được do phải tăng ca, chị Loan ghi chép cẩn thận thông tin vô cuốn sổ nhỏ, tối về ghé từng phòng chia sẻ lại. Quan tâm đến sức khỏe nên chị thường chạy lên phường, quận coi có chương trình khám bệnh, phát thuốc miễn phí nào để phổ biến cho chị em biết. Đặc biệt, nhằm kết nối người thuê trọ toàn khu phố với nhau, chị Loan tổ chức các buổi thi hát, diễn kịch, chơi trò chơi dân gian ngay tại khuôn viên trước nhà. Con gái chị - em Võ Khánh Linh - mới 12 tuổi đã biết phụ mẹ dẫn dắt đội kịch tí hon, kiêm nhiệm vai trò MC trong các chương trình. 

Chị Loan kể: “Các bạn công nhân thường hỏi tôi “tuần này, tháng nay có gì “hot” không cô, con tham gia với? Về phần Khánh Linh, cháu đi tập văn nghệ ở nhà thiếu nhi quận, học được gì là về chia sẻ lại cho các bạn cùng lứa trong dãy trọ. Tôi cảm thấy phấn khởi vì hoạt động nào cũng được mọi người hưởng ứng. Văn nghệ, thể dục thể thao đang giúp chúng tôi xích lại gần nhau hơn”. 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI